e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Đầu tư

Vốn đầu tư công năm 2022 dự kiến tăng 8,3%, tập trung vào các tuyến đường ven biển

19:09 | 09/09/2021 Print
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổng mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 là 516.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022.

Vốn đầu tư công năm 2022 dự kiến tăng 8,3%, tập trung vào các tuyến đường ven biển
Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (Ảnh minh họa)

Căn cứ kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 31/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 là 516.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 294.700 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công năm 2022 cần tiếp tục đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án đường cao tốc, cảng biển, hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu quan trọng, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng.

Đặc biệt, một trong những trọng tâm của đầu tư công năm tới là hoàn thành các tuyến đường ven biển chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025; Khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vào tháng 7/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến giai đoạn 2021-2025. Trong báo cáo, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; hành lang kinh tế Đông - Tây; sửa chữa nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh nguyên tắc, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn NSNN theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư. Việc phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 phải bảo đảm thực hiện theo các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, theo thứ tự ưu tiên phân bổ vốn.

Cụ thể, đối với vốn ngân sách trung ương trong nước, đầu tiên phải bố trí vốn để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bố trí vốn để thu hồi tối thiểu 25% số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Mức vốn thu hồi ứng trước năm 2022 của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương được xác định căn cứ vào số vốn ứng trước phải thu hồi của từng đơn vị trong giai đoạn 2021 - 2025. Bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án chuyển tiếp nhóm C của các địa phương chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp theo là bố trí đủ vốn theo giá trị quyết toán cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022. Bố trí đủ vốn cho dự án dự kiến hoàn thành năm 2022.

Bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Bố trí vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với khả năng thực hiện Chương trình.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại để tập trung bố trí cho dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm liên vùng về giao thông, đường cao tốc, đường ven biển, thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, y tế, khoa học công nghệ, nâng cấp các trường nghề, công nghệ thông tin, hạ tầng số… tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đối với vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương bố trí đủ vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư (dự án chuyển tiếp đã được gia hạn hiệp định, dự án khởi công mới đã ký hiệp định).

Đối với vốn ngân sách địa phương, tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022, giảm tối đa thời gian bố trí vốn của các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, ưu tiên bố trí đủ vốn theo cam kết cho các dự án liên vùng, dự án đường ven biển.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 1.500 nghìn tỷ đồng và ngân sách địa phương là 1.370 nghìn tỷ đồng.

Sau khi trừ dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các khoản vốn nước ngoài chưa phân bổ và kế hoạch đầu tư công năm 2021 (477.300 tỷ đồng); để bảo đảm đạt mức kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025 NSNN bố trí khoảng 503.850 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 259.430 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 244.430 tỷ đồng./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư