Hệ thống phát hiện người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam bị hở: Kiến nghị 7 giải pháp cấp bách

10:09 | 04/09/2021 Print
Việt Nam thiếu sót các biện pháp nhằm phát hiện người nhiễm COVID-19 nếu xuất hiện F0 không rõ nguồn gốc trong cộng đồng. Nhóm nghiên cứu kiến nghị 7 giải pháp cấp bách để chặn nguồn lây từ F0, bởi nếu thiếu biện pháp mạnh có thể dẫn đến tình trạng dịch không thể kiểm soát được trong cộng đồng.

Việt Nam là một trong những quốc gia chọn phương pháp chống dịch theo chiến lược Zero COVID Control, nghĩa là hướng đến sàng lọc, phát hiện kịp thời nhằm không để có trường hợp nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Như chúng tôi đã phân tích trên Tạp chí khoa học (Front Public Health. 2021 Jul 21;9:583655. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34368034/), Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất cho tới thời điểm sóng dịch (wave) lần này. Trong giai đoạn COVID-19 chưa xâm nhập vào cộng đồng, Việt Nam làm khá tốt các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu sót các biện pháp nhằm phát hiện người nhiễm COVID-19 nếu xuất hiện F0 không rõ nguồn gốc trong cộng đồng. Chính vì vậy, các ổ dịch bị phát hiện khá trễ, thông qua những lần xét nghiệm tình cờ hay chỉ khi bệnh nhân nhập viện. Ví dụ như trường hợp phát hiện ổ dịch lớn ở Đà Nẵng vào tháng 7/2020 đã lây qua rất nhiều chu kỳ và tình cờ phát hiện khi có người nhập viện.

Hệ thống phát hiện người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam bị hở: Kiến nghị 7 giải pháp cấp bách
Hình 1. Sự cần thiết và đề nghị phương pháp phát hiện sớm ổ dịch qua khai báo y tế của người có triệu chứng bất kể có yếu tố dịch tễ hay không (*).

Chính vì số quốc gia theo đuổi chiến lược Zero COVID Control và truy vết mức độ rất cao như Việt Nam là rất ít, cho nên hầu như không có nghiên cứu hay tổ chức nào chỉ ra vấn đề cần thiết là phải có biện pháp phát hiện sớm ổ dịch trong cộng đồng, dự phòng khi phòng tuyến cách ly ca nhập khẩu và truy vết không hết. Tuy nhiên, chúng tôi đã kịp thời nhận ra từ rất sớm và viết bài trên trang cá nhân Facebook vào ngày 20/3/2020 để đề nghị phương pháp phát hiện sớm trong cộng đồng (Hình 1). Sau đó, chúng tôi đã cập nhật và bổ sung sau khi dịch ở Đà Nẵng xảy ra (Hình 2).

Ngày 21/6/2021, WHO đã ra văn bản hướng dẫn các quốc gia làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 cho tất cả những người nghi nhiễm (Hình 3). Hiện tại, ở Việt Nam, mặc dù nhiều địa phương đã chủ động xét nghiệm trên diện rộng hơn và các bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc cho tất cả các bệnh nhân, chúng ta vẫn còn thiếu các văn bản chính thức quy định cũng như hướng dẫn các cơ sở địa phương thực hiện xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 cho tất cả những người nghi nhiễm COVID-19. Hơn nữa, người dân chưa hiểu được việc khai báo y tế khi họ có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19, trong khi đây là một trong những biện pháp rất cần thiết trong công tác phòng chống dịch.

Hệ thống phát hiện người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam bị hở: Kiến nghị 7 giải pháp cấp bách

Hình 2. Biện pháp xét nghiệm sớm ổ dịch trong cộng đồng đã được chúng tôi đề nghị vào tháng 8/2020 vẫn còn giá trị (https://nguoidothi.net.vn/de-xuat-cach-phat-hien-som-nhung-ca-lay-nhiem-covid-19-trong-cong-dong-khong-ro-nguon-goc-24983.html).

Gần đây, kết quả điều tra của chúng tôi ghi nhận một thực tế: người dân thường không cho rằng mình bị nhiễm bệnh do không có yếu tố dịch tễ, đặc biệt là khi họ đã tuân thủ ở yên trong nhà (báo cáo của nhóm sinh viên giúp truy vết chống dịch của Đoàn Trường đại Học Y Dược TP. HCM). Vì thế, họ không tự giác khai báo y tế và những trường hợp này chỉ được phát hiện nhiễm COVID-19 thông qua việc truy vết, tình cờ đi khám bệnh định kỳ, hay có bệnh cần nhập viện. Cũng chính vì vậy, những người này vẫn cố gắng tham gia sinh hoạt cộng đồng bình thường như giao hàng, đi làm, canh gác, trực chốt, tình nguyện viên, giao tiếp, hội họp... Từ đó, họ trở thành nguồn lây nhiễm mạnh và không thể kiểm soát được trong cộng đồng.

Cho dù chiến lược có thay đổi hay không (từ Zero-COVID sang "sống lâu dài với COVID"), Việt Nam vẫn phải tìm mọi cách ngăn chặn sự lây nhiễm từ người này sang người khác để đảm bảo số người bệnh không vượt quá khả năng điều trị của các bệnh viện. Để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm, chúng tôi kiến nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc Gia, Bộ Y Tế, Sở Y tế và các cấp chống dịch trong cả nước đề ra biện pháp và thực thi như sau:

Thứ nhất, ra văn bản chính thức "Xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 miễn phí" cho tất cả những người nghi nhiễm COVID-19, bất kể có yếu tố dịch tễ hay không.

Thứ hai, tuyên truyền mạnh hơn nữa, liên tục cho người dân hiểu rõ và yêu cầu người dân, bất kỳ ai khi có một trong các triệu chứng sau đều phải khai báo y tế với cơ sở y tế địa phương và bắt buộc họ phải tự cách ly tại nhà, bất kể xét nghiệm âm tính: Sốt > 37,5°C; Mất vị giác; Mất khứu giác; Trong gia đình, trong cùng một khu nhà trọ, chung cư, hay người làm việc cùng phòng có một trong ba các triệu chứng nêu trên.

Thứ ba, có chính sách khen thưởng cụ thể, rõ ràng (như quà tặng, tiền thưởng) cho người dân nào tự giác khai báo (càng sớm càng tốt). Nhờ đó, cơ quan chống dịch có thể truy vết và phát hiện được những ổ dịch có nhiều người trong cộng đồng.

Hệ thống phát hiện người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam bị hở: Kiến nghị 7 giải pháp cấp bách

Hình 3. Hướng dẫn làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/6/2021.

Thứ tư, nghiêm cấm và phạt tất cả những ai, kể cả các nhân viên tham gia phòng chống dịch (nhân viên y tế, nhân viên canh gác, trực chốt, tình nguyện viên...) khi có các triệu chứng sau nhưng không tự giác khai báo y tế cho cơ quan quản lý gần nhất: Biểu hiện một trong 3 triệu chứng: sốt > 37.5°C, mất vị giác, mất khứu giác; Khi có người trong gia đình, trong cùng một khu nhà trọ, chung cư, hay người làm việc cùng phòng có một trong ba triệu chứng nêu trên.

Thứ năm, chuyển mục tiêu "xét nghiệm đại trà" sang “xét nghiệm diện rộng có mục tiêu”: xét nghiệm tất cả người dân mà gia đình của họ, người cùng xóm, cùng nhà trọ, cùng chung cư có một trong 3 triệu chứng đã nêu trên. Việc này giúp chúng ta phát hiện nhanh hơn, chính xác hơn, qua đó kịp thời đưa ra hướng xử lý cụ thể đối với các trường hợp F0, F1. Một ổ dịch 10-30 người sẽ có ít nhất 3-9 người có triệu chứng. Vì vậy, với chiến lược có chọn lọc như thế này, chúng ta sẽ phát hiện kịp thời các ổ dịch còn nhỏ để bóc tách các ca nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng với hiệu quả kinh tế ít tổn thất nhất.

Thứ sáu, duy trì việc truy vết hiệu quả. Chúng ta thành công suốt hơn một năm đầu tiên chống dịch là nhờ vào việc truy vết kịp thời, liên tục: dù dịch bùng nổ thế nào thì đội truy vết vẫn cố gắng truy vết hết F1, đồng thời có sẵn danh sách F2 để truy vết tiếp khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 của F1 dương tính.

Thứ bảy, lập các tổ giám sát và đánh giá các biện pháp chống dịch: theo dõi, giám sát, đánh giá liên tục để biết được những khó khăn và biện pháp nào chưa được thực thi tốt, nhằm điều chỉnh và cải tiến cho phù hợp với thực trạng dịch bệnh tại khu vực, địa phương (Hình 4).

Hệ thống phát hiện người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam bị hở: Kiến nghị 7 giải pháp cấp bách

Hình 4. Theo phương pháp PDCA, một tổ giám sát và đánh giá nên được thành lập để các biện pháp chống dịch được thực thi một cách có hiệu quả, đồng thời đánh giá được những khó khăn để kịp thời cải tiến và nâng cao chất lượng.

Nhiều báo cáo ghi nhận một thực tế rằng, hiện các khu cách ly rất thiếu nhân lực kiểm soát nên quy tắc 5K và ý nghĩa cách ly không còn được đảm bảo, duy trì, dẫn đến việc lây nhiễm chéo rất nhiều. Chỉ thị từ cấp trên đưa xuống cơ sở địa phương thì bị “biến tướng”, mỗi nơi thực hiện một kiểu. Chúng ta thiếu hẳn việc phân công nhắc nhở, giám sát, xử phạt khi người lấy mẫu xét nghiệm không đảm bảo tuân thủ nguyên tắc an toàn, dẫn đến sự lây nhiễm chéo cho cả người được lấy mẫu xét nghiệm và mẫu nghiệm phẩm. Vì vậy, mỗi cấp chống dịch nên thành lập một tổ giám sát và cung cấp nhiều đường dây nóng, giúp người dân cùng theo dõi, phát hiện, phản ánh nhanh chóng, kịp thời (xin tham khảo cách làm của cảnh sát giao thông). Các tổ giám sát nên hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban chỉ đạo phòng chống dịch trực thuộc cơ quan để kịp thời đưa ra các hành động giải quyết, xử lý thưởng hay phạt. Ngoài ra, tổ giám sát cần có thêm kênh thông tin trao đổi với các nhà khoa học để cùng nhau đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.

Tóm lại, theo hướng dẫn chống dịch COVID-19 của WHO và rút kinh nghiệm từ các quốc gia khác, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã thu thập nhiều thông tin, dữ liệu, từ đó ghi nhận rằng, việc chống dịch ở Việt Nam hiện nay đang phải đối đầu với rất nhiều vấn đề khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị gồm 7 vấn đề cấp bách cần làm ngay. Đặc biệt, chúng tôi sẽ cung cấp danh sách từng biện pháp cần theo dõi và đánh giá (checklist) cho từng cấp và cho cả tổ giám sát của mỗi cấp để bảo đảm việc thực thi từng biện pháp một cách an toàn và hiệu quả.

(*) Nhóm tác giả có thể theo dõi và phân tích mỗi ngày để phát hiện ổ dịch (điểm giao lưu) giữa những người có cùng triệu chứng nghi nhiễm.

Những người bị nghi nhiễm COVID-19 khi có một trong các tiêu chí sau:

+ Sốt 4 ngày, loại trừ cúm (có test nhanh), viêm họng (bác sĩ chẩn đoán khá dễ);

+ Sốt 2 ngày kèm có bệnh nền hay > 65 tuổi;

+ Viêm phổi (bất kể có nguyên nhân hay không);

+ Sốt hay ho và một người khác trong gia đình, người thân, đồng nghiệp, những người có tiếp xúc gần trong thời gian 11 ngày cùng biểu hiện sốt, ho;

+ Sốt 2 ngày trong nhóm người làm việc có nguy cơ cao như: hải quan, bán hàng, tài xế, nhân viên y tế, du lịch, shipper.

Nguyen Tiến Huy (PGS, TS, BS, Đại Học Nagasaki, Nhật Bản)

Trương Văn Đạt (DS, Đại học Y Dược TPHCM)

Nguyễn Hải Nam (BS, Đại học Kyoto, Nhật Bản)

Nguyễn Khởi Quân (Khoa Y, Đại học Y Dược Huế)

Nguyễn Thanh An (Khoa Y, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)

Lê Văn Trường (BS, Bệnh viện Y Học cổ truyền Bộ Công An, Hà Nội)

Hà Xuân Nam (Khoa Y Tế Công Cộng, Đại Học Y Dược Huế)

Nguyễn Tiến Đồng (BS, Bệnh Viện Bạch Mai)

Lê Ngọc Bảo Trân (Trường Phổ Thông Năng Khiếu - Đại Học Quốc Gia TP. HCM)

Nguyễn Thanh Hoàng Mai (Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM)

Koki Shimizu (BS, Đại Học Nagasaki, Nhật Bản)

(Bài viết dựa theo nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả, không đại diện cho đoàn thể và cơ quan học tập/công tác).

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư