e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Chính sách

Sống chung với Covid-19: Cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái

11:34 | 08/08/2021 Print
Điều này được ông Nguyễn Tiến Lộc nhấn mạnh tại Tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức tối ngày 7/8.
Sống chung với Covid-19: Cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái
Ông Nguyễn Tiến Lộc cho rằng, cần có sự chuyển trạng thái linh hoạt hơn, đề cao vai trò và sự sáng tạo của cơ sở.

Không thể có 1 mô hình sản xuất chung cho tất cả DN

Tại tọa đàm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể áp dụng phương án “ba tại chỗ”.

Do đó, thời gian tới khi tình hình giãn cách xã hội được nới lỏng cũng như diễn biến dịch bệnh trong tầm kiểm soát, hiệp hội này đề xuất được áp dụng phương án “hai tại chỗ” kết hợp test nhanh Covid-19.

Bà Xuân khẳng định, mô hình “hai tại chỗ” sẽ linh hoạt hơn, bởi nếu chỉ áp dụng khiên cưỡng một mô hình cho tất cả các doanh nghiệp có thể sẽ thất bại.

Thực tế, đặc thù của mỗi doanh nghiệp, ngành hàng rất khác nhau, cần nâng cao tính linh hoạt của doanh nghiệp, từ đó đề xuất một phương án phù hợp nhất cho sản xuất nhằm đảm bảo an toàn.

Còn theo PGS.TS Trần Nhuận Kiên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, dù các phương án như “ba tại chỗ”, hay “một cung đường, hai điểm đến” như thời gian qua chỉ là giải pháp ngắn hạn, tình thế, song là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để vừa sản xuất vừa phòng chống dịch. Theo ông Kiên, giải pháp “ba tại chỗ” vẫn có thể được sử dụng và phát huy hiệu quả nếu được cải tiến phù hợp hơn.

Với phương án “hai tại chỗ”, ông Kiên nhấn mạnh cần có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị ở địa phương, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp mới có thể vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may, da giày, thủy sản rất đông lao động và sẽ không thể duy trì theo kiểu “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm”.

“Chúng tôi xác định, 3 tại chỗ chỉ có thể áp dụng được ở những ngành sản xuất nguyên liệu như dệt, sợi, vì diện tích nhà máy rộng, ít lao động. Tuy nhiên, tổ chức được nhưng nếu kéo dài lên đến 3 tuần thì tâm lý người lao động rất bất ổn, năng suất đi xuống”, ông Trường chia sẻ.

Sống chung với Covid-19: Cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Ông Trường cho biết, doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được lâu dài, bởi nếu thực hiện “3 tại chỗ” thì chi phí cho người lao động tăng gấp 2,2 lần, rơi vào khoảng 20 triệu/lao động.

“Với những khách hàng chúng tôi quyết tâm phải giữ thì mới áp dụng, chứ bình thường thì không thể duy trì được, nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động tạm nghỉ”, lãnh đạo tập đoàn dệt may nêu.

Ông Lê Tiến Trường cho biết trong lúc chờ đợi vắc xin thì các doanh nghiệp cũng đang tìm giải pháp bảo vệ cho mình. Theo đó, doanh nghiệp phải gom công nhân ở cùng khu trọ thành 1 tổ. “Nếu có người nhiễm thì cả tổ nghỉ luôn, chứ nếu công nhân trọ ở nhiều nơi thì sẽ thêm nhiều tổ phải nghỉ. Chúng tôi cũng đang áp dụng việc đặt vị trí đi lại theo mã số nhân viên. Hiện nay, diện tiếp xúc của 1 công nhân liên quan đến 20 người, nếu 1 người nhiễm thì cả 20 người nghỉ”.

Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, chúng ta không thể áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm” lâu dài được. Ví dụ như Bangladesh, các ca nhiễm vẫn nhiều nhưng họ vẫn phải cho lao động làm trở lại, họ không thể áp dụng thêm vì áp lực an sinh xã hội rất lớn. Dịch còn diễn biến lâu dài, các cơ quan quản lý cũng nên tính đến vấn đề này.

Cũng theo ông Trường, không thể có 1 chính sách chung cho tất cả, ngay trong 1 tỉnh cũng phải tùy từng địa bàn mà áp dụng. Ví dụ ở Đồng Nai, dịch chủ yếu là Biên Hòa, Định Quán không có nhưng ở đây áp dụng giống hệt các biện pháp như các huyện có dịch. Điều này khiến cho diện doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ lớn hơn.

Xác định cuộc chiến trường kỳ, Chính phủ cũng phải thay đổi trạng thái

Theo Chủ tịch VCCI, với tình hình hiện tại, vaccine là giải pháp cứu cánh, nhưng có thể phải mất vài tháng nữa mới có thể triển khai rộng rãi. Và kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60-70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể phức tạp. Do đó, phải xác định đây là cuộc chiến trường kỳ - cuộc chiến về cả y tế và kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp lâu dài, có tính chiến lược.

“Chúng ta phải xác định tinh thần là cuộc chiến sẽ trường kỳ, không ai có thể đưa ra dự báo lạc quan lúc này. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái. Các biện pháp cấp bách không thể kéo dài được, mà phải tính phương án từng bước mở cửa nền kinh tế như thế nào, làm sao để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh. Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay”, ông Lộc nhận định.

Đề cập sâu hơn về các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong đại dịch, ông Lộc cho rằng cần phải đề cao vai trò, tính sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đó và nên có những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, minh bạch áp dụng cho cả nước.

Bộ Công thương vừa gửi Bộ Y tế và các bên liên quan văn bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch.

Văn bản nêu rõ, các doanh nghiệp cho rằng cần có quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài các quy định về hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.

Các doanh nghiệp đề nghị cần có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh) tùy vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp.

“Chỉ áp dụng cứng các biện pháp thì nền kinh tế sẽ không chịu được. Do đó, cần có sự chuyển trạng thái linh hoạt hơn, đề cao vai trò và sự sáng tạo của cơ sở, chấp nhận sự rủi ro. Tất nhiên sinh mệnh là trên hết nhưng cũng không thể coi thường sinh kế”, ông Lộc nói.

Mặt khác, ông Lộc cũng cho rằng, giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Thực ra chúng ta không có gói hỗ trợ lớn như các nước được. Vì thế, những hỗ trợ về chính sách, về thị trường chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Góp ý cho Chính phủ, ông Lê Tiến Trường cũng cho rằng, phải có sự thống nhất giữa các địa phương về điều kiện đi lại, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Nếu xác dịch bệnh còn tiếp diễn lâu dài thì cần sớm có sự hướng dẫn thống nhất ở cả nước để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.

“Chúng ta phải thay đổi khi tình hình đã thay đổi”, ông Lộc chốt lại.

Nhấn mạnh giải pháp của nền kinh tế số, bà Xuân cho rằng, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể có mô hình linh hoạt, họ đăng ký với cơ quan nhà nước, để phát huy sáng tạo của doanh nghiệp trong linh hoạt sống chung với dịch bệnh.

Đề nghị Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì danh mục thiết yếu

Nhấn mạnh vai trò của hoạt động logistics, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, cần phải làm sao để kiểm soát chi phí vận chuyển ở mức hợp lý là yêu cầu lâu dài của doanh nghiệp. Chi phí này ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng của Việt Nam, ảnh hưởng tới mức giá mà các doanh nghiệp nông sản quay về mua nguyên liệu cho nông dân.

"Bây giờ thị trường rất cần giải pháp tức thời và lâu dài để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề logistics. Mà để giảm chi phí logistics thì ngành vận tải phải được khơi thông khó khăn. Nếu khâu vận chuyển hàng hoá vẫn ách tắc như hiện nay thì rất khó để ngành vận tải giảm chi phí, hàng hoá sản xuất ra cũng không thể tiếp cận khách hàng", bà Vy chia sẻ.

Chia sẻ về các giải pháp tăng cường lưu thông vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam đề xuất 4 giải pháp chính.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chấp thuận việc ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì ban hành hành hóa được phép ưu tiên như hiện nay.

"Bởi lẽ, định nghĩa hàng hóa thiết yếu đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải mỗi khi đi qua các chốt kiểm dịch", ông Minh nêu quan điểm.

Trước đó, trong Công văn số 4482 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký chiều ngày 27/7/2021, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh

hứ hai, các đơn vị tại các chốt kiểm kịch chỉ nghe chỉ đạo, văn bản của cấp trên trực tiếp. Trong khi đó, mỗi địa phương lại có một hướng dẫn khác nhau. Vì vậy, Chính phủ nên phối hợp với công ty công nghệ hoặc chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông ứng dụng công nghệ để việc khai báo y tế nhanh hơn. Nếu chưa ứng dụng được thì phải có một văn bản nhất quán.

Thứ ba, nên tạo luồng ưu tiên đối với vận tải hàng hóa quốc tế do nhiều địa phương nơi có cửa khẩu, cửa ngõ quốc tế rất tích cực chống dịch nhưng điều này lại gây cản trở dòng cung ứng trong nước và quốc tế.

Thứ tư, theo quy định hiện hành, các lái xe phải có giấy xét nghiệm Covid-19 (như giấy thông hành) và cứ 3 ngày phải đi test 1 lần. Thế nhưng địa điểm test rất đông người nguy cơ lây nhiễm rất cao.

"Chúng ta muốn bảo vệ người lái xe nhưng lại đẩy họ vào chỗ có nguy cơ lây nhiễm cao. Để giải quyết vấn đề này chúng tôi rất mong muốn được Chính phủ cho phép mua các bộ test Covid-19 nhanh", ông Minh nêu giải pháp./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư