e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

“Không đảm bảo” với trái phiếu doanh nghiệp có... tài sản đảm bảo

19:09 | 16/08/2021 Print
“Rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang tăng lên. Loại trừ TPDN của các ngân hàng và định chế tài chính khác, hầu hết TPDN còn lại không có tài sản đảm bảo...”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cảnh báo.

20% trái phiếu không có tài sản đảm bảo

Ông Cấn Văn Lực cho biết, tính đến hết tháng 6/2021, theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tăng gần gấp đôi, khoảng 44,6% GDP, trong đó TPDN khoảng 13,9% (bao gồm cả TPDN không niêm yết). Lãi suất TPDN bình quân phát hành trong năm 2020 ở mức 9,5%, nhưng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay khi còn khoảng 7,9%/năm. Kỳ hạn phát hành TPDN cũng ngày càng dài hơn. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, rủi ro đối với TPDN đang tăng lên. Loại trừ các TPDN của ngân hàng và định chế tài chính khác, hầu hết TPDN còn lại không có tài sản đảm bảo...

“Đến ngân hàng cho vay còn cần tài sản đảm bảo, nên việc muốn hút được nhà đầu tư, thì các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần tài sản đảm bảo là hết sức bình thường. Đây cũng là một xu hướng chung của tất cả các thị trường vốn mới phát triển. Thế nhưng, hiện có khoảng hơn 20% TPDN phát hành tại Việt Nam là không có tài sản đảm bảo...”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VBMA) chia sẻ tại cuộc tọa đàm phát triển TPDN, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam vừa tổ chức.

“Không đảm bảo” với trái phiếu doanh nghiệp có... tài sản đảm bảo
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính

Cần nhìn nhận, đánh giá rủi ro của thị trường TPDN trong tương lai khi nền kinh tế phục hồi, lạm phát và lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp bị tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Việc đánh giá rủi ro cần được các cơ quan nhà nước quan tâm hơn nữa, từ đó đưa ra những đối sách phát triển thị trường an toàn trong hiện tại và cả tương lai.

Gần đây, thị trường ghi nhận nhiều trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài đảm bảo. Chẳng hạn, trong tháng 6/2021, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất 12%/năm. Đây là loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Ngày 29/6, Ngân hàng TMCP An Bình đã phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, với lãi suất cố định 4%/năm. Đây là trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và cũng không có tài sản đảm bảo. Hay vừa qua, Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí cũng phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất 9%/năm. Đây cũng là loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo...

Đã đành TPDN không có tài sản bảo đảm là rủi ro khó lường với nhà đầu tư, theo ý kiến từ chuyên gia, ngay cả TPDN có tài sản đảm bảo cũng tiềm ẩn rủi ro không thể chủ quan.

“Do thị trường phát triển còn sơ khai, thủ tục pháp lý vẫn chưa chặt chẽ, nên việc xử lý tài sản thế chấp khó khăn không phải riêng trên thị trường trái phiếu. Ngay cả các ngân hàng xử lý tài sản thế chấp cũng không dễ dàng, nên nó là vấn đề chung về mặt pháp lý của thị trường tài chính...”, ông Quỳnh phân tích.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, một số trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Khi giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cao, nhà phát hành không có khả năng trả nợ, theo lý thuyết các nhà đầu tư có thể mang cổ phiếu đó bán ra thị trường để thu hồi vốn. Nhưng trên thực tế, khi nhà phát hành đã mất khả năng trả nợ thì khi đó tình hình tài chính của doanh nghiệp đang gặp rủi ro cao, nên giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu, thậm chí không còn giá trị. Vậy nên cần cẩn thận với các thương vụ nhà phát hành dùng chính cổ phiếu của họ để bảo đảm cho trái phiếu phát hành. Nhìn ở góc độ rủi ro, trái phiếu có lẽ tốt hơn cổ phiếu một chút, nhưng rủi ro rất cao khi thứ tự ưu tiên bồi thường gần là cuối cùng...

Cần bên thứ ba giám sát tổ chức phát hành

Từ thực tế trên, các chuyên gia đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư.

Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư TPDN, theo góc nhìn của ông Quỳnh, dù trái phiếu được phát hành trên thị trường dưới hình thức nào đi nữa, thì đều cần một tổ chức trung gian làm đại diện, giữ trái phiếu. Thường đơn vị trung gian là công ty chứng khoán và định chế tài chính. Họ sẽ là người giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp đối với điều kiện chào bán trái phiếu. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng các điều kiện, thì sẽ kích hoạt các điều khoản chấm dứt trước hạn của trái phiếu, yêu cầu doanh nghiệp mua lại số trái phiếu. Trong trường hợp doanh nghiệp không thể mua lại trái phiếu của họ, thì phải xúc tiến các thủ tục pháp lý để xử lý tài sản đảm bảo.

“Rõ ràng, để đảm bảo một thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung phát triển lành mạnh, chúng ta cần sự phát triển đồng bộ của các bên tham gia thị trường, từ nhà phát hành, nhà đầu tư, đến các đơn vị trung gian tài chính, cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý… Vấn đề quan trọng là làm sao khung pháp lý đảm bảo được thông tin trong quá trình hoạt động của thị trường với tất cả các bên là phải chính xác, minh bạch. Doanh nghiệp nào công bố thông tin không chính xác, hệ thống pháp lý phải có khả năng giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...”, ông Quỳnh đề xuất.

Theo ông Hiếu, trong trường hợp nhà phát hành bị vỡ nỡ, không có khả năng thanh toán nợ trái phiếu, thì tài sản của doanh nghiệp đó sẽ bị thanh lý. Số tiền từ thanh lý này sẽ được trả cho các bên theo thứ tự ưu tiên: Đầu tiên là đóng thuế, thứ hai là trả lương cho người lao động, thứ ba là thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu, thứ tư là là trả nợ ngân hàng, thứ năm là trả nợ cho các nhà đầu tư trái phiếu và cuối cùng là thanh toán nợ cho cổ đông./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư