Việt Nam: Cần sớm chuyển rác thải nhựa thành giá trị

17:15 | 04/08/2021 Print
Khoảng 5,7 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trong hơn 60 năm gần đây đang trôi nổi trên các đại dương, sông suối, hoặc được chôn lấp. Nếu các quốc gia không thay đổi, đến năm 2050, con người sẽ phải chung sống với 12 tỷ tấn rác thải nhựa. Tại Việt Nam, việc tái chế nhựa còn phát triển kém và thực tế này rất cần phải thay đổi để góp phần làm sạch môi trường sống, đồng thời không để lãng phí “tài nguyên rác” có thể tái sử dụng.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhận diện thách thức chung

Ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó, 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương, thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.

Việt Nam: Cần sớm chuyển rác thải nhựa thành giá trị
Uớc tính, việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô
Tại Việt Nam, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu. Nếu sử dụng được nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.

Mới đây, Hiệp hội Thống kê Anh Quốc quyết định chọn 90,5% - lượng rác thải nhựa toàn cầu chưa được tái chế - là con số của năm 2018. Điều này đồng nghĩa với 5,7 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trong hơn 60 năm hiện vẫn đang trôi nổi trên các đại dương, sông suối, hoặc được chôn lấp (78,5%). Nếu không thay đổi thói quen, đến năm 2050, con người sẽ phải chung sống với 12 tỉ tấn rác thải nhựa. Hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon chỉ được sử dụng một lần duy nhất sau khi sản xuất, tương đương khoảng 80 - 120 tỷ USD mỗi năm. Uớc tính, việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô; hiện tại, tỷ lệ tái chế rác thải hàng năm tại Mỹ là trên 30% (khoảng 90 triệu tấn/năm), nếu tỷ lệ tái chế đạt 75%, sẽ tương đương với việc giảm được lượng khí thải của 55 triệu ôtô đi lại trên đường, đồng thời tạo 1,5 triệu việc làm mới.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Cùng chung nỗ lực đó, Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu phấn đấu năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ở Việt Nam số lượng sản phẩm nhựa sử dụng ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường. Trong khi đó, mặc dù có nhiều tiềm năng, song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa.

Thị trường tái chế nhựa trên phạm vi toàn cầu

Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa. Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn có ý nghĩa về môi trường - phát triển bền vững - mục tiêu mà mọi quốc gia đều mong muốn hướng đến. Việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh…

Uớc tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô, tạo ra những lợi ích kinh tế-môi trường đáng kể. Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế. Riêng ở Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh từ 20 đến 45%.

Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải. Na Uy hiện là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa, với 97% chai nhựa đước tái chế. Một chai nhựa ở Na Uy có thể trải qua hơn 50 lần tái chế. Năm 1991, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch. Sau nhiều năm liền đi đầu về tái chế, hiện nay, Thụy Điển thậm chí phải nhập khẩu rác từ những nước khác để các nhà máy tái chế trong nước có thể tiếp tục hoạt động. Tại Hoa Kỳ, ngành công nghiệp chất thải có giá trị tới 70 tỷ USD. Tại Trung Quốc, với tốc độ đô thị hóa nhanh cũng thúc đẩy hoạt động tái chế, doanh thu từ ngành công nghiệp tái chế chất thải rắn tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 13,5%, ước đạt 16,2 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm tính tới năm 2018.

Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa. Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.

HIỆN TRẠNG TIÊU THỤ NHỰA TẠI VIỆT NAM

Tiêu thụ nhựa tại Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm [1]. Tính riêng các loại túi nilon, ước tính bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon /tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi nilon ra môi trường [2].

Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến năm 2015 là trên 41 kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8 kg/người/năm. Thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, năm 2017 ngành nhựa Việt Nam tiêu thụ khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu nhựa nguyên sinh, tương đương với tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở mức 63 kg/người/năm [3]. Như vậy, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10,6%/năm.

Việt Nam: Cần sớm chuyển rác thải nhựa thành giá trị
Biểu đồ 1. Tiêu thụ nhựa bình quân đầu người

Trong cơ cấu nguyên liệu nhựa nguyên sinh tiêu thụ của ngành nhựa Việt Nam, mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất, tổng khối lượng nguyên liệu nhựa nguyên sinh tiêu thụ năm 2017 là 5,89 triệu tấn trong đó nhựa bao bì tiêu thụ khoảng 2,1 triệu tấn chiếm 36% [3].

Việt Nam: Cần sớm chuyển rác thải nhựa thành giá trị

Biểu đồ 2. Cơ cấu tiêu thụ nhựa của Việt Nam

Sản phẩm đầu ra của mảng nhựa bao bì chai chia làm 04 nhóm chính, gồm bao bì màng mỏng, bao bì màng phức, chai PET và chai non - PET. Thị trường tiêu thụ bao bì chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh, các doanh nghiệp bán lẻ (phân phối đến các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ truyền thống...).

Việt Nam: Cần sớm chuyển rác thải nhựa thành giá trị
Biểu đồ 3. Cơ cấu giá trị ngành nhựa

Theo số liệu của Hiệp hội nhựa Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong mảng nhựa bao bì là 1.353 doanh nghiệp, trong đó phân khúc bao bì mỏng chủ yếu tập trung các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, 13 doanh nghiệp lớn trong phân khúc bao bì màng phức chiếm 41,7% thị phần.

Với đặc điểm có giá thành sản xuất rẻ và tiện lợi, đựng bất cứ thứ gì có thể, túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… Tuy nhiên, hiện chưa có con số chính thức về rác thải túi nilon và các sản phẩm từ nhựa trong hoạt động phân phối tiêu dùng.

Tiềm năng cho thị trường tái chế nhựa tại Việt Nam

Tại Việt Nam, nguồn phế liệu nhựa thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa theo thống kê tăng trung bình 20%/năm.

Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Trong khi đó, theo Quỹ Tái chế chất thải TP. HCM, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng cao, chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị.

Các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép và ngành điện đang phải tiêu thụ một lượng than khổng lồ. Rác thải nhựa không thể tái chế có thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy bằng phương pháp đồng xử lý. Từ đó, các nhà máy sẽ cắt giảm được lượng than tiêu thụ nhờ thu hồi năng lượng từ việc đốt rác thải nhựa không thể tái chế. Hiệu quả năng lượng sẽ cao hơn nhiều so với các nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng thông thường.

Tuy nhiên, số lượng các nhà máy xử lý rác thải nhựa của Việt Nam còn quá ít, dẫn đến sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải lại gia tăng thêm 10%, tương đương hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường.

Nhìn theo góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, định kiến của lãnh đạo địa phương đối với đầu tư lĩnh vực này và sự phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng do gây ảnh hưởng chung chất lượng sống của người dân chính là rào cản lớn nhất của cho kế hoạch đầu tư nhà máy tái chế nhựa tại Việt Nam.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY THỊ TRƯỜNG TÁI CHẾ NHỰA TẠI VIỆT NAM

Thực tế tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Việt Nam: Cần sớm chuyển rác thải nhựa thành giá trị
Tại Việt Nam, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa hiệu quả, vẫn mang tính tự phát và chưa có chính sách mạnh thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này

Chính phủ đang không ngừng khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam đầu tư hơn về công nghệ để tái chế rác thải nhựa. Điều này có thể giúp hạn chế tình trạng nhập khẩu phế liệu và xử lý tốt nguồn thải nhựa trong nước, bởi lẽ dù ngành nhựa tăng trưởng 15% - 20%/năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành này.

Lý giải thực tế trên, các chuyên gia môi trường cho rằng, có 2 nguyên nhân chính. Một là do việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Hai là chưa có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Để thúc đẩy thị trường tái chế nhựa của Việt Nam, cần xem xét các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả việc phân loại tại nguồn

Thể hiện sự quyết tâm đưa ra các mô hình, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm xử lý thực trạng hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều động thái tích cực. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều doanh nghiệp thì việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải không phải là vấn đề khó, nhưng hiện nay ngành công nghiệp tái chế chất thải còn lạc hậu, manh mún là do rào cản định kiến của lãnh đạo địa phương khi đầu tư lĩnh vực này.

Tiềm năng phát triển ngành tái chế chất thải tại Việt Nam là rất lớn, song theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, quan trọng là các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống thì chúng ta phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn. Đây là khâu quan trọng nhất. Thế nhưng hiện nay ở nước ta, nhựa phế liệu phần lớn đang trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Số ít thu gom được từ hoạt động ve chai, nhưng không đáng kể.

Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tái chế

Các doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải không phải là vấn đề khó, mà rào cản là định kiến của lãnh đạo địa phương. Nhiều địa phương từ chối cấp phép đầu tư ngành nghề xử lý chất thải.

Từ năm 2016, TP. HCM đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu không có chủ trương khuyến khích, phân loại rác thải tái chế thì việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư. Mặt khác, tỷ lệ rác thải có khả năng tái chế được tận dụng cũng sẽ không cao. Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM, với các phân tích về tỷ trọng, thành phần chất thải rắn, có thể thấy rằng, việc đốt hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt để sinh nhiệt và tạo năng lượng không mang lại giá trị kinh tế, trừ khi các chất có nhiệt trị cao hơn và có độ ẩm thấp hơn, như thành phần nhựa, gỗ, vải, giấy, cao su, da, băng tã… được tách riêng để đốt.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải không phải là vấn đề khó, mà rào cản hiện nay là định kiến của lãnh đạo địa phương đối với đầu tư lĩnh vực này. Hiện các địa phương đều từ chối cấp phép đầu tư ngành nghề xử lý chất thải. Số ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP. HCM do Sở Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép, nhưng phải hoạt động với quy mô rất hạn chế. Phần lớn các cơ sở tái chế chất thải lại hoạt động ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, tập trung nhiều nhất tại vùng ven. Các cơ sở trên cũng chưa có thực lực tài chính đủ để cải tạo, đổi mới quy trình tái chế đáp ứng xu hướng chất thải phát sinh thực tế. Mặt khác, cũng đang vấp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng do gây ảnh hưởng chung chất lượng sống của người dân.

Không dừng lại đó, những chính sách ưu đãi đầu tư từ phía Chính phủ, bộ ngành liên quan phải được các địa phương triệt để triển khai, kết hợp với công tác hậu kiểm. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa đầu tư hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung, từng bước đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải ngày càng nhiều của doanh nghiệp với giá thành hợp lý, giảm nguy cơ chất thải đang bị đổ bừa bãi ra môi trường do thiếu đơn vị xử lý.

Ở lĩnh vực hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế chất thải nhựa, hiện nay Quỹ Bảo vệ Môi trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế nhựa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6 - 3,6%/năm, mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án...

Thứ ba, biến rác thải nhựa thành nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp

Các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép và ngành điện tại các quốc gia này đang phải tiêu thụ một lượng than khổng lồ và phát thải trên 30% lượng CO2 trên toàn thế giới.

Rác thải nhựa không thể tái chế sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy bằng phương pháp đồng xử lý (Co-processing). Các nhà máy sẽ cắt giảm được lượng than tiêu thụ nhờ thu hồi năng lượng từ việc đốt rác thải nhựa không thể tái chế. Hiệu quả năng lượng sẽ cao hơn nhiều so với các nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng thông thường. Phương pháp đồng xử lý hiệu quả về chi phí và không làm phát sinh các chất tồn dư, trong khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm đáng kể so với hình thức chôn lấp và đốt rác thải.

KẾT LUẬN

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa, Việt Nam cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp, gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp mang tính kinh tế và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các giải pháp này cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Nâng cao hiệu quả thu gom chất thải nhựa, chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế nhựa và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa.

Đồng thời, phải có cơ chế chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế. Chính phủ đã ban hành một số chính sách, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam đầu tư mạnh vào công nghệ để tái chế rác thải nhựa, nhưng thực tế Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hiện nay, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường. Nếu sử dụng được nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.

Trong thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Đặc biệt, tái chế nhựa không chỉ góp phần giảm lượng chất thải nhựa ra môi trường, mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm nhựa, nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và giữ an lành cho môi trường sống. Nếu đẩy mạnh ngành công nghiệp tái chế nhựa trong nước, chúng ta có thể đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia – Chất thải rắn

  2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011-2015

  3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 - Môi trường đô thị

  4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia - Quản lý chất thải rắn

  5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018). Báo cáo về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

  6. Bộ Xây dựng (2017). Báo cáo thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050

  7. Hiệp Hội nhựa Việt Nam (2019). Báo cáo ngành nhựa: Giải quyết bài toán nguyên liệu, duy trì đà tăng trưởng. Báo cáo ngành nhựa, tháng 8/2019

  8. Nguyễn Đình Đáp (2020). Cần ưu tiên giải bài toán đầu tư cho tái chế rác thải nhựa, Tạp chí Môi trường, số 12/2020

  9. Hiền N.T. và cộng sự (2015). Báo cáo đánh giá hiện trạng áp dụng công nghệ xử lý chât thải nguy hại và CTR sinh hoạt tại Việt Nam, Hội nghị môi truờng toàn quốc lần thứ IV, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 9/2015

  10. Tổng cục Môi trường (2019). Tài liệu Hội thảo “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt” ở Việt Nam, ngày 08/5/2019

  11. Tổng cục Môi trường (2017). Báo cáo tình hình thực hiện các nội dung BVMT tại Nghị quyết số 24-NQ/TW

  12. Tùng H.D. và N. V. Thùy (2012), Quản lý chất thải rắn: Hiện trạng, thách thức và định hướng, Tạp chí môi trường, 08/2012

TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư