e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm mạnh, cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ

19:49 | 30/08/2021 Print
Trong khi số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường giảm mạnh thì số doanh nghiệp rút lui trong 8 tháng năm 2021 lại tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thực tế này cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến sức khỏe của các doanh nghiệp, đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ phải nhanh chóng, mạnh mẽ hơn.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp thành lập mới giảm

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 43,4 nghìn người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 07/2021; giảm 57% về số doanh nghiệp, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm mạnh, cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ
Sự bùng phát rộng của làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao
Trong khó khăn của đại dịch, điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất là đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng, nhất quán khi thực thi triển khai các quy định, chính sách của Nhà nước.

Trong tháng, cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 6.441 doanh nghiệp, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 31,1% và tăng 0,5%; 2.511 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 36,1% và giảm 26,7%; 812 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 43,7% và giảm 42,7%. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, số liệu này có thể còn chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,9 nghìn lao động; giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.539,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 30,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2021 là gần 2.672,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, còn có 32,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2021 là 114 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Doanh nghiệp mới giảm trên nhiều lĩnh vực

Tính theo khu vực kinh tế, trong 8 tháng năm nay có 1.388 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020; 22,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 16%; 58,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 4,2%. Có 3 trong 17 lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng gồm: Kinh doanh bất động sản tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 9,3%; thông tin và truyền thông tăng 5%. Số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 73%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 18,2%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 16,1%; nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 10,6%; xây dựng giảm 10,2%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 6,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,9%; giáo dục và đào tạo giảm 4,7%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác giảm 4,4%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 1,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 0,1%.

Cũng trong 8 tháng năm nay, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trong đó có 10.822 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 18,1%; 140 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 16,7%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.507 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.415 doanh nghiệp; xây dựng có 1.080 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 732 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 700 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 624 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 611 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 540 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 404 doanh nghiệp; thông tin và truyền thông có 380 doanh nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản có 273 doanh nghiệp; sản xuất phân phối điện, nước, gas 262 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp đề xuất 5 nhóm giải pháp hỗ trợ

Sự suy giảm trong hoạt động và gia nhập thị trường của các khu vực doanh nghiệp trong 8 tháng năm nay cho thấy hàng loạt khó khăn thách thức lớn mà doanh nghiệp gặp phải. Trước hết, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng khách sạn nhu cầu giảm đến 70-80%. Tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển thời gian qua xét về bản chất nguyên nhân chủ yếu do tình trạng đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh. Nhu cầu giảm, doanh nghiệp giảm sản lượng, quy mô sản xuất, do đó nguyên liệu nhập về chưa thể đưa vào sản xuất, hàng xuất đi bị ùn ứ do chưa thể xuất khẩu được.

Doanh thu giảm mạnh. Ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn bị tê liệt, đặc biệt từ tháng 4 năm 2021 trở lại đây doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn). Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động.

Trong khi đó, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch.Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm (đối với các doanh nghiệp vận tải, DN có nhiều lao động chi phí này có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng); chi đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý; khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia và khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trước tình trạng này, các doanh nghiệp đã đưa ra 5 nhóm kiến nghị giải pháp để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, bao gồm kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh, tiếp cận nguồn lực; về thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, về sửa đổi hoàn thiện các quy định pháp lý còn chồng chéo, gây khó khăn cho cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, các doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công minh và thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư