Những tướng lĩnh doanh nghiệp không chọn “ngủ Đông”

20:17 | 13/08/2021 Print
Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến chia sẻ 2 cách doanh nghiệp nên chọn trong thời đại dịch Covid-19, đó là chấp nhận “ngủ Đông”, hoặc hợp sức lại để “chiến đấu”. FPT Telecom không chọn “ngủ Đông” vì khách hàng cần “mạng” hơn bao giờ hết. Tân Hiệp Phát cũng không chọn “ngủ Đông” khi hàng triệu khách hàng cần sản phẩm và Công ty được sản xuất với mô hình “3T”.

FPT Telecom chọn “chiến đấu”

Những tướng lĩnh doanh nghiệp không chọn “ngủ Đông”
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom

“Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ bạn bè, lãnh đạo doanh nghiệp, rằng cách hành xử tốt nhất hiện nay là gì?”, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom mở đầu chia sẻ của mình trong cuộc tọa đàm về “Quản trị năng lượng tổ chức dành cho lãnh đạo” chiều ngày 13/8/2021. Câu trả lời của ông Tiến là: “Trong lúc này chúng ta nên học tự nhiên”.

Ông Tiến dẫn chuyện, trong tự nhiên có một bài học rất hay, đó là “ngủ Đông”. Khi bắt đầu mùa Đông, một số loài vật tích trữ mỡ, chọn vị trí an toàn và bắt đầu… ngủ. Nó ngủ li bì với lượng thức ăn dự trữ có sẵn và nó tồn tại qua mùa Đông. Khi mùa Xuân đến, tuyết tan, nó trở dậy, tuy gầy gò nhưng nó không chết vì băng giá. Nó đứng dậy và tìm cách lớn lên. Thiên nhiên có chu kỳ và con vật thông minh luôn biết rằng, rồi mùa Đông sẽ lại đến. Nó sẵn sàng đối mặt và đi qua sự khắc nghiệt này.

Với doanh nghiệp thì sao? Đại dịch Covid-19 xảy ra làm đứt gãy và đảo lộn chuỗi sản xuất toàn cầu, xã hội chưa bao giờ ở vào tình trạng phải cách ly đặc biệt như lúc này. “Mỗi doanh nghiệp cần phải xác định xem mình có nên ngủ Đông hay không?”. Ông Tiến gợi mở và cho rằng, nếu hoạt động trong những ngành mà khách hàng phải dừng sử dụng (như ngành du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…), rõ ràng, doanh nghiệp nên chọn con đường “ngủ Đông”. “Ngủ” tức là giảm mọi chi phí (thuê mặt bằng, lương nhân sự…), mọi hoạt động có thể. Trong trường hợp phải chọn phương án này, ông Tiến khuyên các doanh nghiệp nên giữ những nhân sự giỏi nhất, giao việc cho họ, thúc đẩy họ học hỏi, sáng tạo để nâng cao năng lực làm việc khi “mùa Đông” đi qua và mùa Xuân trở về. “Cách “ngủ Đông” khôn ngoan nhất là giảm tối thiểu năng lượng tiêu phí, nhưng học tập tối đa để chờ cơ hội bật lên”, ông Tiến nói.

Tại FPT Telecom, do đặc thù là doanh nghiệp công nghệ thông tin, phục vụ hàng triệu gia đình tại 59 tỉnh, thành trên cả nước, FPT Telecom không thể chọn “ngủ Đông”. Như ông Tiến chia sẻ, người dân phải chấp nhận cách ly, họ quá khổ, nên họ cần kết nối. FPT Telecom thấu hiểu và thấu cảm với khách hàng, nên không cho phép sự trì trệ trong mọi nỗ lực giữ kết nối cho các khách hàng. “Khi chúng tôi thấu hiểu, cả đội ngũ 16.000 lao động của FPT Telecom đều sẵn sàng hành động và hành động khác biệt. Bình thường chúng tôi sẽ thảo luận dân chủ, lắng nghe, chờ các điều kiện sáng tỏ về thị trường, khách hàng, công nghệ mới ra quyết định, nhưng giai đoạn khó khăn này, có thể gọi là giai đoạn mù mờ, chúng tôi vẫn phải quyết định. Chúng tôi chuyển sang chế độ chỉ huy, tổ chức các cuộc họp ngắn mỗi ngày, xử lý tất cả các vấn đề phát sinh trong ngày”, ông Tiến cho biết. Trước đây, FPT Telecom lên kế hoạch theo năm, sơ kết theo quý, nhưng nay lên kế hoạch theo quý, sơ kết theo tháng và sẵn sàng thay đổi mục tiêu, giải pháp cho hợp với tình hình mới.

Tân Hiệp Phát vững tinh thần “Không gì là không thể”

Nếu doanh nhân Hoàng Nam Tiến chia sẻ câu chuyện FPT Telecom không “ngủ Đông” như một cách lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng lãnh đạo doanh nghiệp thì doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng chia sẻ cách mà Tân Hiệp Phát giữ vững năng lượng tổ chức, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cuộc tọa đàm, trong bối cảnh đại dịch.

Những tướng lĩnh doanh nghiệp không chọn “ngủ Đông”
Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Theo Trần Uyên Phương, được triển khai sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” là một điểm cộng cho tinh thần người Tân Hiệp Phát, thúc đẩy người lao động làm việc hăng say hơn, không chỉ vì tổ chức, mà còn vì cộng đồng. “Tuy nhiên, thực tế khó khăn liên tục phát sinh, từ việc rất đơn giản như khiêng 1 bao đường, làm sao thực thi được 5K?. Đi từ Bình Dương về TP. HCM phải qua các chốt chặn, làm cách nào để không nản tinh thần?”, Uyên Phương mở đầu câu chuyện.

Để vượt qua thách thức, Tân Hiệp Phát đưa tinh thần “Không gì là không thể” lên hàng đầu, đồng thời kích hoạt năng lực sáng tạo của tất cả nhân viên. Trước hết là sáng tạo trong công việc hàng ngày, làm sao giữ được 5K trong lao động. “Không giữ được an toàn cho mình thì không an toàn cho tổ chức, không an toàn cho xã hội. Chúng tôi tâm niệm từ người đứng đầu Tập đoàn đến nhân viên cấp dưới, trước hết phải giữ vững sự an toàn cho mình”, Uyên Phương nói.

Trong cách nhìn bao quát hơn, Uyên Phương chia sẻ, xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp mới dành nhiều sự quan tâm về an toàn thể chất, tức là làm cách nào để phòng, tránh được dịch bệnh. Trong khi đó, mỗi ngày, với rất nhiều thông tin tiêu cực xung quanh, năng lượng tinh thần của người lao động không thể không bị ảnh hưởng. “Vì vậy, các tổ chức, các doanh nghiệp cần quan tâm, kích hoạt cả năng lượng về tinh thần cho nhân sự. Theo chúng tôi, tinh thần, văn hóa doanh nghiệp lúc này chính là giá trị nổi bật để duy trì tổ chức, giữ vững kết nối và giúp người lao động vượt qua khó khăn”, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát nói.

Tại Tân Hiệp Phát, để tổ chức chuỗi sản xuất an toàn cho hàng nghìn người lao động, giữ ấm năng lượng nội bộ, Tân Hiệp Phát nhân lên các hoạt động sáng tác thơ, nhạc, chia sẻ sự quan tâm, tặng quà cho nhau. Biết rằng, nhiều người lao động nhớ nhà, lãnh đạo Tập đoàn thường xuyên gửi sự quan tâm đến nhân viên thông qua những hành động thiết thực. Tổ chức bếp ăn đủ calo, có năng lực phục vụ 24/24 cho tất cả các ca làm việc là công việc Tân Hiệp Phát chăm lo đầu tiên cho người lao động khi thực hiện “3T”. Trong suốt thời kỳ đại dịch từ đầu năm 2020 đến nay, Tân Hiệp Phát vẫn đảm bảo thu nhập cho nhân viên, cập nhật và xử lý nhanh thông tin nội bộ, phối hợp tốt nội bộ và với nhà cung cấp để xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh, giữ vững tinh thần cho mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất Tân Hiệp Phát.

“Khi chúng ta là người lãnh đạo cũng là thành viên của nhóm, chúng ta có cơ hội thể hiện các giá trị cốt lõi của cá nhân, của tổ chức. Đại dịch là dịp để Tân Hiệp Phát nắm tay nhau đi từng bước một và lúc này không nên đưa ra những mục tiêu xa vời quá, sẽ khó gắn kết mọi người”, Uyên Phương chia sẻ.

PNJ: Chấp nhận cái khó nhất sẽ tìm thấy lối ra

Là doanh nhân từng trải trên thương trường, Chủ tịch Công ty cổ phần PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho biết, Công ty bà từng đối diện với nguy cơ phá sản, nhưng chính những lúc như vậy, bà nhận ra một bí quyết: Bình tĩnh, chấp nhận cái khó nhất rồi sẽ tìm thấy hướng ra.

Theo bà Dung, để vượt qua khó khăn, chúng ta phải là chính mình, phải nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận sự thật như là. Trong kinh doanh, khó khăn là tất yếu, bởi không có gì không phải trả giá bằng lao động, nhưng không bao giờ người lãnh đạo được bỏ cuộc. “Trong mọi hoàn cảnh, cần kiên định mục tiêu của tổ chức, giữ vững kết nối nội bộ để đạt được mục tiêu”, bà Dung chia sẻ.

Những tướng lĩnh doanh nghiệp không chọn “ngủ Đông”
Chủ tịch Công ty cổ phần PNJ Cao Thị Ngọc Dung

Tại PNJ, đại dịch khiến 95% các cửa hàng của Công ty phải đóng cửa, nhưng tất cả 7.000 nhân sự vẫn làm việc không ngưng nghỉ. Việc của Ban lãnh đạo là giữ vững trường năng lượng và công việc cho cả hệ thống. Dù làm việc ở nhà, dù phải đóng cửa hàng, nhưng PNJ có nhiều chương trình đào tạo, kết nối, nhiều dự án được nghiên cứu, triển khai. "Công việc với chúng tôi như nhiều hơn. Không kinh doanh, nhưng chúng tôi có việc khác để dẫn dắt đến mục tiêu sau Covid sẽ mạnh hơn”, Chủ tịch PNJ khẳng định.

Giống như chia sẻ tại Tân Hiệp Phát, bà Dung cho biết, yếu tố giữ vững năng lượng cho PNJ đi qua khó khăn chính là giá trị tư tưởng (tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi) mà người sáng lập doanh nghiệp tạo dựng nên. “Đó là nền tảng, đó là văn hóa mà chúng tôi luôn truyền đạt rõ trong tổ chức của mình. Mỗi người lao động dù vị trí nhỏ nhất cũng hiểu được họ đang làm việc ở đâu, làm cho ai, vì mục tiêu gì. Họ được huấn luyện, đào tạo để hiểu giá trị của tổ chức và làm việc vì giá trị ấy”, bà Dung nói.

Được biết, tại PNJ, Công ty chọn giá trị cốt lõi là: Chính trực để trường tồn; Kiên định bám mục tiêu; Quan tâm cùng phát triển; Tận tâm vì khách hàng; Tiên phong tạo khác biệt. Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung đặc biệt coi trọng giá trị cốt lõi và cho biết, khi thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân TP. HCM, bà cũng đã xây dựng những giá trị cốt lõi trước khi hoàn thiện bộ máy thành viên. “Ngay khi Covid-19 xảy ra, chúng tôi có sự hỗ trợ hội viên để vững tâm với mục tiêu đã định. Theo tôi, điều quan trọng nhất với người lãnh đạo là cần đi đúng trục năng lượng để dẫn dắt tổ chức mình”, bà Dung chia sẻ.

Năng lượng tích cực trở thành một thứ tài sản quý giá hơn bao giờ hết với mọi cá nhân, đội ngũ và tổ chức, nhất là trong bối cảnh mỗi ngày chúng ta đang phải đối mặt với nhiều áp lực, bao gồm cả những “áp lực vô hình” không gọi được tên. Với sự dẫn dắt của Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, ông Bùi Tuấn Minh, chia sẻ của những tướng lĩnh doanh nghiệp không chọn “ngủ Đông” tại cuộc tọa đàm chiều 13/8/2021 ghi một dấu ấn đẹp và giá trị về nỗ lực của các doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn ở Việt Nam đang giữ gìn tổ chức và lan tỏa cách thức quản trị năng lượng đến cộng đồng./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư