e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Chứng khoán

Các ngân hàng vẫn “hút” tiền mạnh nhất trên kênh trái phiếu

16:21 | 26/08/2021 Print
Cập nhật của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, đến cuối tháng 8/2021, các ngân hàng vẫn là nhà phát hành huy động lượng vốn lớn nhất qua kênh trái phiếu.

Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu tháng này đến ngày 20/8, có tổng cộng 25 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước, với tổng giá trị phát hành là 7.868 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá trị trái phiếu được phát hành trong tháng 8 vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngành ngân hàng, khi chiếm tới 31,8% tổng giá trị phát hành toàn thị trường, với giá trị 2.500 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam có giá trị phát hành lớn nhất với 1.000 tỷ đồng.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản xếp ở vị trí thứ hai khi chiếm 22,2% tổng giá trị phát hành, với giá trị 1.750 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sunrise Việt Nam có giá trị phát hành lớn nhất với 500 tỷ đồng.

Các ngân hàng vẫn “hút” tiền mạnh nhất trên kênh trái phiếu
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành trong 20 ngày đầu tháng 8/2021. Nguồn: VBMA
Bộ Xây dựng dẫn khuyến cáo của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực...

Trước thực trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, mới đây Bộ Xây dựng dẫn khuyến cáo của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), cảnh báo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ, đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo. Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực...

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/8, ngân hàng vẫn là nhóm có giá trị phát hành lớn nhất thị trường, khi chiếm khoảng hơn 38% tổng giá trị phát hành, với giá trị lên tới 107.000 tỷ đồng.

Với hàng loạt kế hoạch phát hành đang được các doanh nghiệp chuẩn bị triển khai dày đặc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo tiếp tục diễn biến sôi động trong thời gian tới.

Theo kế hoạch phát hành trái phiếu đợt 11 năm 2021, mà Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) thông qua hôm nay (ngày 26/8), thì dự kiến trong tháng 8 và 9/2021, VietinBank sẽ phát hành riêng lẻ 180 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản, với lãi suất thả nổi. Trước đó, Hội đồng quản trị của VietinBank cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 9, 10 năm 2021 cũng vào tháng 8 và 9/2021, với giá trị 100 tỷ đồng. Đây cũng là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm...

Mới đây, Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần VINHOMES, chứng khoán VHM đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), đã thông qua phương án phát hành trái phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng, với tổng mệnh giá phát hành tối đa lên đến 4.370 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ tối đa 2.160 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu hành ra công chúng là loại không được đảm bảo bằng tài sản, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.

Một công ty nữa cũng niêm yết trên HOSE là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC, mã chứng khoán ACC, cũng vừa công khai phương án phát hành riêng lẻ 250 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản. Đây là loại trái phiếu dự kiến có kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định từ 10-10,5%/năm. ACC dự kiến phát hành vào quý III hoặc quý IV/2021...

Tổng hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu tháng 8/2021 đến nay (Nguồn VBMA)

/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư