FiinRatings sẽ công bố xếp hạng tín nhiệm 10 nhà phát hành đến cuối năm 2021

16:16 | 17/08/2021 Print
Sau thương vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho VietCredit, FiinRatings vừa công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp thứ hai là Bamboo Capital ở mức BB. Dự kiến, tháng 9/2021, Hãng sẽ công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp thứ ba.

Thấy gì từ công bố xếp hạng tín nhiệm cho Bamboo Capital?

FiinRatings là Công ty ghi dấu mốc cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Cho đến nay, Bộ Tài chính mới cấp phép cho 2 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện thực hiện cung cấp dịch vụ định mức tín nhiệm là FiinRatings và CTCP Xếp hạng Sài Gòn Phát Thịnh, trong đó, FiinRatings là doanh nghiệp đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ này trên thị trường tài chính nước nhà.

FiinRatings sẽ công bố xếp hạng tín nhiệm 10 nhà phát hành đến cuối năm 2021
FiinRatings là Công ty ghi dấu mốc cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm độc lập đầu tiên tại Việt Nam

Ở thương vụ xếp hạng đầu tiên, VietCredit là doanh nghiệp chưa niêm yết, được FiinRatings xếp hạng ở mức ‘BBB-’ với triển vọng: “Ổn định”. Ở thương vụ thứ hai với Bamboo Capital, FiinRatings xếp hạng ở mức BB với triển vọng “Tích cực”. Theo thời gian, các kết quả xếp hạng cho doanh nghiệp của FiinRatings sẽ được thẩm định bởi thực tế thương trường. Trong hiện tại, nỗ lực phân tích, đánh giá và công bố quan điểm về định mức tín nhiệm của một doanh nghiệp đại chúng mà FiinRatings thực hiện rất đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thành viên thị trường, để cùng hiểu về ngành định mức tín nhiệm và góp sức tạo con đường cho ngành này phát triển ở Việt Nam.

Theo FiinRatings, hồ sơ rủi ro về kinh doanh của BCG bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của đại dịch, nhưng vẫn nằm trong kiểm soát. FiinRatings sẽ xem xét nâng bậc hoặc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của BCG theo những tình huống cụ thể trong tương lai.

Bamboo Capital (BCG) đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Doanh nghiệp này vừa thực hiện chuyển đổi 900 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ lên 2.975 tỷ đồng. Quyết định gần nhất của Bamboo Capital là góp 320 tỷ đồng (tương đương nắm 80% vốn) thành lập Công ty BCG Financial, với ngành nghề chính là “hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu”. Cụ thể hơn, Công ty đăng ký là mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ, môi giới mua bán nợ.

FiinRatings đánh giá triển vọng tích cực đối với BCG và cho biết, đánh giá này phản ánh tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn của một doanh nghiệp mới gia nhập lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản. Triển vọng tích cực cũng thể hiện kỳ vọng của FiinRatings rằng, tính linh hoạt tài chính của Công ty sẽ được cải thiện khi các dự án năng lượng tái tạo và các dự án bất động sản bắt đầu mang lại dòng tiền ổn định kể từ năm 2021 và kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu của Công ty. Mặc dù vậy, kết quả xếp hạng tín nhiệm cũng đã phản ánh các điều kiện kinh doanh diễn biến theo chiều hướng không có lợi do tác động của đại dịch Covid-19 đến các mảng kinh doanh chính trong 12-18 tháng tới cũng như những thay đổi liên quan đến khung chính sách đối với mảng năng lượng tái tạo mà BCG có thể bị ảnh hưởng.

Theo FiinRatings, hồ sơ rủi ro về kinh doanh của BCG bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của đại dịch, nhưng vẫn nằm trong kiểm soát. Cụ thể, các mảng kinh doanh chính của BCG hiện đang trải qua giai đoạn gặp nhiều khó khăn và thử thách. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, FiinRatings cho rằng, sẽ có nhiều thay đổi liên quan đến khung chính sách đối với các dự án điện gió. Rủi ro chính sẽ là khung pháp lý liên quan đến giá mua năng lượng gió từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sẽ được công bố trong Quy hoạch tổng thể phát triển điện 8 (“PDP8”). Ngoài ra, phân khúc bất động sản du lịch của BCG nhiều khả năng phải đối mặt với nhu cầu suy giảm do các hạn chế về du lịch và các quy định liên quan đến cách ly xã hội vì đại dịch.

Mặc dù vậy, FiinRatings đánh giá hồ sơ rủi ro về kinh doanh của BCG về trung và dài hạn là tương đối ổn định do tính đa dạng và khả năng luân chuyển hiệu quả các khoản đầu tư trong danh mục của BCG. Đối với lĩnh vực bất động sản, tác động đến các dự án bất động sản nhà ở sẽ không lớn do Công ty nhắm đến phân khúc khách hàng trung và cao cấp, một số dự án hiện đã được bàn giao cho khách hàng và dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu còn lại của các dự án này trong giai đoạn 2021 - 2023.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, các dự án năng lượng mặt trời đã đi vào hoạt động từ năm 2019 và đầu năm 2021 được dự báo sẽ đóng góp khoảng 20% đến 30% vào doanh thu và lợi nhuận trước khấu hao, lãi vay và thuế (EBITDA) của BCG trong giai đoạn 2021 - 2022. Doanh thu năm 2021 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 231,7% với kỳ vọng doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng và doanh thu bất động sản dự kiến đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Từ năm 2022 trở đi, khi khung pháp lý về cơ chế giá năng lượng tái tạo và cơ chế đầu tư được kỳ vọng sẽ trở lên rõ ràng, chúng tôi tin rằng BCG sẽ tiếp tục và đẩy nhanh các hoạt động đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và duy trì như một mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty.

FiinRatings cho biết, kế hoạch phát triển tăng mạnh về quy mô hoạt động của BCG trong thời gian tới đòi hỏi nguồn vốn lớn trong giai đoạn 2021-2023. Trong khi đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu của BCG tiếp tục duy trì ở mức khiêm tốn ngay cả khi các trái phiếu chuyển đổi được chuyển đổi sang cổ phần. FiinRatings đánh giá tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ được cải thiện, nhưng vẫn ở mức cao. Nợ vay/EBITDA (đã điều chỉnh) của BCG là 5,6 lần vào cuối năm 2020 và ước tính sẽ nằm trong khoảng 7 đến 8 lần vào cuối năm 2021. Công ty hiện đã có kế hoạch tăng vốn cùng với việc khai thác các nguồn tài trợ khác nhau trong trung hạn. “Khả năng huy động vốn một cách kịp thời của Công ty trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ là một yếu tố đánh giá chính mà chúng tôi sẽ theo dõi trong thời gian tới”, FiinRatings viết.

Đánh giá tiếp theo, như FiinRatings công bố, đó là sẽ xem xét nâng bậc hoặc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của BCG theo những tình huống cụ thể trong tương lai. Việc nâng bậc sẽ được thực hiện nếu hồ sơ rủi ro về kinh doanh của Công ty được cải thiện trong khi vẫn duy trì hồ sơ rủi ro tài chính hiện tại. Ngược lại, việc hạ bậc sẽ diễn ra nếu hồ sơ rủi ro về kinh doanh của Công ty xấu đi. Kịch bản này có thể xảy ra nếu BCG tham gia sâu vào việc mở rộng sang hoặc đầu tư vào lĩnh vực mà Công ty không có nhiều kinh nghiệm, yêu cầu vốn đầu tư lớn và làm suy giảm nghiêm trọng tính linh hoạt tài chính, hoặc (ii) đối với các dự án năng lượng trong tương lai của Công ty có yếu tố không chắc chắn liên quan đến khuôn khổ pháp lý, hoặc (iii) các dự án đi được vận hành không hiệu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian hoàn vốn và khả năng tạo ra dòng tiền của dự án; Công ty gặp phải các vấn đề trong quản lý thanh khoản, do đó hạn chế khả năng trả nợ đúng hạn của Công ty; đòn bẩy tài chính của Công ty tăng mạnh với Nợ vay/EBITDA tăng vượt ngưỡng 10,0 lần trong giai đoạn tới….

Sẽ công bố 10 kết quả xếp hạng tín nhiệm từ nay đến cuối năm 2021

FiinRatings sẽ công bố xếp hạng tín nhiệm 10 nhà phát hành đến cuối năm 2021
Chủ tịch FiinRatings Nguyễn Quang Thuân cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ công bố kết quả xếp hạng 10 nhà phát hành

Sau 2 thương vụ đầu tiên, Chủ tịch FiinRatings Nguyễn Quang Thuân cho biết, tháng 9, Công ty sẽ công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp thứ ba. Cho đến cuối năm 2021, FiinRatings sẽ công bố xếp hạng tín nhiệm cho 10 nhà phát hành.

FiinRatings ghi một dấu mốc của ngành xếp hạng tín nhiệm độc lập tại Việt Nam khi nhiều năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam (nếu có) chỉ do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu như Standard & Poor’s, Moody’s Investors Service, Fitch Ratings, DBRS thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ này trên thị trường tài chính Việt Nam, FiinRatings nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập hàng đầu trên thế giới là S&P Global Ratings và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, theo Chủ tịch FiinRatings, các tổ chức quốc tế chủ yếu hỗ trợ FiinRatings về kỹ thuật, đào tạo và hướng dẫn cho các nhân sự của FiinRatings, chứ không tham gia trực tiếp trong cung cấp dịch vụ xếp hạng cụ thể.

Vài năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sôi động, tạo cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp huy động được vốn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho công chúng đầu tư khi không thấu hiểu sản phẩm và các điều kiện thanh toán khoản đầu tư nếu tổ chức phát hành gặp rủi ro không trả được nợ. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thấy trước những rủi ro này nên đưa ra quy định các doanh nghiệp thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng nếu có giá trị phát hành lớn hơn 500 tỷ đồng (trong mỗi 12 tháng) hoặc có tổng dư nợ trái phiếu đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu thì phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm do Bộ Tài chính cấp phép (Nghị định 155/2020/NĐ-CP). Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2023./.

Xếp hạng tín nhiệm được cải thiện, nhà đầu tư nên nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam Xếp hạng tín nhiệm được cải thiện, nhà đầu tư nên nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam
S&P Global Ratings và ADB hỗ trợ FiinGroup phát triển năng lực xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings và ADB hỗ trợ FiinGroup phát triển năng lực xếp hạng tín nhiệm
FiinGroup công bố thương vụ xếp hạng tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam FiinGroup công bố thương vụ xếp hạng tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư