e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Đầu tư

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tiếp tục gỡ khó, khơi thông nguồn vốn đầu tư tại địa phương

18:24 | 07/09/2021 Print
Chiều ngày 6/9, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đã tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại tại tỉnh Hưng Yên.

Đây là Hội nghị thứ 3 trong kế hoạch của Tổ công tác, sau các hội nghị với tỉnh Quảng Ninh, TP. Hà Nội ngày 1/9.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tiếp tục gỡ khó, khơi thông nguồn vốn đầu tư tại địa phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn. Ảnh: MPI

Hưng Yên đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, khơi thông các nguồn vốn, nhất là không để nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Tỉnh đã thành lập tổ chuyên môn, thường xuyên kiểm điểm, đôn đốc các chủ đầu tư, cơ quan đơn vị tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.

Tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương và chủ đầu tư đảm bảo mức vốn giải ngân năm 2021 đạt từ 95-100% kế hoạch; trong đó, đến hết quý III đạt tối thiểu 60%. Nếu không đạt tiến độ sẽ điều chuyển cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Đồng thời, các ngành, địa phương phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân; bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện Hưng Yên có một số dự án lớn giải ngân nguồn vốn trung ương và vốn ODA đạt kết quả khá. Điển hình như: dự án đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội qua địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 78,5% kế hoạch; dự án phát triển toàn diện kinh tế-xã hội các đô thị (Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng) hợp phần tại thành phố Hưng Yên, đạt hơn 72% kế hoạch; dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 385 trên địa bàn huyện Văn Lâm đạt hơn 53% kế hoạch.

Về nguồn vốn cấp tỉnh quản lý, một số địa phương như huyện Kim Động kế hoạch giao 48 tỷ đồng, giải ngân 30 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch; huyện Văn Lâm kế hoạch giao hơn 29 tỷ đồng, giải ngân gần 15 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch. Nguồn vốn ngân sách tập trung cấp huyện, đạt 60% kế hoạch; nguồn vốn cấp xã thu từ tiền sử dụng đất giải ngân hơn 1.100 tỷ đồng, đạt 96%. Nguồn vốn vượt thu, kết dư đầu tư các dự án do cấp huyện, cấp xã quản lý giải ngân được gần 140 tỷ đồng, đạt hơn 85%.

Các địa phương, đơn vị đạt dưới 50% kế hoạch như các huyện Ân Thi, Khoái Châu, thị xã Mỹ Hào, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Ban quản lý Dự án Đầu tư công trình giao thông xây dựng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Một số dự án đã được giao vốn ngân sách trung ương, nhưng chưa giải ngân như: dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.17 kéo dài đến ĐT.379; dự án nâng cấp, đường dọc sông, kè chống sạt lở và nạo vét sông Cầu Treo, huyện Yên Mỹ; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản huyện Ân Thi...

Hiện tỉnh đang còn số vốn hơn 480 tỷ đồng dự kiến phân bổ cho 18 chương trình, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa phân bổ chi tiết cho các dự án do phải chờ Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Do vậy, chưa thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công và giải ngân vốn.

Ngoài ra, một số công trình kè, cống phải tạm dừng thi công do vào mùa mưa lũ. Hơn nữa, giá vật tư xây dựng tăng đột biến, nhất là sắt, thép đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình và giải ngân vốn đầu tư công của một số đơn vị.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tiếp tục gỡ khó, khơi thông nguồn vốn đầu tư tại địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn phía đầu cầu UBND tỉnh Hưng Yên

Song, vẫn còn nhiều vướng mắc lớn

Theo ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên, hiện còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án. Ông tóm lại 5 vấn đề lớn.

Thứ nhất, về khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền trong việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án vốn ngân sách địa phương, ông Trịnh Văn Diễn cho rằng, tại khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau. Nhưng trên thực tế, HĐND tỉnh thường tổ chức 2-3 kỳ họp/năm, việc phải báo cáo HĐND tỉnh quyết định dẫn đến phát sinh thêm nhiều thời gian để triển khai thực hiện có thể gây sai sót và thiếu chủ động cho các địa phương.

Tỉnh đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công 39/2019/QH14 theo hướng cho phép HĐND cấp huyện, xã quyết định kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau đối với vốn ngân sách cấp mình quản lý. Đồng thời kiến nghị, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi điểm c, khoản 7, Điều 67, Luật Đầu tư công 39/2019/QH14 theo hướng giao cho UBND các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách địa phương do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Thứ hai, về khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư trong việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương để đảm bảo điều kiện giao vốn, tổ chức đầu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công và giải ngân vốn theo quy định.

Thứ ba, về thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, đô thị, theo quy định của pháp luật về đầu tư, đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị, hoặc dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị thuộc thẩm quyền chấp thuận thủ trương của Thủ tướng Chính phủ theo điểm g Điều 21 Luật Đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, có những dự án xây dựng nhà ở, xã hội có quy mô nhỏ nhưng dân số lớn sẽ thuộc trường hợp bác cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, như vậy sẽ dẫn đến kéo dài thời gian đưa dự án vào hoạt động của doanh nghiệp.

Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định về thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà ở, đô thị theo hướng chỉ sử dụng yếu tố, quy mô sử dụng đất làm căn cứ xác định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về việc thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trước đây theo quy định của Luật đầu tư 2014 có quy định việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đối với trường hợp sau 12 tháng nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp giãn tiến độ thực hiện dự án. Nhưng hiện nay, Luật đầu tư 2020 đã bỏ nội dung này, gây khó khăn cho địa phương trong việc xử lý đối với các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai do nhà đầu tư không thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng… Do vậy, không thể áp dụng điểm a khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư để chấp dứt hoạt động của dự án. Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hướng dẫn hoặc bổ sung các chế tài xử lý đối với các trường hợp thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án được nhà nước giao đất cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước vè đầu tư trong việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm triển khai do chưa thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ tư, về việc nghiệm thu công trình xây dựng để hoàn trả tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện theo dự án, theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 26 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, nhà đầu tư được hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát sinh từ số tiền ký quỹ (nếu có), hoặc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư đã hoàn thành việc nghiệm thu công trình xây dựng. Tuy nhiên, pháp luật về đầu tư không có hướng dẫn việc nghiệm thu công trình xây dựng được thực hiện như thế nào, nhà đầu tư tự nghiệm thu hay theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trên thực tế, một số dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động, nhưng do thời gian nghiệm thu các hạng mục công trình kéo dài, nếu để xong các thủ tục nghiệm thu công trình doanh nghiệp mới được đề xuất hoàn trả ký quỹ thì đến thời điểm xin hoàn trả tiền ký quỹ, dự án sẽ vi phạm tiến độ đầu tư. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định đủ điều kiện giải ngân số tiền ký quỹ. Do vậy, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn cụ thể về việc nghiệm thu công trình xây dựng khi thực hiện hoàn trả toàn bộ số tiền ký bảo đảm thực hiện dự án.

Thứ năm, về vướng mắc trong các văn bản khác của Trung ương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, theo quy định tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định.

Tuy nhiên trong phương án cổ phần hóa của một số doanh nghiệp trước đây, không quy định cụ thể về phương án sử dụng đất, gây khó khăn cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có văn bản tháo gỡ đối với các trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, khi chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp hoặc tại Phương án cổ phần hóa doanh nghiệp chưa quy định rõ về phương án sử dụng đất, được điều chỉnh mục đích sử dụng đất khi dự án phù hợp với quy hoạch.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tiếp tục gỡ khó, khơi thông nguồn vốn đầu tư tại địa phương
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: MPI

Bộ KH&ĐT: Sẽ báo cáo Chính phủ để có quyết sách mạnh mẽ hơn

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tóm lược các kiến nghị của tỉnh Hưng Yên theo 3 cấp độ. Thứ nhất là mong muốn sửa đổi quy định pháp quy, bao gồm luật, nghị định. Thứ hai là những vấn đề chưa hiểu rõ, có cách hiểu khác nhau mà khiến công tác triển khai ở địa phương gặp nhiều rủi ro. Thứ ba là nhóm dự án cụ thể, các tình huống cụ thể, các quy định về dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Với 3 cấp độ như vậy, Thứ trưởng cho biết, việc đề xuất sửa đổi pháp luật, đây là câu chuyện tương lai. Khẳng định đây là vấn đề không thể làm ngay lúc này, Thứ trưởng cho biết, chúng ta đang ở quá trình 3 hướng để sửa đổi luật.

Có luật đã lên bệ phóng, như Luật Đất đai đã có trong quy trình xây dựng của Quốc hội, bây giờ đã bắt đầu sơ khởi rồi. Luật này sẽ giải quyết nhiều vướng mắc tỉnh nêu.

Sát sườn nhất sửa pháp luật là Chính phủ cho ý kiến 1 luật sửa 10 luật liên quan đến kinh doanh. Luật này do Bộ Tư pháp chủ trì… “Luật này chúng ta đặt kỳ vọng nhiều, nhưng phải qua 3 cửa, chiều nay qua cửa thứ nhất là Chính phủ, sau khi Chính phủ cho ý kiến thì Bộ Tư pháp phải tiếp thu ý kiến, lấy ý kiến thành viên Chính phủ tiếp thu lần nữa, qua Quốc hội… Quốc hội có thông qua hay không còn nhiều vấn đề. Đây là nội dung lớn, riêng với tỉnh Hưng Yên thì có nhiều thứ tháo gỡ trong luật này”. Thứ trưởng chia sẻ thêm thông tin.

Tuy nhiên, dự kiến thời hiệu của Luật là 1/1/2022. Như vậy, những vấn đề được kỳ vọng sửa đổi ở đây cũng phải năm 2022 mới thực hiện được.

Bên cạnh Luật này, có một số nghị định đang trên lộ trình hoàn thiện ký ban hành, điển hình Nghị định số 82 về khu công nghiệp, khu kinh tế. Thứ trưởng cho biết, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo quyết tâm sửa đổi tháo gỡ vướng mắc.

“Cấp độ cuối cùng của văn bản pháp quy mà chưa có trong các luật trong lộ trình, tôi đề nghị các đồng chí trong tổ công tác ghi lại ý kiến của Hưng Yên và các địa phương khác, ví dụ liên quan Nghị quyết số 82 của Quốc hội về cổ phần hóa”, Thứ trưởng nói. Thứ trưởng cũng khẳng định, đối với nội dung có thể hướng dẫn ngay, Tổ công tác cũng sẽ có văn bản trả lời những vấn đề này.

“Trên cơ sở tổng hợp của các tỉnh, tổng hợp thành báo cáo chung, lọc ra các vấn đề cốt yếu nhất đưa vào tờ trình Chính phủ để có quyết sách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết và mong muốn “các địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác để cùng nhau tháo gỡ khó khăn nếu gặp phải trong quá trình triển khai dự án”./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư