Định hướng nghề thành viên HĐQT, “vaccine” cho doanh nghiệp vững tiến

12:03 | 13/09/2021 Print
Chương trình “Định hướng thành viên Hội đồng quản trị - DIP 3” khóa tiếng Việt sẽ được VIOD tổ chức ngày 23&24/9/2021, tiếp tục các nỗ lực đào tạo nhân sự đã, đang và sẽ làm nghề thành viên hội đồng quản trị trong doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tâm thế đúng sẽ dẫn tới hành động đúng

Điểm thú vị của các khóa học về "nghề" thành viên HĐQT là các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ nhiều tình huống trong thực tế phát sinh mà người làm nghề cần hiểu thấu để có phương án xử lý hợp lý, hợp lệ, nhất là với các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp đang niêm yết.

Trước đó, cuối tháng 8/2021, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đã tổ chức thành công khóa đào tạo DIP 2 với sự tham gia hướng dẫn của các chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu về quản trị công ty tại Việt Nam. Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, điều quan trọng nhất với các thành viên HĐQT là cần trang bị đầy đủ các kiến thức pháp luật, thông tin hữu ích, kỹ năng chuyên sâu để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp pháp và góp phần giúp nâng cao tính minh bạch, đạo đức, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Tâm thế đúng sẽ dẫn đến hành động đúng, giúp thành viên HĐQT có thể gánh vác bất kỳ trọng trách nào được giao phó trong công việc dẫn dắt, quản trị công ty”. Ông Hoàng Đức Hùng, sáng lập & Chủ tịch Công ty Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp CGS Việt Nam & Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Công ty cổ phần Gentis chia sẻ. Ông Hoàng Đức Hùng là một trong những người trực tiếp hướng dẫn tại khóa học của VIOD.

Định hướng nghề thành viên HĐQT, “vaccine” cho doanh nghiệp vững tiến
Các chuyên gia hàng đầu về quản trị công ty sẽ định hướng cho những người đã, đang và sẽ làm nghề thành viên HĐQT thực thi tốt và chuẩn mực công việc của nghề

Đại dịch Covid-19 tạo ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để những người lãnh đạo doanh nghiệp nhìn lại và tìm cách tổ chức tốt hơn HĐQT của chính mình cho khát vọng vững tiến trong dài hạn. Bên cạnh kiến thức nền tảng và chuyên sâu, điểm thú vị nhất của các khóa học do VIOD tổ chức là các chuyên gia, nhà quản lý sẽ chia sẻ nhiều tình huống trong thực tế phát sinh mà thành viên HĐQT cần nắm bắt và có phương án xử lý, nhất là với các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK Việt Nam.

TTCK Việt Nam có sự phát triển sôi động và tăng trưởng về điểm số, thanh khoản trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải trải qua khủng hoảng đại dịch Covid-19. Sự sôi động của TTCK tạo cơ hội cho nhà đầu tư, đồng thời cơ hội cho các doanh nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên, thách thức và rủi ro cũng lớn lên cùng cơ hội, nếu các doanh nghiệp chưa được trang bị đủ kiến thức để tổ chức một HĐQT hiệu quả, vững vàng.

Mối quan hệ dễ gặp “trục trặc” nhất trong các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết là giữa cổ đông và Ban lãnh đạo. Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép các cổ đông phổ thông được yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các trích lục thông tin, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác (với cổ đông sở hữu trên 5% vốn)… “Vậy doanh nghiệp phải làm thế nào để xử lý những tình huống thực tiễn một hoặc một số nhóm cổ đông liên tục đơn thư, yêu cầu HĐQT thực thi quyền trích lục thông tin của họ tại doanh nghiệp?”. Bà Tạ Thanh Bình đặt câu hỏi và cho biết, trong thực tế từng xảy ra tình trạng 2 doanh nghiệp đối thủ, trong đó, doanh nghiệp này dùng cổ đông nhỏ liên tục gửi đơn thư đến HĐQT doanh nghiệp kia, nhằm mục tiêu gây rối nội bộ. Theo Luật, khi cổ đông có yêu cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng quyền của họ tương ứng, nhưng đáp ứng như thế nào, đâu là ranh giới để cân bằng giữa một bên là lợi ích cổ đông, một bên là bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và tránh đi những sự xâm phạm có ý đồ, là một trong nhiều tình huống thực tiễn, người làm nghề thành viên HĐQT cần hiểu để có ứng xử thông minh nhất, hợp lý, hợp lệ, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mình.

Học và hiểu nghề qua các câu chuyện thực tiễn

Theo ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc điều hành VIOD, Chương trình DIP được thiết kế nhằm tạo nền tảng căn bản để các nhân sự đã, đang và sẽ làm nghề thành viên HĐQT được trang bị những kiến thức cần thiết nhất về pháp lý, về chuyên môn cho nghề của mình. Từ đó, có thể tiếp tục tiếp cận với các chương trình chuyên sâu, chuyên môn hơn về quản trị công ty.

Trách nhiệm lớn nhất của HĐQT là định hướng chiến lược cho sự phát triển của doanh nghiệp và công việc thường trực của các thành viên HĐQT là phải bỏ phiếu cho các quyết định cụ thể thuộc thẩm quyền của HĐQT. Trong trường hợp doanh nghiệp có cấu trúc cổ đông đa dạng và vấn đề phải quyết có những xung đột lợi ích giữa những nhóm cổ đông, vậy mỗi thành viên HĐQT cần chọn cách ứng xử nào là hợp lý, hợp lệ? Đây cũng là một trong nhiều chủ điểm hữu ích được chia sẻ rất kỹ tại khóa học DIP 2 và sắp tới là DIP 3 do VIOD tổ chức.

TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia quản trị công ty ASEAN, thành viên VIOD cho biết, mỗi doanh nghiệp đều có rất nhiều mối quan hệ ràng buộc và việc của quản trị công ty là “Tạo ra một cơ chế để thông qua đó xác định các mục tiêu của doanh nghiệp, phương tiện để đạt được các mục tiêu đó và theo dõi kết quả thực hiện”. Chẳng hạn, giữa quản trị và quản lý công ty cũng cần phải được phân định rất rõ. Quản trị công ty nhằm mục đích tạo nên lợi nhuận bền vững, đảm bảo bảo vệ giá trị của các cổ đông và các bên liên quan trong dài hạn, còn quản lý công ty nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận cho công ty. Theo đó, mục tiêu của quản lý là hướng tới lợi nhuận và tăng trưởng.

Chính vì sự phức tạp, đan xen lợi ích, trách nhiệm giữa nhiều chủ thể trong cùng một doanh nghiệp, nên câu chuyện về quản trị công ty được nhiều quốc gia quan tâm, đào tạo và thúc đẩy các doanh nghiệp của họ trước Việt Nam từ nhiều thập kỷ. Với Việt Nam, hình thái công ty cổ phần mới được ra đời từ năm 1990 và cho đến khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa hoạt động từ năm 2000, hình thái công ty cổ phần mới dần được biết đến rộng hơn trong công chúng.

Như bà Nguyễn Thu Hiền chia sẻ, điểm số quản trị công ty tại Việt Nam cho đến kỳ chấm điểm gần nhất (năm 2019) vẫn ở vị trí thấp nhất trong khu vực ASEAN. Kỳ chấm điểm sắp tới, dự kiến công bố vào tháng 10-11/2021, Việt Nam mong chỉ số quản trị công ty sẽ cải thiện, nhưng để cải thiện được thì từ cái gốc phải cải thiện. Tức là, từng HĐQT doanh nghiệp, từng con người đang và sẽ là thành viên HĐQT cần hiểu rõ về nghề, về quy định pháp lý, về thông lệ tiên tiến để góp sức nâng tầm doanh nghiệp Việt vươn lên.

Trong đánh giá của Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, “quản trị công ty là một nghề nguy hiểm” vì người hành nghề có rất nhiều ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ, các quy định pháp luật trong khi phải đưa ra những quyết định có khả năng ảnh hưởng và có hiệu lực trong một thời gian lâu dài. Xây dựng chiến lược và giám sát thực thi chiến lược tại doanh nghiệp là những trọng trách lớn, nhưng chưa đủ. Làm cách nào để tạo nên cơ chế ứng xử hài hòa giữa HĐQT với cổ đông, người lao động, chính quyền, khách hàng, báo chí, cộng đồng… là trọng trách không thể xem nhẹ của những người làm nghề HĐQT tại các doanh nghiệp hiện nay.

DIP 3 là chương trình đào tạo tiếp theo của VIOD sau khi tổ chức thành công Chương trình DIP2 vào cuối tháng 8 với phiên bản tiếng Việt. Nhiều ý kiến đánh giá, DIP2 có thể được xem là liều “vaccine” giúp doanh nghiệp kiên cường, vượt qua thử thách đại dịch và tiếp tục trụ vững trên thương trường.

Giám đốc điều hành VIOD, ông Nguyễn Viết Thịnh cho biết, Chương trình DIP được VIOD thiết kế nhằm tạo nền tảng căn bản để các nhân sự đã, đang và sẽ làm nghề thành viên HĐQT được trang bị những kiến thức cần thiết nhất về pháp lý, về chuyên môn cho nghề của mình. Từ đó, có thể tiếp tục tiếp cận với các chương trình chuyên sâu, chuyên môn hơn về quản trị công ty như chương trình Chứng nhận thành viên Hội đồng quản trị (DCP); chương trình Chuyên sâu về Ủy ban Kiểm toán (ACMP); chương trình Chuyên sâu về Thư ký Công ty (CSMP)… hướng tới hoàn thiện hệ thống quản trị công ty với các thông điệp chính về việc bảo công bằng giữa các cổ đông, minh bạch thông tin, phát triển bền vững và hiệu quả./.

Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) là một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp và chuyên sâu về quản trị công ty. VIOD hướng tới vai trò nâng cao tính chuyên nghiệp, gia tăng đạo đức kinh doanh và tính minh bạch, đào tạo thêm nhiều thành viên HĐQT độc lập, đồng thời xây dựng một mạng lưới kết nối các lãnh đạo doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm giúp các công ty giữ vững niềm tin của nhà đầu tư.

VIOD đã nhận được sự hỗ trợ ban đầu từ các bên liên quan chính của Sáng kiến Quản trị Công Ty Việt Nam (VCGI) và đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật từ IFC thông qua Chương trình Quản trị Công ty Việt Nam, cùng với các đối tác là các nhà tài trợ gồm Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Chính phủ Nhật Bản. Chi tiết tại www.viod.vn.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư