e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Không thể để hàng không Việt gãy cánh

15:05 | 02/08/2021 Print
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, TS. Bùi Doãn Nề cho biết, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đối với ngành hàng không, nhưng nhất thiết không thể để ngành này “gãy cánh”. Ông dự báo đến năm 2024, ngành hàng không mới có khả năng phục hồi.

Để duy trì hoạt động tối thiểu, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày

Không thể để hàng không Việt gãy cánh
TS. Bùi Doãn Nề

Chúng tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 02 lần cho các hãng hàng không khác.

Trong bức thư gửi ngày 2/8/2021, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ, hơn 500 ngày qua, chúng ta phải chiến đấu với loại virus được ví như “kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình” và tạm thời chưa có thuốc chữa. “Đại dịch đã gây ra bao nhiêu khó khăn, vất vả, nhưng chúng ta nhất định sẽ chiến thắng”, Thủ tướng khẳng định.

Chia sẻ của Thủ tướng cho thấy, khó khăn trước mắt còn dài, nhất là khi nước ta chưa chủ động được nguồn thuốc chữa đại dịch. Bối cảnh nền kinh tế hiện nay rất khó để đạt được đồng thời các mục tiêu phát triển. Chọn phân bổ nguồn lực vào đâu để nền kinh tế giữ được các ngành nghề "giường cột", trụ lại và tạo đà cho các ngành kinh tế khác phục hồi, đó là câu hỏi khó nhất với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế lúc này.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 2/8/2021, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo đánh giá, ngành hàng không có vai trò đặc biệt trong việc kết nối Việt Nam với thế giới, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản xuất giữa Việt Nam và toàn cầu. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tàn phá nhiều ngành công nghiệp, nhưng với riêng ngành hàng không, nếu không có các giải pháp kịp thời cứu ngành, sẽ để lại 2 hậu quả rất lớn.

Không thể để hàng không Việt gãy cánh
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam dự báo, doanh thu ngành hàng không năm 2021 chỉ bằng 40-50% so với năm 2019

Thứ nhất là rủi ro về thanh khoản. Các doanh nghiệp sẽ không có đủ tiền để đáp ứng các khoản chi trả gồm có nợ ngắn hạn của ngân hàng, nợ các nhà cung cấp và đặc biệt quan trọng là trả lương cho hàng ngàn lao động. Thứ hai, rủi ro về kiệt quệ tài chính. Nếu tình trạng kiệt quệ tài chính của doanh nghiệp không được giải quyết, sẽ để lại hậu quả tái cấu trúc rất tốn kém trong tương lai. “Dù là hãng bay của nhà nước hay hãng bay tư nhân thì cũng cần thiết phải có hỗ trợ của Nhà nước để các doanh nghiệp hàng không không rơi vào các rủi ro trên, thậm chí xấu hơn là giải thể, hợp nhất hay phá sản”, ông nói.

Cụ thể hơn về thực trạng của ngành, TS. Bùi Doãn Nề cho biết, dự kiến doanh thu của ngành năm 2021 chỉ bằng 40-50% so với năm 2019 (trước khi dịch bệnh bùng phát). Do vai trò quan trọng của ngành hàng không đối với nền kinh tế của một quốc gia, nên Chính phủ các nước cũng đang triển khai nhiều gói hỗ trợ ngành hàng không. Năm 2020, các nước đã chi khoảng 200 tỷ USD để hỗ trợ các hãng hàng không, dự kiến năm 2021 sẽ chi thêm khoảng 84 tỷ USD.

Tại Việt Nam, đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4 bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho ngành hàng không. Gần 80-90% số lượng máy bay phải nằm lại sân bay. Doanh thu hàng không chỉ đạt 10-12% so với cùng kỳ năm trước. Về vận chuyển hành khách, năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019.

Báo cáo số liệu 6 tháng đầu năm 2021, điều hành bay giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam mới chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm khoảng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vận chuyển quốc tế đang đóng băng nên chỉ đạt 76 nghìn khách, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển nội địa có tăng so với năm 2020 một chút là gần 2%. Các doanh nghiệp cũng đang cố gắng chủ động chuyển đổi sang vận chuyển hàng hóa, vật tư y tế, hàng hóa cứu trợ để bù lại phần chuyên chở hành khách bị sụt giảm.

Ngoài các doanh nghiệp hàng không, toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến dây chuyền vận tải hàng không đều bị ảnh hưởng rất lớn, như dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ thương mại mặt đất, sản xuất các suất ăn và các công nghiệp phụ trợ khác. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng hoạt động khi phục hồi trở lại. Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày.

Cần giảm lãi suất, giảm thuế, tái cấp vốn cho cả hãng hàng không tư nhân

Không thể để hàng không Việt gãy cánh
GS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Câu chuyện Chính phủ Mỹ giải cứu GM là bài học kinh nghiệm để thấy rằng, việc giải cứu một doanh nghiệp có vai trò tương tương hỗ trợ cho cả một ngành công nghiệp. Tôi mong rằng, Chính phủ nước ta cũng sẽ có những giải pháp mạnh cứu cánh cho các hãng hàng không Việt Nam.

Trước khó khăn của toàn ngành, ông Bùi Doãn Nề cho biết, Hiệp hội đã có kiến nghị gửi đến Chính phủ, đề nghị sớm triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vắc xin.

Theo khảo sát vào tháng 3/2021 của IATA, 81% số người được phỏng vấn có nhu cầu đi lại trở lại sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, 84% số người được phỏng vấn sẽ không đi đến các quốc gia vẫn áp dụng chính sách cách ly.

Tại Việt Nam, do việc tiêm vắc xin chưa được triển khai trên diện rộng, vì vậy chúng ta nên tập trung ưu tiên vào những nơi trọng điểm vào những điểm du lịch, để Việt Nam có những vùng an toàn cho khách quốc tế có thể đến.

Cùng với đó là đề nghị hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không. Theo Thông tư 04/2021 của Ngân hàng Nhà nước, quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. “Chúng tôi đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 02 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản”, TS. Bùi Doãn Nề nói.

Cùng với đó, Hiệp hội đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển. Đồng thời, cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Dẫn câu chuyện của Hãng GM phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng và được Chính phủ Mỹ cứu, GS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo mong muốn, Chính phủ nước ta cũng sẽ có những giải pháp mạnh cứu cánh cho các hãng hàng không Việt Nam. Ông chia sẻ, GM từng không bán được xe, doanh số sụt giảm nghiêm trọng, không có tiền chi trả cho công nhân, đứng trước bờ vực phá sản, thậm chí GM đã nộp đơn xin phá sản lên Chính phủ Mỹ. Khi đó, Chính phủ đứng trước quyết định là có nên bơm tiền ra để giải cứu hay không. Các nhà hoạch định chính sách, các giáo sư, các nhà quản trị… đã tranh cãi liệu có nên giải cứu GM hay không và tại sao phải giải cứu GM? Cuối cùng Chính phủ Mỹ vẫn bơm 50 tỷ USD kéo dài 5 năm để giải cứu GM. Đến năm 2019, chiến lược giải cứu kết thúc, Chính phủ Mỹ bán lại các cổ phần mình sở hữu trong GM được khoảng 40 tỷ USD. Như vậy Chính phủ đã tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD để giải cứu GM.

Hầu như tất cả giới chức ở Mỹ đều đồng thuận với quan điểm rằng, chiến dịch giải cứu đó là một chiến dịch thành công. Chính phủ đã cứu sống được một tập đoàn ô tô hàng đầu của Mỹ, là thương hiệu quốc gia và quan trọng hơn là cứu sống được cả ngành ô tô.

“Đây là bài học kinh nghiệm để chúng ta thấy rằng, việc giải cứu một doanh nghiệp có vai trò tương tương việc hỗ trợ cho cả một ngành công nghiệp. Đặc biệt, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với thế giới”, ông Bảo nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, ngành hàng không có tính liên thông, đa ngành, tác động lan tỏa rất lớn. Theo nghiên cứu của IATA, một việc làm trong ngành hàng không sẽ ảnh hưởng tới 24 việc làm trong các ngành có liên quan (dịch vụ lữ hành, xăng dầu, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn...). Các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư, M&A với Việt Nam, nhà đầu tư cần bay đi bay lại để tìm hiểu, đàm phán và ký kết hợp đồng đầu tư. Thời gian vừa qua, rất nhiều thương vụ M&A đã bị ảnh hưởng vì các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài không thể tới Việt Nam để đàm phán, ký kết cũng như là khảo sát được.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, hàng năm, ngành hàng không tạo ra doanh thu khoảng 200.000 tỷ đồng. Riêng về ngân sách, ngành hàng không đóng góp trên 22.000 tỉ đồng thuế và phí/năm. Theo đó, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp cùng lúc, không chỉ là tái cấp vốn, cho vay ưu đãi, mà còn cần giãn, hoãn thuế, trợ cấp trả lương cho người lao động, tài trợ, hỗ trợ phí cho các ghế trống, hỗ trợ mua và trả trước tiền vé máy bay... cho các hãng hàng không có nguồn lực tối thiểu, đi qua khó khăn đại dịch.

TS. Bùi Doãn Nề cho rằng, khả năng phục hồi của hàng không Việt Nam là tốt hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Nhưng nếu không đủ nguồn vốn để cất cánh lại ngay khi có thể, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có thể bị tụt lại so với các đối thủ trong khu vực. Hơn nữa, nếu hàng không đủ vốn để giữ cánh bay, các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được hưởng lợi không nhỏ và phục hồi theo./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư