e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Cần cơ chế cấp giấy tờ trực tuyến thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp

14:28 | 23/08/2021 Print
Tập đoàn Hoa Sen vừa có công văn gửi UBND TPHCM cấp giấy đi đường và đồng phục cho nhân viên được di chuyển từ ngày 23/8 đến hết thời gian gian cách theo quy định. Từ câu chuyện đề xuất doanh nghiệp này, cần xem xét có cơ chế cấp giấy tờ trực tuyến thuận lợi cho doanh nghiệp phù hợp bối cảnh chống dịch.

Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy đi đường kịp thời

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) vừa có công văn gửi Uỷ ban nhân dân TP.HCM, Bộ Công Thương, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội thép Việt Nam đề nghị cấp Giấy đi đường, đồng phục cho nhân viên xuất nhập khẩu (XNK), nhân viên chứng từ ngân hàng sau khi TP.HCM có quyết định về việc tăng cường giãn cách từ 0h ngày 23/8.

Cụ thể , UBND TP.HCM đã có văn bản ngày 21/8 về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, siết chặt hơn nữa lưu lượng giao thông nhằm sớm kiểm soát và dập dịch Covid-19. TP HCM yêu cầu "ai ở đâu yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly với phường xã, thị trấn. Quy định này có hiệu lực từ 0h ngày 23/08/2021.

Trong điều kiện này, nhằm tránh việc nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên chứng từ ngân hàng của doanh nghiệp không được di chuyển để xử lý công việc theo quy định mới có thể khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Tập đoàn sẽ bị đình trệ, doanh nghiệp này đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cấp giấy đi đường, cấp đồng phục cho một số nhân viên chuyên trách của Tập đoàn để xử lý các công việc trong lĩnh vực XNK, ngân hàng bởi vì thủ tục này phải thực hiện trực tiếp.

Cần cơ chế cấp giấy tờ trực tuyến thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp

Công văn do Tổng Giám đốc Công ty Trần Quốc Trí ký khẳng định, doanh nghiệp luôn ủng hộ chủ trương của TP.HCM chống dịch và thực hiện "3 tại chỗ" rất hiệu quả, song doanh nghiệp mong thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hoạt động sản xuất – xuất khẩu của doanh nghiệp được thông suốt.

Theo Tập đoàn này, Văn phòng chính của Hoa Sen đặt tại TP.HCM có chức năng điều hành hoạt động sản xuất, cung ứng, xuất nhập khẩu của 9 nhà máy trên cả nước. Do đó, việc di chuyển của nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên chứng từ ngân hàng là hết sức cấp thiết để giải quyết các thủ tục tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Việc xin cấp chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu hàng hoá (tại Phòng Quản lý XNK khu vực tỉnh Bình Dương, hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM và Bình Dương), lấy Vận đơn gốc tại các hãng tàu, xuất trình bộ chứng từ thanh toán L/C tại các ngân hàng… buộc phải thực hiện bằng giấy (không có thủ tục online).

Hoa Sen cho biết, Tập đoàn đang sản xuất và xuất khẩu khoảng 200.000 tấn hàng hoá mỗi tháng, các hợp đồng xuất khẩu đã ký đến cuối năm, tiến độ giao hàng rất gấp, trong đó tình trạng giao thông gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là tình trạng ách tắc cầu cảng xuất – nhập khẩu. “Vì vậy Tập đoàn lo ngại rằng nếu nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên chứng từ ngân hàng không được di chuyển để xử lý công việc theo quy định mới, thì hoạt động sản xuất - xuất khẩu của Tập đoàn sẽ bị đình trệ. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với tổn thất rất lớn, trách nhiệm bồi thường cho các khách hàng quốc tế của chúng tôi là chưa thể lường trước được", công văn của doanh nghiệp nêu rõ. Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp ôn định sản xuất, xuất khẩu song song với việc phòng chống dịch an toàn hiệu quả.

Cần có cơ chế cấp giấy tờ trực tuyến thuận lợi cho doanh nghiệp

Trường hợp của Tôn Hoa Sen cũng tương đồng với nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đang có nhu cầu rất lớn được tạo điều kiện hoàn thiện các giấy tờ thủ tục để có thể duy trì hoạt động giao dịch và thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu. Nhu cầu này đặt ra trong bối cảnh TPHCM tăng cường giãn cách từ 0h ngày 23/8, do C/O xuất khẩu liên quan rất nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội trên nhiều lĩnh vực có hoạt động xuất nhập khẩu chứ không chỉ riêng với nhóm ngành thép, và cũng tương tự như đối với các thủ tục khác.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, C/O xuất khẩu hiện do VCCI và Bộ Công thương cấp chủ yếu vẫn dưới hình thức cấp giấy, chưa có cơ chế cấp CO điện tử. Trong bối cảnh phong tỏa, giãn cách hàng loạt, bên cạnh việc doanh nghiệp chuyển đổi sang làm việc trực tuyến thì theo các doanh nghiệp cũng như ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị cấp chứng từ như trên cũng cần nhanh chóng chuyển đổi cơ chế cấp giấy tờ trực tuyến thay vì vẫn giữ cơ chế cấp thủ công để đồng bộ hoá cơ chế làm việc, giao dịch trực tuyến; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như phù hợp với việc tuân thủ các quy định yêu cầu về giãn cách phòng chống dịch của nhà nước.

“Việc chuyển đổi sang cơ chế trực tuyến phù hợp cần kịp thời theo các quy định của Chính phủ và các địa phương về thời gian bắt đầu thực hiện giãn cách, tránh tình trạng gửi thông báo giấy khi doanh nghiệp đã phải đóng cửa làm trực tuyến, sau đó đơn vị kết luận "đã gửi" mà doanh nghiệp không chịu trả lời đúng hạn rồi phạt doanh nghiệp. Tương tự như đối với các thủ tục cần mang tính trực tiếp như đóng dấu, cũng cần cân nhắc chuyển đổi có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo hoàn tất thủ tục để duy trì thực hiện được các giao dịch công việc, vừa tuân thủ nghiêm các quy định chống dịch của nhà nước”, một chuyên gia phân tích.

Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng TPHCM, dù các biện pháp chống dịch xiết chặt, nhưng thành phố vẫn có quy định cấp giấy đi đường cho 11 nhóm công việc kể từ ngày 23/8. Trong số đó, người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: ngân hàng, chứng khoán; Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải; nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ…; Nhân viên ngành xây dựng trên địa bàn (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật....); các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; nhân viên làm việc tại các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá, cửa hàng xăng dầu, gas: hoạt động 6-18 giờ sẽ được cấp giấy đi đường.

Thành phố giao người đứng đầu các sở ngành, địa phương cấp giấy đi đường cho cán bộ, nhân viên và người lao động thuộc đơn vị mình quản lý. Các cơ quan cấp phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an thành phố để kiểm tra, giám sát./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư