e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Sau kỳ giãn cách thứ nhất, Hà Nội phạt 842 trường hợp, nộp NSNN hơn 1,2 tỷ đồng

09:37 | 08/08/2021 Print
Các lực lượng phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 842 trường hợp vi phạm hành chính trong công tác phòng chống dịch với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngày 7/8, Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 Công an Thành phố Hà Nội cho biết kết quả công tác phòng chống dịch Covid trên địa bàn Thành phố từ 11 giờ ngày 6/8 đến 11 giờ ngày 7/8/2021.

Kết quả rà soát người về từ các tỉnh, thành phố có dịch, người nước ngoài tạm trú trên địa bàn Hà Nội: Có 6.571 trường hợp trở về từ vùng dịch - đang cách ly, quản lý trên địa bàn; phát sinh mới trong ngày là 4 trường hợp; Người nước ngoài tạm trú trên địa bàn Hà Nội 49.920 trường hợp.

Các lực lượng tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát các cửa ngõ ra vào Thành phố. Đã kiểm soát 26.317 lượt phương tiện (trong đó 164 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 28.81 lượt người qua chốt; yêu cầu 2.332 lượt phương tiện quay đầu không vào Thành phố; 2.003 lượt phương tiện quay đầu không ra ngoài Thành phố.

Về kết quả xử lý vi phạm phòng, chống dịch Covid-19, các lực lượng phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 842 trường hợp vi phạm hành chính trong công tác phòng chống dịch với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Trong đó, không đeo khẩu trang nơi công cộng: 27 trường hợp xử phạt 41 triệu đồng; cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh: 4 cơ sở, xử phạt 21 triệu đồng. Hành vi vi phạm khác: 811 trường hợp, xử phạt 1.19 tỷ đồng (không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...).

Trước đó, chiều 6/8, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố.

Như vậy, Thành phố sẽ tiếp tục kỳ giãn cách lần 2.

Công điện nêu rõ, trong 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố, bước đầu Thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và các địa phương trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường; số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.

Một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị..., ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn khi chủng Delta có tốc độ lây nhiễm rất cao, nhanh và nguy hiểm.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm việc tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn Thành phố để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, tại các khu vực không có dịch (vùng xanh): Đề nghị mỗi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết cũng nên phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập “Chốt bảo vệ vùng xanh” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên với sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra và phát huy được lực lượng quần chúng,

Tại các khu vực có nguy cơ (vùng da cam) gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh…: Chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi bảo đảm các quy định phòng chống dịch và thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận các ý kiến giám sát của nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở. Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.

Đối với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly (vùng đỏ): Chính quyền cơ sở sẽ quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn nhằm bảo đảm không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất. Người dân trong khu vực chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu rà soát lại năng lực xét nghiệm của Thành phố, huy động tối đa khả năng phối hợp giữa các cơ sở xét nghiệm; triển khai nhanh, hiệu quả các nền tảng công nghệ hỗ trợ truy vết, xét nghiệm; hoàn thành triển khai giải pháp công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc liên thông toàn bộ kết quả xét nghiệm các cấp, các khu vực.

Đồng thời, tổ chức điều phối, chuyển mẫu nhanh từ nơi lấy mẫu đến các cơ sở xét nghiệm; đồng thời áp dụng việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn bộ quy trình từ khi lấy mẫu đến trả kết quả./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư