e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang... “vàng thau lẫn lộn”

19:08 | 16/08/2021 Print
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có cơ hội phát triển rất lớn, nhưng rủi ro cũng nhiều, đang có hiện tượng ‘vàng thau lẫn lộn’...”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của FiinRatings cảnh báo.

“Bắt bệnh” rủi ro

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong những năm gần đây có sự tăng trưởng nhanh và đã “qua mặt” quy mô phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), điều chưa từng xảy ra trước năm 2018.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang... “vàng thau lẫn lộn”
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA

Theo ông Quỳnh, trong 4 năm trở lại đây, quy mô phát hành TPDN thành công so với lượng TPCP phát hành đã cao hơn và ngày càng có chiều hướng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Điều đó cho thấy, chúng ta đã khơi thông thêm được một kênh dẫn vốn giúp cho doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn...

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”, diễn ra sáng 16/8/2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, năm 2018 ghi nhận dấu mốc đặc biệt, khi quy mô phát hành TPDN thành công vượt qua quy mô phát hành của TPCP.

Cụ thể, năm 2018, TPDN phát hành thành công đạt 224.000 tỷ đồng, trong khi TPCP đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2019, TPDN phát hành thành công đạt 312.000 tỷ đồng, TPCP phát hành đạt gần 300.000 tỷ đồng. Năm 2020, tổng lượng TPDN phát hành lên tới 436.000 tỷ đồng, còn TPCP phát hành khoảng hơn 330.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, lượng TPDN phát hành thành công khoảng gần 200.000 tỷ đồng, trong khi TPCP phát hành đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cùng với sự “lớn nhanh” của thị trường TPDN là những rủi ro đáng báo động.

“Hiện nay có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua. Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, minh bạch cho người mua biết. Từ đó dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, gây rủi ro cho các nhà đầu tư. 2 năm gần đây, thị trường TPDN phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia. Các nhà đầu tư này không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết hạn chế, nên tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường...”, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cảnh báo.

Ở góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng, rủi ro của thị trường TPDN thể hiện qua việc dư luận gần đây rất bức xúc khi lãi suất trái phiếu lên cao. Rất nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty bất động sản và không có tài sản đảm bảo. Vấn đề là làm sao các nhà đầu tư có thể kiểm soát được các nhà phát hành sử dụng vốn đúng mục đích? Các nhà đầu tư phần lớn là cá nhân. Họ ít có khả năng để có thể phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thể rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản.

"Gần đây có một số trái phiếu phát hành được đảm bảo bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Rủi ro của việc này là khi nhà phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của doanh nghiệp gặp rủi ro cao, giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị. Do đó, hãy cẩn thận với trường hợp các nhà phát hành dùng chính cổ phiếu của họ để bảo đảm cho trái phiếu phát hành...", ông Hiếu cảnh báo.

Theo ông Quỳnh, xét về mặt cấu trúc của giao dịch, đứng ở góc độ của một nhà đầu tư cá nhân, thì việc xử lý tài sản thế chấp là không thể. Nên các doanh nghiệp phát hành trái phiếu luôn cần một tổ chức trung gian giám sát, để chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

“Trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm, cũng như để bảo vệ trái chủ và nhà đầu tư, thì tài sản thế chấp không có giá trị, ngoại trừ trường hợp đối với ngân hàng hoặc phát hành riêng lẻ. Lưu ý đối với nhà đầu tư là chỉ nhìn vào lãi suất khi đầu tư thì sẽ rất nguy hiểm...”, ông Thuân cảnh báo.

“Thuốc chữa” nào?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang... “vàng thau lẫn lộn”
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Ông Hiếu kiến nghị Bộ Tài chính đưa ra quy định hoặc đề xuất quy định bắt buộc các tổ chức phát hành TPDN phải xếp hạng tín nhiệm. Bởi đây là chìa khóa ngăn chặn rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư. Ở Mỹ, cá nhân mua trái phiếu là hạn hữu. Họ chủ yếu đều mua qua các quỹ tương hỗ, nơi xếp hạng tín nhiệm được xem xét đầu tiên khi mua trái phiếu.

Nhiều giải pháp được các chuyên gia đề xuất để khắc phục những rủi ro của thị trường TPDN.

“Cần xử lý nghiêm những hành vi cố tình không minh bạch để lừa đảo nhà đầu tư, phải có cơ chế và hệ thống để phát hiện được kịp thời và xử lý những hành vi đó...”, ông Quỳnh đề xuất.

Đồng tình với góc nhìn trên, ông Độ cho rằng, chúng ta cần có các chế tài xử phạt nghiêm minh, có tính răn đe cao để tăng tính an toàn trên thị trường, tạo sự yên tâm cho người tham gia. Theo quy định hiện hành, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền, chỉ có 2 hành vi vi phạm là giao dịch nội gián và thao túng thị trường chứng khoán là quy định xử phạt theo mức độ trục lợi và gây tổn hại với nền kinh tế.

“Tôi đề xuất nên chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường TPDN cũng căn cứ theo mức độ trục lợi và gây thiệt hại, thì các chế tài mới có tính răn đe cao...”, ông Độ nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của FiinRatings cho biết, Fiin Ratings đã rà soát và nhận thấy, một số số doanh nghiệp phát hành lãi suất thấp hơn so với các công ty dự án. Công ty dự án họ có tài sản để thế chấp nhưng trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm thì tài sản thế chấp không có giá trị nhiều, ngoại trừ với ngân hàng phát hành riêng lẻ. Phát hành riêng lẻ cho công ty quỹ, công ty bảo hiểm thì họ không thể làm gì với tài sản thế chấp chưa nói đến nhà đầu tư cá nhân.

Cũng theo ông Thuân, khung pháp lý bây giờ thiên về hướng niêm yết hay không niêm yết, nên trong việc đầu tư vào trái phiếu, niêm yết hay không niêm yết thì chưa ai dám đảm bảo loại niêm yết trả nợ tốt hơn.

Lưu ý với nhà đầu tư, ông Thuân chia sẻ, nếu là cổ đông một năm còn được họp một lần, được tiếp cận thông tin kênh đại chúng, còn trái chủ thì tiền bỏ ra 5 năm, 10 năm dài hơn thế nên nếu không có đầy đủ thông tin mà cứ nhìn lãi suất cao để đầu tư thì một ngày tin nhắn điện thoại sẽ không "ting ting" nữa mà không biết kêu ai./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư