e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Phải tạm ngưng hoạt động, Vietravel không thể minh bạch thông tài chính

21:20 | 04/09/2021 Print
Do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nên Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động, dẫn đến không thể công bố thông tin về tài chính theo quy định.

Rủi ro thua lỗ kéo dài

Ngày 27/8/2021, lần thứ hai Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (mã chứng khoán VTR đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM) gửi công văn đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xin tạm hoãn công bố thông tin về tài chính.

Cụ thể, theo giải trình của Vietravel, do TP. Hồ Chí Minh là khu vực tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong khi Công ty hoạt động tại địa bàn này, nên phải tạm ngưng hoạt động. Do vậy, việc thực hiện báo cáo tài chính bán niên năm 2021 và báo cáo trái phiếu doanh nghiệp, cũng như việc công bố thông tin cho các báo cáo này không thể thực hiện được. Vietravel cam kết việc tạm hoãn công bố các báo cáo này cho đến khi TP.Hồ Chí Minh hết giãn cách xã hội và công việc trở lại bình thường.

Trước đó, trong tháng 7/2021, Vietravel cũng đã gửi công văn đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý II/2021.

Phải tạm ngưng hoạt động, Vietravel không thể minh bạch thông tài chính
Vietravel vận hành hãng hàng không Vietravel Airlines đúng vào thời điểm nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp. Ảnh: VTR

Cuối tháng 8 vừa qua, thông qua hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, Đại hội cổ đông của Vietravel đã thông qua việc chấp thuận cho Công ty cổ phần Vietravel Holdings được nâng tỷ lệ sở hữu tại Vietravel vượt mức 35% lên 45% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết, mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Ngành du lịch, hàng không chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, trong khi đây là hai mảng hoạt động chính của Vietravel, nên đã tác động tiêu cực đến hoạt động của Công ty. Điều này khiến Vietravel thường xuyên rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Vietravel lỗ 72,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 41,5 tỷ đồng. Cả năm 2020, Công ty lỗ 98,9 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu VTR có giá 30.100 đồng/cổ phiếu.

Kiến nghị giải pháp để doanh nghiệp “sống sót”

Trước những khó khăn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19, theo Vietravel, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các địa phương, diễn ra trong tháng 8 vừa qua, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel Holdings đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hỗ trợ cho những doanh nghiệp du lịch và hàng không tăng khả năng "sống sót" và hoạt động trở lại sau khi dịch được khống chế.

Theo đó, Vietravel Holdings kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 16% trong 3 năm đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch và hàng không. Cần thiết kế các gói vay với lãi suất ưu đãi cho riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và hàng không. Cũng cần nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho toàn bộ các doanh nghiệp hàng không, chứ không nên chỉ giải cứu một hãng hàng không, để tạo sự công bằng cũng như sức cạnh tranh của ngành. Vietravel Airlines đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin đề nghị được cho vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất thấp trong 5 năm.

Để chuẩn bị cho quá trình hồi phục, kiến nghị cho rằng, Chính phủ cần tập trung triển khai chương trình "Hộ chiếu vaccine " tại Phú Quốc, Nam Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn, thành phố Huế, TP Vân Đồn và TP Hạ Long cho các du khách đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và có xét nghiệm âm tính 24 giờ trước khi vào Việt Nam. Đồng thời cần có cơ chế cho phép các doanh nghiệp được trả chi phí tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên của mình nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh không bị gãy đổ. Vietravel Holdings đề xuất Chính phủ đưa công nghệ số hóa vào quản lý xã hội, điều hành hoạt động phòng chống dịch bệnh, cũng như sản xuất kinh doanh.../.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư