e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Tránh chi sai, gây thất thoát Quỹ Bảo hiểm xã hội

16:39 | 17/08/2021 Print
“Tránh chi sai, thất thoát Quỹ Bảo hiểm xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Quỹ...”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu.

Trong chương trình phiên họp thứ 2 diễn ra hôm nay, theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Trình báo kết quả thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong năm 2020, một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống. Nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi. Hoạt động thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã có nhiều tích cực song chưa thấy rõ kết quả; Chính phủ chưa có báo cáo về chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra...

Tránh chi sai, gây thất thoát Quỹ Bảo hiểm xã hội
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, nhiều bất cập của Luật BHXH đã được chỉ ra nhưng chậm được sửa đổi. Ảnh Quốc hội

Kết quả thẩm tra cũng cho thấy, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2020 chỉ đạt 93,7% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025, nhưng mức đóng lại giảm nhanh. Vẫn có tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết…

Tránh chi sai, gây thất thoát Quỹ Bảo hiểm xã hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Quốc hội)

Hoạt động thanh tra kiểm tra vẫn còn bất cập, chẳng hạn, việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, trong báo cáo cũng không thể hiện rõ nội dung này. Vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao; cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin mặc dù đã được bố trí kinh phí nhưng hiệu quả còn thấp...

Số thu của BHXH bắt buộc năm 2020 tăng 5,54%, nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với năm 2019. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện có xu hướng giảm nhanh. Cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất, khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vẫn còn nhiều tồn tại trong thực hiện hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020... Đề nghị phải tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Quỹ. Thu chi BHXH phải đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đúng chi đủ cho đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng thất thoát quỹ. Cần khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành Luật BHXH, đề xuất sửa đổi luật để sớm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, về tình hình nợ, chậm đóng BHXH, phải nghiên cứu rà soát để có đánh giá đầy đủ, làm rõ nguyên nhân nợ, để có đề xuất giải pháp phù hợp giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Việc thanh tra, kiểm tra cần phải đẩy mạnh và đổi mới phương thức hơn nữa, nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương, rà soát tiếp thu những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra nêu ra, để hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 10/2021...”, ông Mẫn lưu ý./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư