Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp...

19:42 | 14/08/2021 Print
“Mỗi lần sửa đổi, bổ sung luật là cơ hội để khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế như tình trạng luật vừa sửa xong đã không đáp ứng được yêu cầu, luật chồng chéo, thiếu khả thi...", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Cần cầu thị trong quá trình lập pháp

Theo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa chủ trì buổi làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội như: Xã hội; Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Quốc phòng và An ninh; Tư pháp về tiến độ, chất lượng các dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với thường trực các Ủy ban của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Tại Kỳ họp thứ Hai diễn ra vào cuối năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 7 dự án luật gồm: dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

“Đây là những dự án luật đầu tiên trong chương trình lập pháp của Quốc hội Khóa XV. Do đó, việc rà soát, bảo đảm chất lượng chuẩn bị các dự luật này chính là thực hiện lời hứa của Quốc hội về siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính thống nhất của hệ thống pháp luật...”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Văn phòng Quốc hội, từ ngày 17-18/8/2021, sẽ diễn ra phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để cho ý kiến về nhiều nội dung như: dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Cũng tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022...

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tiễn các kỳ họp vừa qua cho thấy, muốn rút ngắn thời gian họp, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thì không có cách gì tốt hơn là phải chuẩn bị từ sớm, kỹ lưỡng các nội dung trình. Phải có cách làm khác đi, phù hợp hơn nữa với thực tiễn thì mới đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Do đó, lãnh đạo Quốc hội có chủ trương làm việc với các Ủy ban của Quốc hội để rà soát quá trình chuẩn bị, kiểm tra tiến độ, chất lượng các dự án luật, lưu ý một số vấn đề và định hướng các nội dung để bảo đảm dự án luật trình ra Quốc hội là tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tổng Thư ký Quốc hội, cũng như các Ủy ban của Quốc hội phải xác định rõ các nội dung báo cáo Quốc hội thảo luận tại phiên họp ở tổ, phiên họp toàn thể để tập trung vào các vấn đề lớn, căn cơ về chính sách, về tính công khai, minh bạch, tính khả thi, thống nhất của dự luật với hệ thống pháp luật, còn những vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp có thể xử lý bằng đóng góp ý kiến qua văn bản để hoàn thiện. Cách làm này sẽ vừa bảo đảm chất lượng công tác xây dựng luật, vừa rút ngắn được thời gian làm việc của Quốc hội. Trên cơ sở chuẩn bị của các cơ quan trình và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc có triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các dự án luật hay không...

“Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp, các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia tham gia đóng góp xây dựng luật. Điều quan trọng là lắng nghe ý kiến các bên, cầu thị trong quá trình lập pháp, tận dụng, khai thác trí tuệ toàn dân, chuyên gia, thì mới bảo đảm chất lượng của luật khi ban hành..”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tránh gây khó cho doanh nghiệp bảo hiểm

Gợi mở hướng hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận đây là dự án luật khó, mang tính chuyên môn đặc thù, phạm vi sửa đổi bổ sung rộng đến 90% tổng số điều của Luật hiện hành. Dự án Luật cần được đánh giá tác động từ cả doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng và quản lý nhà nước.

Việc quy định bảo về quyền lợi khách hàng, người tham gia bảo hiểm, theo ông Vương Đình Huệ là hết sức cần thiết, nhưng không được có các quy định bảo vệ quá mức cần thiết làm ảnh hưởng, gây khó khăn đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Do đó, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định về điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, gia nhập thị trường, quản trị nội bộ…, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, nhưng cũng phải bảo đảm quyền bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, tránh tình trạng quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp; cân nhắc các quy định cụ thể của chế định hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm quyền và lợi ích các bên liên quan, giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt báo cáo tiến độ chuẩn bị thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

“Về một số nội dung thí điểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô, cần có tổng kết, đánh giá rõ ràng, làm rõ nội dung cần quy định trong luật, để tránh tình trạng luật khung, luật ống, nhưng cũng tránh tình trạng chưa rõ, chưa được kiểm nghiệm đầy đủ trong thực tế đã quy định cứng trong luật sẽ khó khăn trong thực tiễn thi hành, làm giảm tuổi thọ của luật...”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Cần sửa Luật Thống kê căn cơ

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, cùng với chỉ ra những bất cập trong các chỉ tiêu thống kê hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với nội dung, phạm vi sửa đổi như dự thảo Luật là chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ Luật Thống kê hiện hành theo hướng sửa đổi một cách căn cơ, để không chỉ thay đổi về tên chỉ tiêu mà những gì bất cập đều phải sửa, từ trách nhiệm thống kê, thẩm quyền, cách tính, đến trách nhiệm cung cấp thông tin; khắc phục tình trạng vì luật không rõ ràng nên ảnh hưởng đến kết quả phân tích, đánh giá, điều hành vĩ mô; khó kiểm tra, giám sát, để đảm bảo công khai, minh bạch.

Theo đó, các chỉ tiêu thống kê trong Danh mục phải rõ nội hàm, rõ cách tính. Nếu không quy định rõ trong luật về nội hàm, cách tính của từng chỉ tiêu, thì cũng phải xác định rõ giao cho cơ quan nào quy định chi tiết để có cơ sở giám sát, bảo đảm tính minh bạch, độ tin cậy của số liệu thống kê, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổng hợp, công bố chỉ tiêu.../.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư