e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Thông tin Tòa soạn

QUY TRÌNH PHẢN BIỆN

15:38 | 02/08/2021 Print
QUY TRÌNH PHẢN BIỆN

Căn cứ Luật Báo chí số 103/2016/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 05 tháng 04 năm 2016;

Căn cứ Công văn số 37/HĐCDGSNN của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước về việc yêu cầu về chất lượng khoa học và thể thức đăng bài trong các tạp chí khoa học được tính điểm, ban hành ngày 04 tháng 04 năm 2016;

Căn cứ Giấy phép hoạt động báo chí in số 115/GP-BTTTT ngày 14/5/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cấp giấy phép xuất bản Tạp chí Kinh tế và Dự báo;

Tạp chí Kinh tế và Dự báo áp dụng hình thức phản biện kín theo chuẩn mực tạp chí khoa học quốc tế. Quy trình phản biện Tạp chí Kinh tế và Dự báo gồm 3 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 - Sơ loại; Giai đoạn 2 - Phản biện kín; Giai đoạn 3 - Duyệt đăng bài.

Giai đoạn 1- Sơ loại

Sau khi tiếp nhận bài báo gửi qua email của tạp chí, tác giả sẽ nhận được email xác nhận của Tòa soạn. Sau đó, bài báo sẽ được kiểm tra mức độ đáp ứng các yêu cầu của Tạp chí Kinh tế và Dự báo (về tôn chỉ, mục đích, cấu trúc, hình thức trình bày bài báo khoa học). Kết quả sơ loại bao gồm:

- Chấp nhận sơ loại: Nếu bài báo đáp ứng các tiêu chí đặt ra, tác giả sẽ nhận được thư phản hồi thông báo bài báo đã được chuyển vào quy trình phản biện của Tạp chí.

- Từ chối sơ loại: Nều bài báo chưa đáp ứng được các tiêu chí đặt ra của Tạp chí, tác giả sẽ nhận được thư phản hồi thông báo tiếp theo về tình trạng của bài báo: (1) Từ chối nhận bài; hoặc (2) Chỉnh sửa và gửi lại.

Giai đoạn 2 - Phản biện kín

Ban Biên tập gửi bài báo đến phản biện theo sự phân công phản biện của Ban Biên tập Tạp chí. Các phản biện sẽ cho ý kiến nhận xét bài báo, căn cứ vào các tiêu chí cụ thể để thẩm định bài viết. Tổng thể nội dung phản biện tập trung vào 7 tiêu chí sau:

+ Tính cấp thiết và tính mới của nghiên cứu;

+ Cơ sở lý thuyết dựa trên nghiên cứu trích dẫn;

+ Mô hình và/hoặc nội dung chủ đề nghiên cứu;

+ Phương pháp nghiên cứu được vận dụng;

+ Tính phản biện khoa học và tin cậy của kết quả nghiên cứu;

+ Các hàm ý/giải pháp cho vấn đề nghiên cứu;

+ Logic nội dung, văn phong và thể thức bài báo khoa học.

Kết luận của giai đoạn phản biện bao gồm các trường hợp:

1 - Không đăng (Được giải thích rõ lý do trong bản nhận xét);

2 – Đồng ý đăng với các chỉnh sửa, bổ sung.

3 – Đồng ý đăng sau khi chỉnh sửa một số lỗi nhỏ.

4 – Đồng ý đăng không cần chỉnh sửa.

Thời gian phản biện đọc và gửi lại nhận xét: Từ 1 đến 10 ngày, tính từ ngày Tòa soạn gửi cho mỗi phản biện (một số trường hợp đặc biệt, Tòa soạn có thể yêu cầu phản biện chỉnh sửa và gửi lại nhanh hoặc kéo dài hơn).

Thời gian tác giả chỉnh sửa và gửi lại bài báo: Từ 1 đến 10 ngày, tính từ ngày Tòa soạn gửi nhận xét cho tác giả (một số trường hợp đặc biệt, Tòa soạn có thể yêu cầu tác giả chỉnh sửa và gửi lại nhanh hoặc kéo dài hơn).

Giai đoạn 3 - Duyệt đăng bài

Sau khi bài báo đã qua quy trình phản biện kín, Ban Biên tập sẽ đánh giá tổng thể để đưa ra quyết định duyệt đăng hay từ chối xuất bản, với các trường hợp như sau:

  1. Phản biện kín đồng ý cho đăng và Ban Biên tập đồng ý với phản biện kín: Tác giả sẽ được thông báo và bài báo sẽ được đưa vào danh sách chờ duyệt đăng.

  2. Phản biện kín đồng ý cho đăng và Ban Biên tập yêu cầu tác giả chỉnh sửa (trường hợp này thường do yêu cầu về báo chí): Tác giả sẽ được thông báo để chỉnh sửa theo yêu cầu của Ban Biên tập và gửi lại bài. Nếu đạt yêu cầu của Tạp chí, bài báo sẽ được đưa vào danh sách chờ duyệt đăng. Nếu chưa đạt yêu cầu, tác giả bài báo sẽ được yêu cầu sửa tiếp.

  3. Phản biện kín không đồng ý cho đăng và Ban Biên tập đồng ý với phản biện kín: Trường hợp này tác giả sẽ nhận được thông báo từ Tòa soạn.

  4. Phản biện kín không đồng ý cho đăng và Ban Biên tập không đồng ý với phản biện kín: Trường hợp này bài báo sẽ được gửi đến một phản biện kín thứ hai để đảm bảo tính khách quan. Nếu phản biện kín thứ hai cũng không đồng ý, tác giả sẽ nhận được thông báo từ Tòa soạn.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư