Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Quy hoạch phải được xây dựng với tư duy đột phá"

16:18 | 19/08/2021 Print
“Lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, việc lập quy hoạch cấp quốc gia, vùng, ngành, địa phương có nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội lớn”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá và cho rằng, công tác lập quy hoạch phải được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo con đường dài hạn cho phát triển Đất nước.

Đề xuất lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch

Chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về công tác lập quy hoạch diễn ra ngày 19/8/2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công tác lập quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bộ trưởng đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ làm quy hoạch tại các bộ, ngành địa phương, trong bối cảnh công tác này đã chậm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Quy hoạch phải được xây dựng với tư duy đột phá"
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong bối cảnh hiện nay
Việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước.

Theo đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Ban chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, trên cơ sở nâng cấp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng quy hoạch quốc gia.

Việc quan trọng nhất, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tâm niệm, đó là phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong bối cảnh hiện nay. “Nhanh chóng lập và tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển của đất nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương trong giai đoạn tới, cần phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của tất cả các cấp, các ngành”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong quan điểm của ông Nguyễn Chí Dũng, triển khai Luật Quy hoạch giúp khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.

“Quy hoạch phải được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch”, Bộ trưởng gợi mở.

Tại Hội nghị, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Cùng với việc đề xuất lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch để thúc đẩy công tác quy hoạch trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc giữ nguyên phương án 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay.

Không có khoảng hụt quy hoạch giữa hai thời kỳ

Có hay không một khoảng hụt quy hoạch là băn khoăn của nhiều chủ thể trước thực tế, các quy hoạch tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng, quy hoạch tỉnh chủ yếu có thời kỳ đến năm 2020, trong khi quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa được phê duyệt. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đảm bảo căn cứ pháp lý cho việc quản lý các hoạt động đầu tư khi quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa được phê duyệt, Nghị quyết số 74/2018/QH14 đã quy định: “Trường hợp quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hết thời hạn trước khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt, Chính phủ chỉ đạo việc kéo dài thời hạn quy hoạch theo quy định của pháp luật chuyên ngành có quy hoạch tích hợp cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với quy định trên, đã có đủ căn cứ pháp lý để kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung quy hoạch của các quy hoạch có thời kỳ đến năm 2020, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về quy hoạch, sáng 19/8/2021
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.

Cũng theo Bộ trưởng, để đáp ứng nhu cầu đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ mới đây cũng đã quy định, trường hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được quyết định hoặc phê duyệt, thì trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư các dự án, việc đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư được thực hiện trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với các quy hoạch có thời kỳ đến năm 2020, nằm trong danh mục quy hoạch tích hợp được Chính phủ phê duyệt cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lập quy hoạch là công việc rất khó, bởi yêu cầu phải tích hợp các loại quy hoạch thành một mối, đồng thời phải vạch ra con đường phát triển dài hạn cho địa phương, ngành, cho vùng, quốc gia. Tuy nhiên, dù khó, vẫn phải thực hiện để xử lý hiện trạng Việt Nam quá nhiều loại quy hoạch, trong đó có nội dung chồng chéo, cát cứ, mâu thuẫn nhau. Bộ trưởng cho biết, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.

Riêng quy hoạch Tỉnh được lập tích hợp theo quy định của Luật Quy hoạch sẽ thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn từng tỉnh trước đây, bao gồm quy hoạch sử dụng đất tỉnh, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch giao thông tỉnh... “Đây là công việc lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, có nhiều thách thức và cơ hội lớn”, Bộ trưởng nhận định.

Các công việc trên đòi hỏi và dẫn đến sự thay đổi về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường và phương thức quản lý nhà nước, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp đồng bộ liên ngành, liên cấp và tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng hơn. Các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tạo ra các điều kiện kinh doanh bị hết hiệu lực, sẽ phải thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành được thực hiện minh bạch, công khai, chuẩn mực.

Thiên Phúc

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư