e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Xây Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm “Sớm nhất, hiệu quả nhất”

11:03 | 17/08/2021 Print
Ngày 16/8/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chính thức trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”. Các quyết sách được đề xuất nhằm giảm thiểu ách tắc trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến khu vực doanh nghiệp.

Trình trước nhóm giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu vực doanh nghiệp có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải vật chất xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Xây Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm “Sớm nhất, hiệu quả nhất”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh tư liệu)
Dự thảo Nghị quyết hướng đến mục tiêu luỹ kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19; khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động; đồng thời nêu cao tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, đồng hành, đóng góp với các địa phương trong phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cứu trợ, vận chuyển và thực hiện hoạt động thiện nguyện, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh; các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm. Chính vì vậy, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Tại kết luận Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, các vấn đề hỗ trợ trước mắt và dài hạn nếu để chung trong một nghị quyết sẽ khó thể hiện được tính cấp bách, kịp thời của các chính sách, giải pháp cần thực hiện ngay. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điều chỉnh theo hướng trình Chính phủ ban hành hai Nghị quyết riêng gồm: (i) Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. (ii) Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP. Theo đó, Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2021.

Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch

Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt vì mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân và hoạt động của doanh nghiệp; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế-xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trong thời gian nhanh nhất.

Cùng với đó là kiên trì, quyết liệt, phòng chống đại dịch COVID-19 theo phương châm "chống dịch như chống giặc", đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Trong triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” giữa nhà nước và doanh nghiệp. Các giải pháp chính sách thể hiện tinh thần tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, ách tắc trong sản xuất kinh doanh với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với khu vực doanh nghiệp.

Dự thảo cũng nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Tập trung giữ vững các vùng an toàn dịch bệnh để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; ưu tiên thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.

Mục tiêu và giải pháp cấp bách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Mục tiêu đầu tiên là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất. Tiếp đó là hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Với quan điểm “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã đạt được sự đồng thuận cao của các Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan sau 2 lần góp ý.

Phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu cụ thể như: Luỹ kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19; khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Cùng với đó, hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các chỉ tiêu cụ thể được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả và dự kiến thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài khoá đến tháng 6 năm 2021 của các Bộ, ngành liên quan; dự báo khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và khả năng hồi phục của doanh nghiệp khi tổ chức thực hiện tốt các chính sách, giải pháp hỗ trợ tại Nghị quyết.

Tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Điểm nổi bật của nhóm giải pháp này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ giao Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định về bảo hiểm y tế theo hướng cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có thu phí. Đồng thời, cần ban hành hướng dẫn doanh nghiệp mua dụng cụ, thực hiện tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp. Việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng giao Bộ Y tế có báo cáo ngay trong tháng 8/2021.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, do thiếu một số hướng dẫn cụ thể và cả việc thực hiện giữa các địa phương chưa thống nhất, gây ra tình trạng ùn ứ, ách tắc lưu thông hàng hóa tại một số cảng biển và trên cả đường bộ, đường thủy, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo đó, điểm nổi bật của nhóm giải pháp này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa thông suốt; giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính, để giải tỏa ách tắc khi thông quan hàng hóa (doanh nghiệp nộp bổ sung hồ sơ sau khi hàng hóa được thông quan); giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, thực hiện các giải pháp gỡ khó về vốn cho các thương nhân, doanh nghiệp thu mua thóc, gạo, nhất là tại Đồng bằng Sông Cửu Long; các địa phương tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống Covid-19…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Xây Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm “Sớm nhất, hiệu quả nhất”
Dự thảo Nghị quyết đề xuất giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, thực hiện các giải pháp gỡ khó về vốn cho các thương nhân, doanh nghiệp thu mua thóc, gạo, nhất là tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Với nhóm giải pháp thứ ba, giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và xã hội hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho doanh nghiệp đến tháng 6/2022; giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng không, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021; giao Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2021 về phương án giảm giá điện cho các kho chứa hàng của doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD; giao Bộ Tài cính triển khai chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ban hành; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống Covid-19, đồng thời xem xét xây dựng đề xuất về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021…

Nhóm giải pháp thứ tư, về vấn đề lao động và chuyên gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình đề xuất Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xây dựng chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, phù hợp với bối cảnh mới, đồng thời nghiên cứu đề xuất việc cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng, với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm; giao Bộ Ngoại giao đẩy mạnh ngoại giao vaccine, đàm phán, công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến ngày 15/8/2021, dự thảo Nghị quyết đã gửi xin ý kiến 2 lần, trong đó, 7/17 ý kiến thống nhất hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các Bộ: Quốc Phòng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu toàn bộ ý kiến của Bộ Ngoại giao, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Riêng đối với ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị bổ sung nhiệm vụ triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, phát huy hiệu quả Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia tại các doanh nghiệp; và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, đây là các giải pháp quan trọng, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển trong dài hạn. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, mà tiếp thu, bổ sung các nhiệm vụ này vào Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 (thay thế Nghị quyết 35/NQ-CP).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã đạt được sự đồng thuận cao của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sau 2 lần góp ý. Bộ trưởng đề xuất Chính phủ sớm xem xét, ban hành, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19./.

Hồng Lĩnh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư