Xây dựng hệ thống pháp luật phải kịp thời, minh bạch và ổn định

18:10 | 26/08/2021 Print
“Đề án ‘Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045’ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ là căn cứ để trình Bộ Chính trị và để trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về vấn đề này...”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân

Chiều nay (ngày 26/8), theo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Xây dựng hệ thống pháp luật phải kịp thời, minh bạch và ổn định
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Đảng đoàn Quốc hội, cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 tiếp tục xác định và nhấn mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm đổi mới hệ thống chính trị. Để thực hiện nhiệm vụ này cần nghiên cứu ban hành chiến lược xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó có xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng hệ thống pháp luật yêu cầu có hệ thống đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ pháp quyền chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Yêu cầu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân...

Đảng đoàn Quốc hội xây dựng 4 chuyên đề

Tại Kế hoạch số 02-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng đoàn Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.

Thứ nhất, chuyên đề về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, chuyên đề về Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đảng đoàn Quốc hội còn có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo và đôn đốc thực hiện Chuyên đề về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Thứ ba, chuyên đề về Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ tư, chuyên đề về Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trên đây là những vấn đề rất khó, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của nhiều cơ quan, tổ chức. Thời gian triển khai, thực hiện các chuyên đề đòi hỏi phải khẩn trương...

Xây dựng hệ thống pháp luật phải kịp thời, minh bạch và ổn định
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Đảng đoàn Quốc hội được giao thực hiện 4 chuyên đề, Ban Cán sự Đảng Chính phủ được giao thực hiện 3 chuyên đề. Các chuyên đề này đều nằm trong tổng thể chung của Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Do đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ cụ thể, rất cần sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ.

“Đề nghị việc xây dựng lịch trình, phân bổ thời gian, lực lượng thực hiện từng chuyên đề một cách phù hợp để có kết quả tốt nhất...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo và các yêu cầu đối với từng chuyên đề. Các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là các Trưởng Tiểu ban khẩn trương quán triệt triển khai các nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập các Tổ biên tập, tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng tác viên, khẩn trương xây dưng dự thảo đề cương các chuyên đề, xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội và Ban Chỉ đạo về dự thảo đề cương trước khi soạn thảo.

“Đề nghị các Tiểu ban xây dựng các chuyên đề chủ động triển khai thực hiện, chuẩn bị từ sớm, từ xa để bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện, trong đó, phát huy vai trò của Tổ biên tập. Trưởng Tiểu ban chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo và Đảng đoàn Quốc hội về tổ chức thực hiện, tiến độ, chất lượng các chuyên đề. Các chuyên đề sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến chính thức trước khi trình Ban Chỉ đạo Trung ương...”, ông Vương Đình Huệ cho biết./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư