Khởi tố Người phụ trách quản trị của VEAM

22:06 | 03/09/2021 Print
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa thi hành Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Anh Sơn, Người phụ trách quản trị của Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Theo ông Lê Minh Quy, Phó Tổng giám đốc, Người công bố thông tin của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán VEA đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM), ngày 30/8/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trần Anh Sơn, Người phụ trách quản trị VEAM. Tuy nhiên, nghi vấn sai phạm của ông Sơn chưa được công khai.

Ông Sơn sinh năm 1974, vào thời điểm được Hội đồng quản trị của VEAM bổ nhiệm làm Người phụ trách quản trị VEAM nhiệm kỳ 2018-2023 ngày 23/10/2018, ông Sơn là Kế toán trưởng của VEAM. Lúc đó, ông Sơn cũng như người thân không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu VEA nào.

Đáng chú ý, những năm gần đây, liên tiếp nhiều cán bộ cấp cao của VEAM vướng vào vòng lao lý. Cụ thể, vào tháng 4/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã thi hành Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Phạm Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc của VEAM.

Khởi tố Người phụ trách quản trị của VEAM
Những năm gần đây, liên tiếp nhiều cán bộ cấp cao của VEAM bị khởi tố. Ảnh: VEAM

Trước đó, trong quá trình tiến hành điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)”, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 48/C03-P13 ngày 03/8/2019, ngày 13/01/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Vũ Quang Tâm, nguyên Phó Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị VEAM về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”...

Cùng với việc thường xuyên biến động về nhân sự cấp cao, kết quả kinh doanh mới nhất được VEAM cập nhật cho thấy có sự đi xuống. Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021 của Công ty mẹ đã được soát xét, VEAM đạt 5.124,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm khá mạnh so với kết quả đạt được trong cùng kỳ năm trước là 6.398 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong khi hiệu quả làm ăn sút kém, thì VEAM ghi nhận nợ phải trả gia tăng cao đột biến. Cụ thể, tại thời điểm ngày 1/1/2021, VEAM có khoản nợ phải trả chỉ là 1.278,8 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/6/2021 tăng mạnh lên tới 6.878,3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (lên tới 6.877,7 tỷ đồng).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu VEA giảm nhẹ 0,2%, xuống còn 42.800 đồng/cổ phiếu./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư