e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Nhật Bản ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục, bất chấp nỗ lực mở rộng tiêm chủng

12:15 | 13/08/2021 Print
Ngày 12/8/2021, Nhật Bản ghi nhận thêm 18.889 ca mắc mới trên toàn quốc, cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, có tới 20/47 tỉnh, thành có số ca mắc mới cao chưa từng thấy.
Phải mất tới 15 tháng, tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản mới chạm ngưỡng 500.000 ca vào tháng 4/2021, nhưng chỉ cần 4 tháng để tăng lên gấp đôi.

Hệ thống y tế không thể duy trì nếu tình hình lây lan như hiện tại vẫn tiếp diễn

Tin từ Thông tấn xã cho biết, từ giữa tháng 7 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại Nhật Bản, bất chấp chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh tay để khống chế dịch bệnh.

Tại thời điểm này, có 6 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp về y tế, gồm Tokyo, Chiba, Kanagawa, Saitama, Osaka và Okinawa, đồng thời có 13 tỉnh khác đang nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, gồm Hokkaido ở miền Bắc; Ibaraki, Tochigi và Gunma ở miền Đông; Fukushima ở Đông Bắc; Ishikawa, Shizuoka và Aichi ở miền Trung; Shiga, Kyoto, Hyogo ở miền Tây; Kumamoto và Fukuoka ở Tây Nam.

Nhật Bản ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục, bất chấp nỗ lực mở rộng tiêm chủng
Tính tới ngày 10/8, có 60,5 triệu trong tổng số khoảng 124 triệu dân ở Nhật Bản đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine

Mặc dù vậy, thời gian qua, các biện pháp này tỏ ra chưa hiệu quả khi số ca mắc mới vẫn liên tục tăng, từ 2.030 ca ngày 8/7 - thời điểm Chính phủ Nhật Bản quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư ở Tokyo - lên 10.684 ca/ngày hôm 29/7.

Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở nước này liên tục chạm những mốc cao mới. Ngày 12/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 18.889 ca mắc mới trên toàn quốc, cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, có tới 20/47 tỉnh, thành có số ca mắc mới cao chưa từng thấy.

Riêng tại thủ đô Tokyo, tính tới ngày 12/8, tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 263.970 người. Trong tuần từ 6-12/8, số ca mắc mới bình quân ở thành phố này là 3.976 ca/ngày, tăng 9% so với một tuần trước đó. Ông Masataka Inokuchi, Phó Chủ tịch Hội Y học Tokyo, cảnh báo “hệ thống y tế không thể duy trì nếu tình hình lây lan như hiện tại vẫn tiếp diễn”.

Các phân tích gần đây của Nhật Bản cho thấy tốc độ lây lan dịch bệnh đang gia tăng. Cụ thể, phải mất tới 15 tháng, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này mới chạm ngưỡng 500.000 ca vào tháng 4/2021, nhưng chỉ cần 4 tháng để tăng lên gấp đôi. Ngày 6/8, tổng số bệnh nhân đã vượt 1 triệu ca, trong đó có 15.270 ca tử vong.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo hệ thống y tế ở Tokyo và các đô thị khác đang gần sát điểm tới hạn. Theo Giáo sư y tế công cộng Hiroshi Nishiura của Đại học Kyoto, ngay cả với kịch bản lạc quan về tốc độ lây lan của dịch bệnh trong ngắn hạn, khoảng 6.000 giường mà các bệnh viện ở Tokyo bố trí cho các bệnh nhân COVID-19 sẽ lấp đầy vào giữa tháng này.

Gần 400 giường bố trí cho các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng sẽ "hết sạch" vào cuối tháng 8. Trong khi đó, ông Shigeru Omi, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Nhật Bản, bày tỏ lo ngại: “Với tốc độ lây lan như hiện nay, chúng ta sẽ không thể cứu sống những người mà đáng ra chúng ta có thể”.

Một trong những nguyên nhân khiến các biện pháp hiện nay không hiệu quả là do ngay cả khi chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp, thống đốc các tỉnh, thành chỉ có thể kêu gọi người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết mà không có quyền cấm họ làm điều đó.

Nhật Bản cân nhắc áp dụng biện pháp phong tỏa

Hiện nay, Nhật Bản đang áp dụng kết hợp nhiều biện pháp khá quyết liệt để khống chế dịch COVID-19 như không cấp phép nhập cảnh cho những người nước ngoài không cư trú tại Nhật Bản, ban bố tình trạng khẩn cấp ở những nơi có cảnh báo dịch bệnh ở cấp cao nhất trên hệ thống cảnh báo 4 cấp và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở những nơi có cảnh báo dịch bệnh ở cấp độ 3.

Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, các nước áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt “chứng kiến tình trạng lây nhiễm giảm nhờ phong tỏa, nhưng sau đó, số ca mắc mới đã tăng trở lại… Cuối cùng, họ phải phụ thuộc vào vaccine”.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 1/8, Hội đồng Thống đốc quốc gia (NGA) đã nhất trí đề nghị chính quyền trung ương nghiên cứu cách thức áp dụng biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Ông Hakubun Shimomura, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đã kêu gọi tranh luận tích cực tại quốc hội về sửa đổi các văn bản luật hiện hành nhằm cho phép áp dụng biện pháp phong tỏa để khống chế dịch COVID-19.

Trao đổi với các phóng viên, ông Shimomura nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải chuẩn bị. Không phải chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này ngay lập tức tại Quốc hội, nhưng từ quan điểm của người dân, chúng ta cần xem xét sửa đổi luật khi cần”.

Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Suga dường như không muốn áp dụng biện pháp quyết liệt như vậy, phần vì Hiến pháp Nhật Bản quy định phải tôn trọng các quyền cơ bản của con người, phần vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng phục hồi của nền kinh tế nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng lo ngại việc phong tỏa sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía người dân trong khi cuộc bầu cử hạ viện đang tới gần và tỷ lệ ủng hộ đối với nội các đang ở mức thấp kỷ lục.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho rằng, trong hệ thống hiện nay, Nhật Bản không thể áp đặt phong tỏa vì biện pháp đó sẽ “hạn chế đáng kể các quyền cá nhân”. Trước đó, Thủ tướng Suga cũng nêu rõ: “Tôi nghĩ các biện pháp phong tỏa không phù hợp với Nhật Bản”.

Ông cho rằng các nước áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt “chứng kiến tình trạng lây nhiễm giảm nhờ phong tỏa, nhưng sau đó, số ca mắc mới đã tăng trở lại… Cuối cùng, họ phải phụ thuộc vào vaccine”. Vì vậy, theo Thủ tướng Suga, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, tính tới ngày 10/8, có 60,5 triệu trong tổng số khoảng 124 triệu dân ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó có gần 45,2 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai. Để nâng cao khả năng miễn dịch cho người dân, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ ba từ năm 2022.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, người phụ trách chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản cảnh báo, rất khó có thể ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta chỉ bằng việc tiêm vaccine, đồng thời kêu gọi người dân thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn diệt khuẩn.

Cùng với việc tăng tốc chương trình tiêm chủng, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một loạt biện pháp mới nhằm khắc phục nguy cơ thiếu giường bệnh. Ngày 2/8, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến nghị các bệnh nhân COVID-19 ở Tokyo và một số khu vực khác tự hồi phục ở nhà nếu không bị ốm nặng hoặc không có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng.

Mặt khác, Nhật Bản đang lên kế hoạch cho phép các bệnh nhân COVID-19 nhẹ và vừa sử dụng Ronapreve để tự chữa trị ở nhà. Đây là một hỗn hợp các kháng thể nhân tạo casirivimab và imdevimab, được hãng dược phẩm Regeneron (Mỹ) bào chế, có thể giúp giảm 70,4% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cho các bệnh nhân COVID-19 có khả năng mắc các biến chứng nghiêm trọng như những người mắc bệnh béo phì, đái tháo đường hay huyết áp cao.

Giới chức Nhật Bản hy vọng rằng Ronapreve sẽ giúp hệ thống y tế nước này không bị quá tải. Mặc dù vậy, hiện nguồn cung Ronapreve khá hạn chế. Vì thế, Chính phủ Nhật Bản dự định ưu tiên sử dụng loại thuốc này cho các bệnh nhân ngoại trú có độ tuổi từ 50 trở lên và những người có bệnh lý nền./.

HL (lược dẫn từ TTX)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư