e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Kiến nghị xử lý gấp việc cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất

22:30 | 26/08/2021 Print
Hàng loạt hiệp hội vừa gửi đơn kiến nghị sớm cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp hội viên để tránh gây đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tắc nghẽn thủ tục cấp giấy đi đường, doanh nghiệp lo đình trệ sản xuất

Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết, thực hiện công văn khẩn của UBND TPHCM về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, sáng ngày 23/8/2021, nhiều doanh nghiệp sợi trên địa bàn TPHCM dù nỗ lực hết sức những đã không thể hoàn tất thủ tục xin cấp giấy đi đường theo quy định mới. Thậm chí, nhiều tài xế lái xe hàng có QR code cũng không thể lưu thông từ nhà tới bãi đậu xe. Kết quả là hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ.

Kiến nghị xử lý gấp việc cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất
Doanh nghiệp chầu chực làm thủ tục cấp giấy đi đường tại Sở Công thương TPHCM

Cũng theo VCOSA, theo yêu cầu của Sở Công thương TPHCM, doanh nghiệp phải xuất trình được hồ sơ xuất nhập khẩu trong thời gian giãn cách từ ngày 23/8 đến 06/9/2021. Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng quy định hồ sơ hàng đi và đến trong khung thời gian như vậy chưa hợp lý, vì theo quy định thì doanh nghiệp được phép hoạt động tối đa 50% công suất. “Để đảm bảo duy trì sản xuất, cán bộ nhân viên của doanh nghiệp cần thiết lưu thông trên đường đến các cơ quan khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ bổ trợ sản xuất và xuất nhập khẩu mới kịp thời gian cho các đơn hàng xuất và nhập khẩu sắp tới (có thể lệch khỏi thời gian giãn cách nêu trên). Doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục sản xuất nếu không được lưu thông và hệ quả là đơn hàng không đảm bảo được tiến độ giao theo cam kết, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, bị hủy đơn hàng, phạt vi phạm hợp đồng, chi phí lưu kho lưu bãi tăng cao...”, đại diện Hiệp hội cho biết.

Không chỉ riêng VCOSA, ngày 25/8, một loạt hiệp hội ngành hàng gồm cao su, chế biến và xuất khẩu thủy sản, rau quả, hạt điều, hồ tiêu, cà phê - ca cao, nhựa... đã cùng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ: Giao thông Vận Tải, Công Thương, UBND TPHCM, Sở Công Thương TPHCM nêu rõ những bất cập và kiến nghị cấp giấy đi đường cho các doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn TPHCM.

Các hiệp hội cho biết hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy tờ, nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường. Cụ thể theo Công văn 2796/UBND-VX và Công văn 2800/UBND-VX ngày 21/08/2021 của UBND TP.HCM về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông, trong đó có nhóm đối tượng được cấp giấy phép lưu thông là nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa có mã số đơn vị cấp là 3D sẽ hoạt động theo thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ theo số lượng và phạm vi hoạt động giao Sở Công Thương quyết định từng trường hợp cụ thể. Ngày 22/08/2021, Sở Công Thương ban hành quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa (cung ứng dịch vụ logistics) đăng ký cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách từ ngày 23/08/2021 đến ngày 05/09/2021. Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistic đã nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, cho đến ngày 25/8 vẫn chưa có doanh nghiệp nào của các hiệp hội ngành hàng nhận được phản hồi từ Sở Công thương.

Ngày 24/08/2021, Sở Công thương TP.HCM ban hành Công văn số 3996/SCT-QLCN về việc phân công cấp Giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất từ ngày 23/08/2021 đến 06/09/2021 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Sở Công thương chỉ cấp Giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp) và UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ cấp Giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu (thuộc nhóm “Nhân viên các ngành phục vụ sản xuất” nêu tại mục 12 Phụ lục đính kèm Công văn số 2800/UBND-VX).

Các hiệp hội cho rằng, điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, khiến xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được.

Trong khi đó, theo tổng hợp phản ảnh và kiến nghị từ doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội thì hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan, không phải tất cả đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics (forwarder). Vì vậy, để hoàn thiện bộ hồ sơ xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải thực hiện rất nhiều khâu gồm: Đăng ký kiểm dịch thực vật tại Cục Kiểm dịch Thực vật; Đăng ký chứng nhận xuất xứ nguồn gốc (tại Bộ Công Thương hoặc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam); Hoàn thiện hồ sơ phun trùng tại Cơ quan Cung cấp dịch vụ; Hoàn thiện hồ sơ giám định. Bên cạnh đó, còn phải thực hiện thủ tục hải quan; các nghiệp vụ liên quan vận đơn với các hãng tàu; các nghiệp vụ liên quan ngân hàng (xuất trình chứng từ, LC, hồ sơ thanh toán, tài chính và các nghiệp vụ khác liên quan (gửi chuyển phát quốc tế chứng từ hàng xuất tại sân bay, chuyển mẫu kiểm nghiệm...).

“Thiết nghĩ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chiếu theo Công văn 2800/UBND-VX thì được xếp vào mục 3D, nhưng đến hiện tại các doanh nghiệp không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách. Ngoài ra, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Long An tập trung nhiều nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như gạo, gỗ, thủy sản, cao su, rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu,... Nếu không được phê duyệt cấp Giấy đi đường để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế đất nước khi mà kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 1/2 của cả nước. Chưa kể, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được, tốn chi phí lưu trữ hàng hóa, nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, công nhân mất việc, doanh nghiệp mất uy tín đối với các nhà nhập khẩu”, kiến nghị của các Hiệp hội gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng khẩn thiết nêu rõ.

Khẩn trương tạo điều kiện lưu thông cho doanh nghiệp

Trước tình hình hết sức cấp bách này, Hiệp hội Bông sợi nhấn mạnh kiến, nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp cấp giấy đi đường sớm cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu được để đảm bảo tiến độ giao hàng đã cam kết, bất kể thời hạn giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu không rơi vào thời gian giãn cách từ 23/8 đến 06/9/2021.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong ngày đầu thực hiện cấp giấy đi đường (23/8) tại Sở Công thương, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến từ rất nhiều khu vực, trong khi chỉ có 1 nhân viên phụ trách 2-3 quận huyện, mất rất nhiều thời gian. Do đó, các doanh nghiệp cùng Hiệp hội khẩn thiết đề nghị Sở Công thương xem xét và có phương án tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cụ thể, đề nghị UBND TPHCM và Sở Công thương xem xét giao Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) phụ trách cấp giấy đi đường cho các đơn vị ở các KCN để tiết kiệm thời gian, thủ tục, dễ kiểm soát vì HEPZA hiện đã và đang quản lý doanh nghiệp, hiểu rõ hoạt động doanh nghiệp... Tạo điều kiện cho các công ty chuyển phát, bưu chính viễn thông hoạt động và lưu thông bởi nếu hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn đang lưu thông mà không có chứng từ hoặc chứng từ không giao, nhập kịp thời khiến doanh nghiệp không thể giao, nhận hàng.

Đồng tình với đề xuất của Hiệp hội bông sợi, các hiệp hội ngành hàng cũng thống nhất kiến nghị cần khẩn trương có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thêm số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email cho các doanh nghiệp làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát thuận lợi đến trụ sở Sở Công thương đóng dấu.

Đại diện các hiệp hội khẳng định, Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là hội viên, có nhu cầu xin cấp Giấy đi đường và gửi trực tiếp tới Sở Công thương thành phố, tỉnh nhằm giảm tải cho các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp Giấy đi đường. Đối với các doanh nghiệp không phải là Hội viên, sẽ thực hiện thủ tục xin Giấy đi đường tại Sở Công thương và địa phương./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư