e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

09:03 | 18/08/2021 Print
Với việc vừa quyết định thành lập 2 đoàn giám sát, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, một vấn đề “nóng” luôn được cử tri quan tâm vì liên quan sát sườn đến quyền và lợi ích của họ.

Trong phạm vi Phiên họp thứ 2 đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa xem xét về thành lập 2 đoàn giám sát chuyên đề.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 ngày 5/8/2021 về Chương trình giám sát của UBTVQH năm 2022, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” và “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: Quốc hội)

Một trong những khâu quan trọng của cuộc giám sát là đề cương giám sát cần được làm tốt. Nếu làm tốt đề cương thì đảm bảo hoàn thành gần 50% chương trình giám sát. Tuy trong quá trình giám sát, sẽ có những nội dung phải điều chỉnh, nhưng đa số vẫn bám sát đề cương đưa ra.

Tại dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định được phân công làm Trưởng đoàn. Theo dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương được phân công làm Trưởng đoàn.

Góp ý cho dự thảo các Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Phó Chủ tịch phụ trách, Trưởng đoàn giám sát có thể trùng nhau giữa hai Đoàn giám sát, nhưng thành viên Đoàn giám sát thì không nên trùng nhau để bảo đảm tối đa khối lượng công việc có thể hoàn thành. Với Đoàn giám sát về “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, ông Định đề nghị mời 1 đại diện Ban Tổ chức Trung ương tham gia.

Cùng với nhất trí mời đại diện của Ban Tổ chức Trung ương tham gia Đoàn giám sát đối với nội dung có liên quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại thành viên Đoàn giám sát để không nên trùng nhau, mỗi người chỉ tham gia một Đoàn giám sát. Phạm vi, đối tượng và nội dung giám sát được quy định theo hướng mở, có thể bổ sung, điều chỉnh khi cần trong thực tiễn. Đề cương, kế hoạch chi tiết phải chuẩn bị chu đáo. Trong giai đoạn cấp bách, nếu cần thiết UBTVQH có thể tổ chức phiên họp đột xuất để cho ý kiến về một số vấn đề có liên quan.

Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng, thông qua giám sát của UBTVQH sẽ giải quyết triệt để những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Ảnh: Quốc hội

“Qua giám sát của UBTVQH về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải quyết triệt để những vụ việc tồn đọng, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Đây là một bước để tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát tối cao. Từ nay, công tác dân nguyện, công tác giải quyết khiếu nại, tiếp công dân sẽ được UBTVQH xem xét định kỳ hàng tháng, chứ không phải chỉ đến kỳ họp Quốc hội mới xem xét. Từ đó, kiên trì từng ngày, từng tháng để tạo ra được sự chuyển biến căn cơ trong công tác dân nguyện...”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tại Phiên họp, 100% thành viên có mặt đã biểu quyết thông qua dự thảo các Nghị quyết thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề như trên của UBTVQH./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư