Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp

17:22 | 07/09/2021 Print
Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp. Trước sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong vài năm gần đây, việc hoàn thiện khung pháp lý, minh bạch thông tin, đảm bảo sự phát triển lành mạnh bền vững của thị trường là yêu cầu cấp thiết. Bài viết khái quát thực trạng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

KHÁI QUÁT VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu là công cụ nợ, theo đó nhà phát hành trái phiếu đi vay nhà đầu tư theo phương thức có hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Xét theo chủ thể phát hành, trái phiếu bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Theo Điều 4, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành”.

Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp là sự phát triển, trong đó, đảm bảo sự tăng tiến toàn diện của thị trường trong hiện tại và phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài trong tương lai.

Trái phiếu là một loại chứng khoán, nên thị trường trái phiếu là một bộ phận của thị trường chứng khoán nói chung. Thị trường trái phiếu là thị trường mà hàng hoá được mua bán tại đó là các trái phiếu. Collin (2003) định nghĩa: “Thị trường trái phiếu là nơi mà các trái phiếu được giao dịch”.

Thị trường trái phiếu Việt Nam bắt đầu được xác lập từ những năm 1990 với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 120-CP, ngày 17/9/1994 về Quy chế tạm thời phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định số 23-CP, ngày 22/3/1995 về phát hành trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, khi Trung tâm giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động năm 2000, thì thị trường trái phiếu chính thức được hình thành. Từ năm 2006, căn cứ Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp bao gồm những quy định về hình thức phát hành (phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ); về phân loại thị trường (thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp), về các chủ thể tham gia thị trường (nhà phát hành, trung gian tài chính, nhà đầu tư, các tổ chức xếp hạng tín dụng và cơ quan quản lý).

Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Từ khái niệm phát triển bền vững nói chung, theo tác giả, phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp là sự phát triển, trong đó, một mặt, đảm bảo sự tăng tiến toàn diện của thị trường trong hiện tại; mặt khác, phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài trong tương lai.

Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hóa đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung phân tích khía cạnh kinh tế bởi đây là mục tiêu then chốt, là nền tảng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tăng trưởng đóng góp cho xã hội và nâng cao trách nhiệm với môi trường. Nói cách khác, phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp dưới khía cạnh kinh tế là sự phát triển số lượng vốn huy động được từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó vừa đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên liên quan, bao gồm: doanh nghiệp phát hành (là đảm bảo huy động đủ vốn theo dự kiến, kịp thời gian với chi phí phát hành thấp), đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư (lãi suất và khả năng thu hồi vốn đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư) và rộng hơn là nền kinh tế (chia sẻ áp lực về huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, giảm bớt rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản và nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính).

THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Kết quả đạt được

Khung khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện

Năm 2021, Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các nghị định liên quan đến thị trường trái phiếu có hiệu lực đã tạo khung pháp lý thống nhất về trái phiếu doanh nghiệp, chuẩn hóa thị trường, tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Nghị định số 153/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, ngày 09/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, ngày 04/12/2018 là cơ sở pháp lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp được quản lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, minh bạch hóa thị trường; tăng cường quản lý giám sát đối với hoạt động phát hành trái phiếu và thúc đẩy phát triển đồng bộ cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, làm rõ điều kiện cũng như trách nhiệm các thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp; góp phần phát triển thị trường an toàn; thực hiện mục tiêu cân bằng hơn với thị trường tín dụng ngân hàng nhằm phát triển đồng bộ các kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế…

Quy mô thị trường ngày càng mở rộng

Những năm gần đây, thị trường trái phiếu có bước phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 40%/năm, khẳng định vai trò huy động vốn hiệu quả cho các chủ thể trong nền kinh tế.

Về khối lượng phát hành: Trong giai đoạn 2016-2020, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường đạt trên 1.100 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với mức 315.441 tỷ đồng năm 2019; trong đó, giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 403.468 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ) và phát hành ra công chúng đạt 34.221 tỷ đồng (tăng 82,7% so với cùng kỳ) (Hình).

Hình: Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2020

Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Năm 2020, có 2.408 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có 2.228 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ thành công, tăng 2,46 lần so với năm 2019, số doanh nghiệp phát hành thành công là 277 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp phát hành thành công 345 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã giúp mọi loại hình doanh nghiệp huy động vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng; giảm bớt áp lực huy động và cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó giảm thiểu rủi ro về kỳ hạn của các ngân hàng (Võ Liên Phương, 2020).

Về sản phẩm trái phiếu phát hành trên thị trường: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành chủ yếu là trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền; khoảng 60% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo. Lãi suất phát hành chưa có căn cứ xác định, song các doanh nghiệp hầu hết sử dụng lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi một năm của một hoặc một số ngân hàng thương mại.

Về nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại hiện là các nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp, chiếm trên 50% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Về nhà phát hành: Trong tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2020, chủ yếu là phát hành riêng lẻ. Trong đó, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất, chiếm khoảng 70% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, phát hành tổng cộng 182,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường năm 2020, tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019. Tuy nhiên, xu hướng nhóm có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất dịch chuyển từ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản sang khối doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tổ chức tín dụng.

Hạn chế, tồn tại

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển khá nhanh trong những năm qua, song đang đặt ra những câu hỏi về tính bền vững của thị trường. Một số tồn tại của thị trường ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường như sau:

Một là, quy mô của thị trường nhỏ, nhà đầu tư chưa quen với việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu chưa trở thành kênh huy động vốn dài hạn chủ yếu của doanh nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay, thị trường sơ cấp chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp lớn với 70% trái phiếu kỳ hạn trung bình là 4 năm, cho thấy nhu cầu về huy động vốn trung dài hạn của các tổ chức phát hành là khá lớn. Thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, khối lượng trái phiếu ra công chúng có xu hướng tăng trong 2 năm gần đây nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 3% tổng khối lượng phát hành). Một số doanh nghiệp phát hành chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành.

Hai là, thị trường tiềm ẩn những rủi ro đối với nhà đầu tư. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường đã bộc lộ những rủi ro tiềm ẩn của thị trường, đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường. Với đặc thù là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, trái phiếu doanh nghiệp thường mang đến nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Rủi ro lớn nhất đối với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp là rủi ro thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến kỳ hạn, hay còn gọi là rủi ro tín dụng. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; thậm chí, doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng còn tồn tại. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ gây rủi ro cho cả nhà đầu tư.

Ba là, giao dịch trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Do thực trạng các doanh nghiệp chủ yếu phát hành cho các cổ đông hiện hữu dưới dạng trái phiếu chuyển đổi hoặc phát hành riêng lẻ cho một số đối tác nhất định. Những nhà đầu tư này thường nắm giữ trái phiếu đến khi đáo hạn, do đó thị trường thứ cấp hầu như không có giao dịch hoặc giao dịch rất ít. Mặt khác, các cơ sở dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp mới được hình thành, chưa đủ độ rộng và sâu cần thiết để cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư đánh giá rủi ro và cơ hội.

Bốn là, thiếu tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Nhà đầu tư hiện nay khi đầu tư hoàn toàn dựa vào bảng công bố thông tin do tổ chức phát hành công bố, mà không có nguồn thông tin dữ liệu độc lập để kiểm tra lại tính minh bạch của thị trường. Để đánh giá mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, các quốc gia trên thế giới thường sử dụng các công ty xếp hạng tín nhiệm. Định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là công cụ hiệu quả để xác định sức khỏe tài chính, triển vọng của doanh nghiệp, cơ sở để các chủ thể trong thị trường ra quyết định. Một số doanh nghiệp có sức khỏe tài chính và tiềm năng phát triển tốt vẫn đang phải trả một mức lãi suất tương đối cao so với mặt bằng chung (Finn Rating, 2021). Hiện tại, Việt Nam thiếu đơn vị đưa ra được những thông tin xếp hạng tín nhiệm. Một vài công ty hoạt động trong lĩnh vực định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhưng chưa đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Quan điểm của cơ quan quản lý trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng đều nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã bước từ giai đoạn tăng trưởng về quy mô và số lượng đến giai đoạn phát triển về chất lượng và bền vững. Trong ngắn hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế cho việc vận hành, đặc biệt sắp xếp lại thị trường. Để phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các quốc gia sẽ phải điều chỉnh hành lang pháp lý theo hướng điều chỉnh để các đối tượng liên quan, bao gồm: nhà đầu tư, nhà phát hành, các trung gian tài chính, các tổ chức xếp hạng tín dụng, các cơ quan quản lý thực hiện minh bạch hóa thông tin tài chính và tuân thủ những quy chuẩn của pháp luật, cũng như thông lệ quốc tế.

Để tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả; trên cơ sở quy định tại Luật Chứng khoán sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đánh giá về cơ chế chính sách liên quan đến phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo cả 2 phương thức ra công chúng và riêng lẻ theo hướng: Đối với phát hành ra công chúng, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán; Đối với phát hành riêng lẻ, quy định đối tượng phát hành và giao dịch là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với các đối tượng quản lý; tổ chức đoàn kiểm tra về việc thực hiện quy định của pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động đào tạo, phổ biến quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thông tin tuyên truyền về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và khuyến nghị nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp... Trên các phương tiện thông tin, cơ quan quản lý cần thường xuyên cung cấp thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; trong đó, khuyến nghị cụ thể doanh nghiệp phát hành phải tuân thủ quy định pháp luật trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về các rủi ro có thể có khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Thứ hai, hình thành tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ

Thị trường trái phiếu thứ cấp là trái phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư sau khi được phát hành trên thị trường sơ cấp, có thể được giao dịch trực tiếp giữa các nhà đầu tư hoặc thông qua đại lý. Đây là nền tảng quan trọng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục sôi động trong năm 2021 và phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2030. Hình thành tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cũng như giúp thị trường có thông tin về giao dịch trái phiếu sau khi phát hành, giúp doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn minh bạch, hiệu quả, từ đó góp phần hoàn thiện hơn thị trường chứng khoán. Khi nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể sử dụng để thế chấp, cầm cố, bảo lãnh cho các hoạt động vay vốn, giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp...

Thứ ba, xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp

Theo thông lệ quốc tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất cần có sự tham gia của các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để gia tăng chất lượng trái phiếu giao dịch trên thị trường. Tổ chức thực hiện định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phải có uy tín, nhân sự chất lượng cao, các sản phẩm xếp hạng, đánh giá tin cậy. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giải pháp trước mắt là liên doanh, liên kết với các tổ chức có tín nhiệm của nước ngoài để thành lập tổ chức trong nước. Tập trung thành lập 1-2 doanh nghiệp là tiền đề để công ty định mức tín nhiệm ra đời.

Trước khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp ra đời và hoạt động ổn định, chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp cần được tập trung cập nhật để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp sẽ công bố thông tin những nội dung cơ bản của tất cả các đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức thực hiện phát hành riêng lẻ, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của mọi đối tượng nhà đầu tư, cũng như phục vụ công tác thống kê, báo cáo./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2020). Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

2. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2021). Tài liệu Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Hà Nội, ngày 14/01/2021

3. Finn Rating (2021). Triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 2021.

4. Võ Liên Phương (2020). Tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2, tháng 10/2020

5. Hà Thị Đoan Trang (2019). Phát triển các cấu phần của thị trường vốn phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ

6. Berk, J., and DeMarzo, P. (2014). Corporate Finance (3rd ed.), Nxb Pearson, Boston

7. Collin, P. (2003). Dictionary of Banking and Finance, A&C Black, London

TS. Vũ Trường Sơn

TS. Trần Minh Hoàng

Trường Đại học Đại Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 17, tháng 6/2021)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư