Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia

14:59 | 27/08/2021 Print
“Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn; giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Theo Bộ Tài chính, nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2021), sau khi điểm lại các chặng đường phát triển của ngành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu với Chính phủ thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế, phí và thu ngân sách cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với ước tổng số tiền khoảng 129.000 tỷ đồng trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay là khoảng 118.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài chính- ngân sách nhà nước. Ảnh: Quốc hội

Hiện Bộ Tài chính tiếp tục chủ động đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19...

Để đảm bảo chính sách tài chính luôn đi trước một bước, góp phần khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ông Hồ Đức Phớc cho biết, ngành Tài chính kiên định thực hiện một số định hướng chính sách lớn đặt ra cho giai đoạn sắp tới như: đổi mới và tăng cường quản lý, điều hành tài chính - ngân sách bám sát thực tiễn, theo kế hoạch trung hạn, gắn với các ưu tiên của nền kinh tế; phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đầu tư và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường sức chống chịu và an ninh nền tài chính quốc gia.

"Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử; siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài chính- ngân sách nhà nước...", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

“Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính- ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, cho phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện các mục tiêu tài chính- ngân sách nhà nước đã đề ra. Tập trung nguồn lực xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia tạo ra đột phá lớn trong phát triển kinh tế...”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo tư lệnh ngành Tài chính, cần tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn; giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng ngân sách trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với minh bạch, trách nhiệm giải trình. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nợ công phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và thông lệ quốc tế.

Một giải pháp trọng tâm nữa mà ngành Tài chính đang tập trung triển khai theo ông Hồ Đức Phớc, đó là đẩy mạnh thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” và Nghị quyết số 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Bảo đảm công khai, minh bạch trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư