e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Diễn đàn khoa học/Nghiên cứu - Trao đổi

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19

20:46 | 05/09/2021 Print
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã dẫn đến thảm họa sức khỏe cộng đồng toàn cầu và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành CNHT Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bài viết xem xét thực trạng ngành CNHT Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt tại bối cảnh đại dịch Covid-19, từ đó đưa ra giải pháp phát triển ngành thời gian tới.

SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÁT TRIỂN NGÀNH CNHT TẠI VIỆT NAM

Nói đến CNHT người ta thường nghĩ đến các ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên phụ liệu cho các ngành lắp ráp, như: ô tô, xe máy, điện, điện tử… (ngành được xem là công nghiệp chính). Chính vì vậy, trên thực tế CNHT thường bị coi là ngành công nghiệp phụ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không hợp lý. Về mặt lý luận, ngành công nghiệp chính, chỉ có thể phát triển khi ngành CNHT phát triển và ngược lại, khi ngành công nghiệp chính đã phát triển sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển CNHT.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Ngành công nghiệp chính chỉ có thể phát triển khi ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển và ngược lại

Theo các học giả quốc tế, chu trình sáng tạo giá trị tăng thêm của một ngành công nghiệp được chia thành 3 khu vực: khu vực thượng nguồn (up-stream) bao gồm các hoạt động: nghiên cứu, triển khai - thiết kế - sản xuất các bộ phận, linh kiện; khu vực trung nguồn (mid-stream) là công đoạn lắp ráp, gia công; khu vực hạ nguồn (down-stream) bao gồm các hoạt động: khai thác thị trường, tiếp thị và xây dựng mạng lưới lưu thông, chiến lược thương hiệu. Giá trị tăng thêm tạo ra ở hai khu vực thượng và hạ nguồn là cao, còn ở khu vực trung nguồn là thấp nhất. Trong đó, việc sản xuất linh phụ kiện thuộc khu vực "thượng nguồn" với giá trị tăng thêm cao, còn công đoạn lắp ráp thuộc khu vực "trung nguồn" với giá trị tăng thêm thấp nhất [1]. Vì thế, cùng với việc mở rộng khu vực trung và hạ nguồn, các quốc gia đều rất quan tâm và nỗ lực "tiến" về phía thượng nguồn, trong đó phát triển CNHT là một hướng ưu tiên.

Nền CNHT của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lao động gia công giá rẻ. Trong khi hội nhập kinh tế quốc tế, phải từ thượng nguồn, có nghĩa là bắt đầu bằng việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sản xuất chi tiết linh kiện. Trên thực tế, ngành lắp ráp, chi phí linh phụ kiện chiếm tới 70%-90% giá thành, còn nhân công lao động chỉ chiếm dưới 10%. Khi ngành CNHT chưa phát triển, thậm chí là phát triển kém sẽ dẫn đến nguy cơ, các cơ sở sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng có thể phải rút khỏi thị trường Việt Nam do không tìm được nguồn cung cấp linh kiện, chi tiết, nhất là trong điều kiện sức ép về tiền lương tăng lên, lợi thế nhân công rẻ mất đi. Chỉ khi ngành CNHT phát triển, sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chính yếu phát triển và ngược lại ngành công nghiệp chính yếu phát triển, sẽ kích thích ngành CNHT tăng tốc theo. Ngoài ra, sự phát triển của ngành CNHT cũng quyết định việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

THỰC TRẠNG NGÀNH CNHT VIỆT NAM

Trong những năm qua, CNHT đã luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và ưu đãi đầu tư. Với sự ra đời của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 03/11/2015 về phát triển CNHT, cũng như các văn bản chính sách liên quan, hệ thống pháp luật, chính sách về CNHT đã dần được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; các sản phẩm CNHT phần nào đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số DN CNHT trong nước cũng tích cực sử dụng công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp trong chuỗi của các công ty đa quốc gia.

Việt Nam hiện có 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số DN đang hoạt động trong CNHT chiếm khoảng 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo thống kê của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số DN đang hoạt động trong CNHT chiếm khoảng 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Một số DN sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực, như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

DN CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên, thực trạng chung của ngành CNHT là quy mô và năng lực của các DN còn nhiều hạn chế: số lượng ít, năng lực sản xuất còn thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Công Thương cho biết, năng lực tự cung ứng các sản phẩm CNHT trong nước còn nhiều bất cập; tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp. Điển hình có thể kể trường hợp ngành dệt may. Hiện, tỷ lệ nội địa hóa của các DN dệt may mới đạt khoảng 40%-45%. Tương tự với ngành da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68%-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của DN Việt Nam hiện chỉ đạt 40%-45%. Thậm chí, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nhiều với con số lần lượt là 15% và 5%. Đặc biệt, ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI, đặc biệt là Samsung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các DN FDI cung cấp. Mới chỉ có khoảng 35 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Các DN Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn... với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của Samsung.

Do phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu – đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, như: điện tử; dệt may; da – giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô..., nên khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất. Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.

Bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến những điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, của ngành CNHT nói riêng càng bị bộc lộ rõ, đó là: nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; CNHT kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên, vật liệu nhập khẩu; do nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây, nên giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.

Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những hạn chế về nguồn lực để tổ chức thực hiện các chính sách. Ví dụ như, vẫn còn thiếu các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí, sản xuất và lắp ráp ô tô, dệt may, da giày… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm CNHT. Một số chính sách tuy đã được ban hành, nhưng vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi tối đa cho phát triển CNHT. Các chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT vẫn chưa tạo được động lực cho các DN nội địa. Số lượng DN CNHT Việt Nam được hưởng các ưu đãi còn ít ỏi so với các DN FDI.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH CNHT TRONG THỜI GIAN TỚI

Năng lực các DN công nghiệp Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trong nước chưa cao, vì vậy, cần nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hạ nguồn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến CNHT; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, đón dòng vốn đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngày 06/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ tạo được “cú huých” cho CNHT. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó DN trong nước chiếm khoảng 30%. Năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết các nhiệm vụ đặt ra. Thứ nhất, sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT và Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 18/01/2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 để phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển lĩnh vực này trong thực tiễn hiện nay. Thứ hai, tiếp tục xây dựng chính sách cho các ngành công nghiệp hạ nguồn nhằm tạo dung lượng thị trường phát triển CNHT nội địa và thu hút đầu tư. Thứ ba, tập trung tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm kỹ thuật Hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Được biết, hiện hai trung tâm này đang trong quá trình kiện toàn bộ máy tổ chức và đã có các hoạt động để hỗ trợ DN CNHT tại một số địa phương, như: cải tiến, kết nối DN ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949, CE/UL. Các trung tâm cũng đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam, như: Toyota, Mitsubishi, Canon... nhằm tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

Trong ngắn hạn, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển CNHT năm 2021 (theo Quyết định số 3616/QĐ-BCT, ngày 31/12/2020) với kinh phí gần 240 tỷ đồng, mục tiêu là tập trung phát triển CNHT cho các lĩnh vực chủ yếu, như: linh kiện phụ tùng điện tử, ô tô, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; xúc tiến đầu tư nước ngoài; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản trị hiện đại và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm... Những giải pháp này sẽ tạo động lực giúp ngành CNHT có bước chuyển thực chất hơn, hỗ trợ các DN từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước, cũng như tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn.

Bên cạnh những giải pháp Chính phủ đã và đang thực hiện, theo tác giả, trong thời gian tới, cần lưu ý một số giải pháp sau:

Một là, xác định tầm nhìn và quy hoạch. Đây là vấn đề cốt lõi xây dựng định hướng thu hút đầu tư của địa phương. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, phân tích các lợi thế so sánh của địa phương để xác định có thu hút phát triển CNHT trên địa bàn hay không? Khi đã xác định nhu cầu cần thiết phải phát triển CNHT, nên rà soát lại quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, căn cứ vào yêu cầu của các nhà đầu tư để xác định bố trí quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho phát triển CNHT. Vị trí quy hoạch cần thỏa mãn nhu cầu xây dựng khu công nghiệp kết hợp với đô thị mới.

Hai là, chuẩn bị các điều kiện về môi trường pháp lý và nhân lực. Cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho phát triển CNHT. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng. Nhà nước cần có cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất (tối đa 5%/năm) đối với các khoản vay trung và dài hạn của các DN để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hoàn chỉnh cơ chế “một cửa tại chỗ”, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi tiến hành các thủ tục hành chính trong đầu tư, nhất là nhà đầu tư CNHT.

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN.

Chú trọng đào tạo các nghề lao động kỹ thuật liên quan đến ngành CNHT (cơ khí, điện, điện tử, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin…) để đạt được trình độ các DN của nước đầu tư yêu cầu.

Ba là, chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng cơ sở. Cần xây dựng các khu công nghiệp CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nhằm tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu, nâng cao vị trí của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên cơ sở quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho CNHT, bố trí nguồn lực và tiến hành đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ngoài hàng rào. Đồng thời, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp - đô thị đồng bộ.

Bốn là, thu hút đầu tư hiệu quả nguồn lực đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN Việt Nam với các công ty đa quốc gia. Để làm được điều đó, cần tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để bảo đảm các DN FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho DN CNHT trong nước.

Để thu hút FDI, cần tăng cường xúc tiến đầu tư và đối ngoại nhân dân. Khi đã chuẩn bị cơ bản các điều kiện, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp xúc tiến đầu tư. Có thể phải mở văn phòng giao dịch tại nước đầu tư để cung cấp thông tin đầu tư và giải quyết ngay các thủ tục đầu tư cho các DN nhỏ và vừa của nước đầu tư.

Năm là, tập trung nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho DN CNHT, nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN CNHT.

Do tác động của dịch Covid-19, trên thế giới sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. Muốn tận dụng cơ hội, việc cải tiến sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng cần phải được thực hiện thường xuyên, bởi điều các DN FDI quan tâm khi lựa chọn nhà cung ứng là quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra phải được chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu trong thời gian dài.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành, như: công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo. Năng lực các DN công nghiệp Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trong nước chưa cao, vì vậy, giải pháp chung nhằm phát triển công nghiệp hạ nguồn, trước tiên Chính phủ cần có các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ thị trường nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước. Các biện pháp cụ thể có thể tính đến là có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số DN Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ngành ô tô, điện - điện tử, dệt may, da giày trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các DN CNHT trong nước phát triển; xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cắt giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu.../.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2020). Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề về lĩnh vực Công Thương, tại phiên họp ngày 30/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

2. Trần Văn Thọ (2005). Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

3. Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương (2020). Báo cáo tại Hội thảo kết nối DN công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí năm 2020, Hà Nội, ngày 25/11/2020

4. UNCTAD (2019). ASEAN Investment Report: Foreign Direct Investment and MSME Linkages: one vision one identity one community

5. Li Lu, Junlin Peng, Yi Lu (2021). Perceived impact of the Covid-19 crisis on SMEs in different industry sectors: Evidence from Sichuan, China, International Journal of Disaster Risk Reduction, 4 February 2021

Nguyễn Văn Nhật

Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 17, tháng 6/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư