e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Tài chính

Nhập siêu lại gia tăng

10:08 | 29/07/2021 Print
Với việc trong nửa đầu tháng 7/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt thêm 1,83 tỷ USD, theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt tới 3,01 tỷ USD.

Theo cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2021 (từ ngày 1/7 đến ngày 15/7/2021) đạt 27,39 tỷ USD, giảm 4,8% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2021.

Tuy nhiên, nhờ giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm khả quan, nên lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 345,45 tỷ USD, tăng 32,3%, tương ứng tăng 84,31 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp lớn vào sự gia tăng của tổng trị giá xuất nhập khẩu là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi đạt 238,44 tỷ USD, tăng 36,2% (tương ứng tăng 63,39 tỷ USD); khối doanh nghiệp trong nước đạt 107,01 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến bức tranh xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của nước ta trong kỳ 1 tháng 7/2021 đạt 12,78 tỷ USD, giảm 13,9% so với kỳ 2 tháng 6/2021, do trị giá xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 28,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 28,7%; sắt thép các loại giảm 21,6%... Tuy nhiên, tính đến hết ngày 15/7, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam tăng 28% so với cùng kỳ năm trowcs, khi đạt 171,22 tỷ USD.

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ từ 1/1/2021 đến 15/7/2021 và cùng kỳ năm 2020

Nhập siêu lại gia tăng
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trái ngược với sự giảm tốc của giá trị hàng hoá xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 7/2021 tăng 4,8% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2021 khi đạt 14,61 tỷ USD. Điều này càng khiến cho hoạt động nhập siêu gia tăng.

Tính đến hết ngày 15/7, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 174,23 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân của tình trạng này là do hàng loạt nhóm hàng ghi nhận giá trị nhập khẩu gia tăng mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 50,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 38%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 23%... so với cùng kỳ năm 2020.

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 1/1/2021 đến 15/7/2021 và cùng kỳ năm 2020

Nhập siêu lại gia tăng
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Lũy kế từ đầu năm hết ngày 15/7, trong khi tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt tăng 32,3%, thì tổng trị giá nhập khẩu lại tăng cao hơn với mức 36,8% so với cùng kỳ năm 2020, khiến cho tình trạng nhập siêu đang gia tăng. Một trong những lý do khiến nhập siêu gia tăng là trong khi tính đến hết ngày 15/7, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm doanh nghiệp FDI tăng 32,9%, tương ứng tăng 31,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước (chiếm 73,3% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước), thì tổng trị giá nh​ập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này tăng mạnh tới 40,1% (tương ứng tăng 32,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 64,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội vừa kết thúc, ý kiến từ đại biểu Quốc hội nhìn nhận xu hướng nhập siêu gia tăng là một trong những thách thức đối với ổn định nỗ lực kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp vào cuộc của các bộ, ngành trong khắc phục tình trạng nhập siêu từ nay đến cuối năm, nếu không muốn “quả bóng” nhập siêu thêm phình to./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư