Tránh tạo “khoảng trống” pháp luật trong xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ

12:07 | 13/09/2021 Print
Đề xuất thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được đại biểu Quốc hội, chuyên gia đồng tình.

Đề xuất thu hẹp phạm vi xử lý hành chính

Trước thực tế quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có ý kiến khác nhau, nên Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 309/TTr-CP ngày 27/8/2021, theo Văn phòng Quốc hội.

Tránh tạo “khoảng trống” pháp luật trong xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ
Việc đề xuất thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt là góp phần giảm gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Quốc hội

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa diễn ra, liên quan đến phạm vi xử phạt vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chính phủ trình hai phương án. Phương án 1 là biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Quy định theo hướng này sẽ phải sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Việc đề xuất phương án trên, theo ông Đạt, là do xử lý xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường phức tạp, đòi hỏi tập trung nhiều nguồn lực, thời gian để thu thập chứng cứ, xác minh hành vi xâm phạm, không phù hợp với nguyên tắc tiến hành nhanh chóng của việc xử lý vi phạm hành chính. Quy định này cũng sẽ góp phần giảm gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước và phù hợp với định hướng “tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ” đã được đề ra trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và thực tiễn các nước trên thế giới.

Phương án 2 là giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành. Điều này đồng nghĩa, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Coi chừng làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành với phương án 1, bởi biện pháp xử lý vi phạm hành chính là công cụ được cơ quan nhà nước sử dụng để xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải tội phạm. Biện pháp này có tính chất, phạm vi áp dụng riêng và không xung đột với biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tránh tạo “khoảng trống” pháp luật trong xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, nếu áp dụng Phương án 1 thì có nguy cơ làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước. Ảnh: Quốc hội

Theo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng chục ngàn các vụ xâm phạm quyền bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả (83,5%), các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chiếm tỷ lệ thấp (5,5%). Do đó, nếu loại bỏ biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi về: xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại… sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp và sẽ tạo thách thức không nhỏ cho cơ quan tòa án và đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.

Tránh tạo “khoảng trống” pháp luật trong xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Ảnh: Quốc hội)

Việc thu hẹp phạm vi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tạo ra sự thiếu đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thu hẹp này không thực sự hợp lý trong điều kiện thực tiễn của hệ thống tòa án nhân dân hiện nay chưa có hệ thống toà án chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Trong khi thủ tục tố tụng tại tòa án nặng về thủ tục, chưa đáp ứng tính nhanh chóng, đơn giản như biện pháp hành chính. Việc duy trì biện pháp hành chính hoàn toàn phù hợp với các hiệp định quốc tế mà việt Nam tham gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

“Nếu áp dụng Phương án 1 thì có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật để duy trì trật tự công. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng không yêu cầu hạn chế việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật quốc gia của thành viên...”, bà Phương lưu ý.

Cũng theo bà Phương, quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù, vì việc bảo vệ quyền này không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một hay một số tổ chức, cá nhân mà còn có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng và toàn xã hội. Do đó, việc thu hẹp các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực này với lý do đây là quan hệ dân sự là chưa thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn.

Theo Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng, khi giải quyết vụ việc sở hữu trí tuệ tại tòa án, thì các bên đương sự phải tự cung cấp chứng cứ, mặc dù đương sự có quyền yêu cầu hỗ trợ. Tuy nhiên, với khả năng, điều kiện, trình độ hiện nay, người bị vi phạm rất khó tự thu thập chứng cứ. Trong khi đó, bộ máy hành chính hiện nay như quản lý thị trường, công an kinh tế, các cơ quan thanh tra… am hiểu hơn rất nhiều so với tòa án.

“Lĩnh vực nào nhà nước thực hiện quyền quản lý, mà khi có vi phạm nằm trong phạm vi xử lý vi phạm hành chính thì sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính. Xử lý vi phạm hành chính không loại trừ việc khởi kiện ra tòa án. Đề nghị báo cáo thẩm tra cần phân tích và làm rõ hơn việc xử lý vi phạm hành chính không xung đột với biện pháp dân sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...”, ông Giảng phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Điều 13 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định rõ: người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại, thì phải bồi thường và việc bồi thường thiệt hại thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Như vậy, quy định này cho thấy xử lý vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa án của các bên.

Tránh tạo “khoảng trống” pháp luật trong xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang làm tốt. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, liên quan đến bảo vệ pháp luật, bảo vệ công dân, tổ chức, thì khi vi phạm khách thể nào thì xử lý theo khách thể đó. Khi vi phạm trật tự quản lý nhà nước, kỷ luật công vụ, thì phải chịu trách nhiệm hành chính; khi gây thiệt hại thì phải bồi thường theo trách nhiệm dân sự. Các trách nhiệm này không thể thay thế nhau.

"Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang làm tốt, nay lại đề xuất bỏ đi như vậy là bỏ một phần quản lý nhà nước thì cần cân nhắc...", ông Định lưu ý./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư