Đầu tư tác động – Đích đến mới cho dòng vốn đầu tư hiện nay

08:37 | 11/09/2021 Print
Bài viết khái quát thực trạng của đầu tư tác động trên thế giới và ở Việt Nam, từ đó, đề xuất các khuyến nghị đối với Chính phủ và các nhà đầu tư nhằm triển khai và thúc đẩy hoạt động đầu tư tác động xã hội trong nền kinh tế.

Đầu tư tác động là thuật ngữ dùng để chỉ những khoản đầu tư vào những công ty, tổ chức, hay quỹ đầu tư không chỉ nhằm mục đích đạt được lợi nhuận mà còn đạt được những mục đích khác như xã hội hay môi trường. Về cơ bản, khái niệm và các vấn đề xoay quanh đầu tư tác động vẫn còn khá mới và đang dần được hoàn thiện và làm rõ thông qua các nghiên cứu và báo cáo kinh tế. Tuy nhiên, đây là một loại hình đầu tư mà các nền kinh tế - xã hội hiện nay trên thế giới đều nhấn mạnh và hướng tới nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Bài viết tổng hợp các khái niệm, đặc điểm, phân loại và khái quát thực trạng của đầu tư tác động trên thế giới và ở Việt Nam, từ đó, đề xuất các khuyến nghị đối với Chính phủ và các nhà đầu tư nhằm triển khai và thúc đẩy hoạt động đầu tư tác động xã hội trong nền kinh tế.

MỘT SỐ LÝ THUYẾT VỀ ĐẦU TƯ TÁC ĐỘNG

Khái niệm đầu tư tác động

Theo Global Impact Investing Network (GIIN) (2012), “Đầu tư tác động là việc đầu tư của các công ty, tổ chức, quỹ với kỳ vọng tạo ra những tác động về xã hội và môi trường song song với thu nhập tài chính”.

Đầu tư tác động – Đích đến mới cho dòng vốn đầu tư hiện nay
Đầu tư tác động là việc đầu tư nhằm tạo ra những tác động về xã hội và môi trường song song với thu nhập tài chính

Thuật ngữ “Đầu tư tác động” (Impact Investing) trở nên phổ biến gần đây, năm 2007, do một nhóm các nhà đầu tư tại Mỹ chuyên phát triển các sản phẩm nhà ở cho người thu nhập thấp. Với mức độ gia tăng nhanh chóng qua các năm, trên khắp các châu lục, đầu tư tác động là lĩnh vực ngày càng được quan tâm, do những tác động tích cực của lĩnh vực này, không chỉ trên giác độ kinh tế, mà đặc biệt là những tác động về khía cạnh xã hội và môi trường. Hiện nay, khái niệm đầu tư tác động có nghĩa là đầu tư mang lại giá trị xã hội cùng với lợi nhuận tài chính đã trở nên quen thuộc và có thể là một trợ giúp đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu của UNDP, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2018), doanh nghiệp tạo tác động là tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại. Mô hình kinh doanh này là tối quan trọng đối với Việt Nam. Đây chính là phát triển cách tiếp cận bền vững và bao trùm hơn cho tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo và công nghệ; nâng cao năng suất lao động, đồng thời giải quyết những thách thức về xã hội và môi trường mà Việt Nam đang đối mặt.

Hệ sinh thái đầu tư tác động

OECD (2019) đã giới thiệu Khung thị trường đầu tư tác động. Khuôn khổ này đã mô tả hệ sinh thái của đầu tư tác động bao gồm 3 nhóm chủ thể: (i) Các nhà đầu tư (bên cung); (ii) Bên nhận đầu tư (bên cầu); (iii) Người hỗ trợ/bên trung gian. Đây cũng chính là các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của đầu tư tác động.

THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ TÁC ĐỘNG TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY

Ước tính của GIIN (2019) về quy mô đầu tư tác động toàn cầu năm 2019 có khoảng 1.720 tổ chức tham gia đầu tư, với giá trị đầu tư khoảng 715 tỷ USD. Về lĩnh vực đầu tư, khảo sát của GIIN (2019) chỉ ra rằng, đầu tư cho các dịch vụ tài chính chiếm 12% vốn đầu tư; tài chính vi mô là 8%, năng lượng là 15% và thực phẩm và nông nghiệp là 9%, chăm sóc sức khỏe 7%. Về phía những người được hỏi thì kết quả là 46% nhà đầu tư muốn đầu tư vào năng lượng, 57% muốn đầu tư vào thực phẩm và nông nghiệp, 49% muốn đầu tư vào chăm sóc sức khỏe…

Trong khi đó, khảo sát thường niên nhà đầu tư tác động của GIIN (2020) kết hợp dữ liệu và lấy ý kiến khảo sát từ 294 tổ chức và cá nhân thực hiện đầu tư tác động. Mẫu được khảo sát bao gồm một loạt các loại hình tổ chức, trong đó chủ yếu là người quản lý tài sản chiếm 65%, với một nửa trong số này là người quản lý tài sản vì lợi nhuận; tổ chức chiếm 14% mẫu, trong khi các tổ chức tài chính phát triển (DFIs) chiếm 5%, gia đình chiếm 4%, tổ chức tài chính đa dạng chiếm 3% và còn lại các tổ chức khác. Các tổ chức khác nhau cũng thực hiện các loại đầu tư khác nhau.

Hình 1: Hình thức đầu tư được thực hiện bởi các tổ chức khác nhau

Đầu tư tác động – Đích đến mới cho dòng vốn đầu tư hiện nay

Lưu ý: “Other” organizations: Các tổ chức ‘khác” bao gồm các tổ chức tài chính phát triển cộng đồng (CDFI), các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các công ty đầu tư thường trực, các nhà phát triển bất động sản, quỹ tài sản có chủ quyền và các cơ quan chính phủ liên bang độc lập;

Nguồn: GIIN (2020)

Số liệu ở Hình 1 cho thấy, với các loại tổ chức khác nhau thì lựa chọn loại đầu tư với tỷ lệ khác nhau. Chẳng hạn như với các tổ chức tài chính phát triển (DFIs) có 86% là đầu tư tác động, 14% còn lại là bao gồm cả hai loại đầu tư tác động và đầu tư thông thường. Với tổ chức tài chính đa dạng và các quỹ hưu trí thì 100% thực hiện kết hợp cả đầu tư tác động và đầu tư thông thường. Số liệu ở Hình 2 cho thấy, giai đoạn 2000-2019, số lượng các nhà đầu tư tác động gia tăng qua các năm, đặc biệt, giai đoạn 2014-2016 có sự gia tăng cao hơn so với các giai đoạn khác.

Hình 2: Hoạt động đầu tư tác động gia tăng qua các năm 2000-2019

Đầu tư tác động – Đích đến mới cho dòng vốn đầu tư hiện nay

Nguồn: GIIN (2020)

Cũng theo khảo sát của GIIN (2020) về hoạt động đầu tư tác động hàng năm, những tổ chức được hỏi đã chia sẻ thông tin về các khoản đầu tư tác động của họ trong năm 2019 và hoạt động đầu tư tác động kế hoạch của họ trong năm 2020. Theo đó, DFIs dẫn đầu trong các nhà đầu tư tác động, với mức trung bình 273 triệu USD, tiếp theo sau là quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác (tương ứng 241, 220, và 153 triệu USD) (Bảng). DFIs cũng dẫn đầu với số lượng thương vụ đầu tư, tiếp sau là công ty bảo hiểm và nhà quản lý tài sản phi lợi nhuận. Số liệu ở Bảng cũng cho thấy, với tất cả các nhà đầu tư trong khảo sát (chú ý trong Bảng này có tổng 297 nhà đầu tư trả lời, ít hơn con số 294 tổng mẫu khảo sát, vì có 15 nhà đầu tư không trả lời cho mục này), có sự gia tăng đáng kể cả về số lượng thương vụ và giá trị vốn đầu tư cho lĩnh vực đầu tư tác động.

Bảng: Hoạt động đầu tư tác động năm 2019 và kế hoạch cho năm 2020

Tổng vốn đầu tư (triệu USD)

Số lượng đầu tư

Số lượng

Trung bình

Thực hiện 2019

Kế hoạch 2020

Trung bình

Thực hiện 2019

Kế hoạch 2020

Các nhà quản lý tài sản vì lợi nhuận

142

19

23.710

20.780

6

4.822

6.434

Các nhà quản lý tài sản không vì lợi nhuận

40

12

1.768

2.281

11

1619

1.793

Các tổ chức tài chính phát triển (DFIs)

11

273

11.076

19.847

21

373

730

Các tổ chức tài chính đa dạng hóa

5

153

798

853

2

25

25

Hộ gia đình kinh doanh

11

5,7

110

198

5

85

128

Các cơ sở

40

12

931

889

5

1471

1.837

Các quỹ hưu trí

4

241

2.433

847

9

35

40

Các công ty bảo hiểm

3

220

4.811

1.050

20

133

180

Tổ chức khác

23

6

1.328

1.223

12

1.244

1.367

Nguồn: GIIN (2020)

Trong một thập kỷ qua, các chính phủ ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho các hệ sinh thái của đầu tư tác động, nhằm mục đích có thể khai thác toàn bộ tiềm năng tác động của việc đầu tư vào quốc gia của họ. Các chính phủ thực hiện phát triển các chính sách và khuôn khổ đến việc thành lập các cơ quan giám sát đối với đầu tư tác động. Mặc dù các chính phủ không trực tiếp thực hiện đầu tư tác động, nhưng các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động về môi trường, xã hội và quản trị, đầu tư có hiệu quả và bền vững cũng tạo ra các ảnh hưởng đến đầu tư tác động. Môi trường pháp lý tốt đã hỗ trợ, thúc đẩy thị trường phát triển, tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách khác thúc đẩy sự phát triển của các ngành.

Có nhiều cách khác nhau mà các chính phủ có thể hỗ trợ khu vực tư nhân thực hiện đầu tư tác động, cả trực tiếp và gián tiếp, cụ thể: (i) Định hướng hoạt động đầu tư; (ii) Hỗ trợ đầu tư tác động; (iii) Xây dựng năng lực cho các khoản đầu tư tác động; (iv) Cung cấp thông tin và thiết lập các tiêu chuẩn.

THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ TÁC ĐỘNG Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Thực trạng đầu tư tác động ở Việt Nam

Hiện tại ở Việt Nam, khái niệm đầu tư tác động còn khá mới và chưa được đưa vào bất cứ một văn bản chính thức nào. Tuy vậy, hoạt động đầu tư mang tính chất của đầu tư tác động đúng nghĩa đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp (năm 2020) đã đưa vào khái niệm “doanh nghiệp xã hội”, là điều khoản pháp lý quan trọng, nêu rõ vai trò của doanh nghiệp xã hội có các hoạt động vừa định hướng lợi nhuận và định hướng xã hội cũng như môi trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn có các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp xã hội cũng thực hiện các hoạt động đầu tư tác động. Đó là các tổ chức phi chính phủ, bên cạnh đó, còn có các hợp tác xã, các trường, các quỹ từ thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp (năm 2015).

Mặc dù đầu tư tác động còn là hình thức đầu tư khá mới mẻ, Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động này. Điều này thể hiện qua số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội ngày một tăng. Theo UNDP và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2018), Việt Nam có khoảng 49.800 tổ chức và sáng kiến khác nhau đang hoặc có khả năng chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp đầu tư tác động. Trong giai đoạn 1995-2018, số lượng các doanh nghiệp đầu tư tác động trong số doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng tăng liên tục (Hình 3).

Đầu tư tác động – Đích đến mới cho dòng vốn đầu tư hiện nay

Nguồn: UNDP và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2018)

Mặc dù có quy mô về doanh thu nhỏ, năm 2018, có 70% số doanh nghiệp đầu tư tác động có lãi, 18% đạt điểm hòa vốn và chỉ có 12% đang ở trạng thái lỗ. Các doanh nghiệp đầu tư tác động hòa vốn và lỗ thường là những doanh nghiệp mới thành lập (dưới 2 năm), đang trong giai đoạn khởi sự, đang kiểm chứng mô hình kinh doanh và thiết lập thị trường của mình. Có đến 50% số doanh nghiệp đầu tư tác động thành lập năm 2017 không có lãi hoặc bị lỗ, trong khi đó con số này ở những doanh nghiệp đầu tư tác động thành lập năm 2018 là 66% (UNDP và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 2018). Tuy nhiên, khó khăn đặt ra với các doanh nghiệp đầu tư tác động đó là, các chính sách của Việt Nam mới chỉ tập trung vào nhóm khởi nghiệp, trong khi các doanh nghiệp xã hội vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Hơn nữa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính.

Một số đề xuất, kiến nghị

Đối với Chính phủ

- Định hướng hoạt động đầu tư: Trong một số trường hợp, khu vực công trực tiếp bắt buộc các nhà đầu tư tư nhân phải tham gia vào hoạt động đầu tư tác động, vì vậy, Chính phủ cần đặt ra tiêu chuẩn để đo lường tác động, nhằm quản lý và hướng các khoản đầu tư tư nhân - dù muốn hay không - hướng tới một kết quả xã hội cụ thể.

- Hỗ trợ đầu tư tác động: việc hỗ trợ này có thể thông qua chính sách thuế hoặc chính sách tín dụng của Chính phủ.

- Xây dựng năng lực cho các khoản đầu tư tác động: Khu vực công cũng có thể hỗ trợ đầu tư tác động bằng cách xây dựng các cơ hội có thể đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp sẽ là người sử dụng cuối cùng của các khoản đầu tư tác động. Việc hỗ trợ được thực hiện thông qua hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và các chương trình đào tạo việc làm cho các lĩnh vực cụ thể. Bằng cách xây dựng nhu cầu đầu tư hiệu quả hơn, nâng cao năng lực có thể mở ra cánh cửa cho nhiều nhà đầu tư và loại hình đầu tư hơn trong đó có đầu tư tác động.

- Cung cấp thông tin và thiết lập các tiêu chuẩn: Chính phủ cần cung cấp các thông tin và thiết lập các tiêu chuẩn về đầu tư tác động nhằm thu hút các nhà đầu tư có động cơ đầu tư hoặc tạo ra sự đảm bảo chất lượng cho việc cung cấp các lợi ích công cộng. Với sự chú ý gần đây đến đầu tư tác động, các nỗ lực nhằm xác định và đặt ra các tiêu chuẩn về tác động xã hội của đầu tư cộng đồng sẽ hữu ích. Tuy nhiên, nếu không có các hình thức trợ cấp công cộng hoặc các hình thức trợ cấp khác để hỗ trợ các khoản đầu tư, thì thông tin và tiêu chuẩn khó có thể hướng lượng vốn vào các khoản đầu tư tác động đến xã hội ngoài hoạt động dầu tư trên thị trường thông thường.

Đối với các nhà đầu tư

- Xác định mục tiêu: Các mục tiêu phải được trình bày rõ ràng và ngắn gọn. Đặc biệt, các nhà đầu tư cần xem xét liệu mục tiêu chính của mình là tạo ra tác động môi trường – xã hội hay tạo ra lợi nhuận. Nhà đầu tư cần đặt ra một mức độ để đánh giá về tác động thành công. Nhà đầu tư cần quyết định xem có thể đầu tư bao nhiêu và sẵn sàng chịu rủi ro ở mức nào.

- Xác định doanh nghiệp có tiềm năng thúc đẩy tạo ra sự thay đổi. Theo đó, nhà đầu tư cần dành thời gian nghiên cứu doanh nghiệp mục tiêu để đảm bảo rằng, doanh nghiệp đó có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tác động của chính nhà đầu tư trong khi vẫn đem lại mức lợi nhuận thị trường. Đảm bảo rằng doanh nghiệp có tận tâm và đầu tư để đạt được tác động như đã dự đoán để sứ mệnh kinh doanh phù hợp với các mục tiêu xã hội của nhà đầu tư. Cân nhắc xem xét thông tin tài chính của doanh nghiệp so với các công ty khác trong cùng ngành.

- Chọn một bộ số liệu phù hợp để đánh giá doanh nghiệp cụ thể. Trong nhiều năm, nhiều nhà đầu tư né tránh đầu tư tác động vì họ thiếu công cụ và chuyên môn để đánh giá đúng tác động của chúng. Tuy nhiên, trong những năm qua, đã có sự gia tăng của các thước đo để giúp các nhà đầu tư đánh giá tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp của một công ty. Năm 2019, GIIN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn IRIS với mục tiêu tạo ra một phương pháp được sử dụng để giúp các nhà đầu tư biết các chỉ số cần theo dõi, để xác định xem một vấn đề về tài chính, xã hội hoặc môi trường đã được giải quyết hay chưa. Hệ thống đánh giá đầu tư tác động toàn cầu là một thước đo khác đánh giá khoản đầu tư và chất lượng của quỹ đầu tư. Dù nhà đầu tư chọn số liệu nào, thì hãy xác định xem doanh nghiệp có thành công trong việc đạt được các mục tiêu đã định qua việc so sánh đối chiếu với dữ liệu mà doanh nghiệp trình bày cho từng nhà đầu tư./.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp, số 59/2020/QH14, ngày 17/6/2020

2. UNDP, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2018). Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam

3. GIIN (2012). Core Characteristics of Impact Investing

4. GIIN (2019). Impact Investing Trends Report

5. GIIN (2019). IRIS, access to https://iris.thegiin.org/

6. GIIN (2020). Annual Impact Investor Survey

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư