Bàn về vấn đề việc làm và người lao động trong nền kinh tế GIG

17:51 | 14/09/2021 Print
Tiến bộ công nghệ kèm theo sự xuất hiện của các nền tảng trung gian, đặc biệt là các nền tảng trực tuyến, không chỉ làm thay đổi cách thức làm việc của người lao động, mà còn làm cho quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động thay đổi. Một người thay vì phục vụ và cống hiến toàn thời gian cho một tổ chức, thì có thể đồng thời cùng một lúc hợp đồng làm việc với nhiều doanh nghiệp. Nền kinh tế bao gồm tất cả các loại công việc được sắp xếp một cách ngẫu nhiên giữa doanh nghiệp và những người lao động hợp đồng như vậy chính là nền kinh tế GIG. Sự phát triển không ngừng của nền kinh tế này trong một vài năm trở lại đây đòi hỏi sự nắm bắt và quản lý kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước. Tìm hiểu về nền kinh tế GIG (GIG Economy), những lợi ích đem lại và yêu cầu đặt ra đối với việc làm và người lao động trong nền kinh tế GIG là mối quan tâm của bài viết này.

NỀN KINH TẾ GIG VÀ LỢI ÍCH CỦA NÓ

Ngày nay, cuộc sống của chúng ta liên tục bị cuốn theo các ứng dụng dịch vụ. Chúng ta sử dụng Grab hay GoViet để đi làm, đến nhà hàng, gặp bạn bè và đến sân bay. Mọi người thuê phòng khách sạn khi đi nghỉ thông qua Airbnb, Agoda hay Traveloka thay vì phương thức đặt phòng truyền thống. Dịch vụ giao đồ ăn Now, Grabfood hay Gofood giúp việc ăn uống tại nhà trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hay Shopee, Lazada, Tiki đang đang trở thành cách thuận tiện nhất để mua hàng tạp hóa và các đồ vật thông thường trong gia đình thay vì đến cửa hàng hay siêu thị. Những người làm việc cho các công ty cung ứng dịch vụ này chính là một phần của nền kinh tế GIG. Vậy, nền kinh tế GIG là gì?

Bàn về vấn đề việc làm và người lao động trong nền kinh tế GIG
Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế GIG tại Việt Nam

Nền kinh tế GIG (được hiểu nôm na là nền kinh tế hợp đồng) bao gồm tất cả các loại công việc được sắp xếp một cách ngẫu nhiên, chẳng hạn công việc của những người làm nghề tự do; chuyên gia tư vấn; các nhà thầu và các chuyên gia độc lập; công nhân hợp đồng tạm thời. Những công việc kiểu này được gọi là công việc hợp đồng và người thực hiện các công việc đó là lao động hợp đồng.

Theo cách tiếp cận như vậy, nền kinh tế GIG rõ ràng không phải là một hiện tượng mới, bởi những người làm nghề tự do, chuyên gia tư vấn hay công nhân hợp đồng tạm thời không phải bây giờ mới xuất hiện, mà đã tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên, trước đây, thành phần làm việc như vậy chiếm tỷ lệ nhỏ và đóng góp không đáng kể vào nền kinh tế. Lý do khiến cho nền kinh tế GIG mới bắt đầu thu hút sự quan tâm bởi các cơ quan quản lý và thực sự bị kiểm soát một vài năm gần đây vì số lượng người tham gia nền kinh tế này ngày càng không ngừng gia tăng. Quả thực, hàng triệu người mỗi năm đang chọn công việc độc lập, tự do thay vì công việc đảm bảo. Hiện tượng này ngày càng phổ biến với cả doanh nghiệp và người lao động. Riêng Uber có hơn 40.000 tài xế ở London. Bên cạnh đó, có 5 triệu người, chiếm 15,6% trong tổng số 32 triệu người làm việc toàn thời gian và bán thời gian hiện đang làm việc trong nền kinh tế GIG ở Anh. Còn tại Mỹ, năm 2018, có 57,3 triệu người làm việc tự do ở Mỹ và được cho là đã đóng góp 1,4 ngàn tỷ USD vào GDP của nước này (Phạm Hoài Nhân, 2020).

Tiến bộ công nghệ được chỉ ra là nhân tố quan trọng giúp hạ thấp các rào cản gia nhập khiến cho các “quan hệ kinh tế hợp đồng” trở nên dễ dàng tiếp cận với một số lượng người nhiều chưa từng có. Khi công nghệ số phát triển, người ta có thể làm việc trực tuyến mà không cần đến văn phòng, từ đó dẫn đến việc một người không cần là nhân viên cố định cho một đơn vị tổ chức và có thể cộng tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức cùng một lúc. Cùng với sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ, các công ty đại diện cho mô hình này, như: Uber, Grab, Airbnb… đã thu hút một loạt người lao động không phải là nhân viên chính thức của mình.

Lực lượng lao động tham gia nền kinh tế GIG phát triển lớn mạnh hơn bao giờ hết. Chỉ trong vòng một vài năm, kinh tế GIG đã phát triển với quy mô nghìn tỷ đô la Mỹ với hàng chục triệu người tham gia. Sở dĩ nền kinh tế GIG ngày càng phát triển vì nó đem lại lợi ích rất lớn cho các bên tham gia. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, sự linh hoạt đối với người lao động và doanh nghiệp là lợi ích kinh tế chính của nền kinh tế GIG. Từ góc độ người sử dụng lao động, khả năng thuê một người nào đó trong một khoảng thời gian ngắn có thể là một lợi ích lớn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ không thể thuê nhân viên làm việc toàn thời gian để thực hiện một số công việc nhất định. Đối với những lao động hợp đồng, họ có thể kiếm được mức lương đáng kể trong khi có thể thiết lập giờ làm việc của riêng mình. Tính linh hoạt là lý do quan trọng nhất khiến những người này chọn công việc phi truyền thống.

Thứ hai, sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung gian, đặc biệt là các nền tảng trực tuyến, như: Grab, Now và Lazada… đã mở rộng cơ hội cho lực lượng lao động hợp đồng, đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp cơ hội lớn hơn trong việc tìm kiếm người lao động với các kỹ năng cụ thể mà họ cần. Công việc phi truyền thống cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, tiếp cận nguồn lao động với các kỹ năng chuyên môn đặc biệt. Trong khi đó, nếu không có thị trường lành mạnh cho các công việc hợp đồng, các doanh nghiệp này có thể phải thuê nhân viên toàn thời gian, từ đó làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp. Nói cách khác, các nền tảng trung gian cùng với ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng gặp nhau hơn.

Thứ ba, những công việc hợp đồng cũng tạo ra hiệu quả bằng cách cho phép người lao động cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho nhiều khách hàng, giúp khách hàng có thể hưởng lợi từ kỹ năng đặc biệt mà những người lao động này có.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC LÀM VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NỀN KINH TẾ GIG

Bên cạnh việc mang lại lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp, nền kinh tế GIG đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề. Cụ thể:

Một là, đối với nền kinh tế GIG, rất khó phân loại rõ ràng đâu là một phần của nền kinh tế này và đâu là không. Đối với nhiều người tham gia nền kinh tế GIG, các công việc hợp đồng cho phép họ bổ sung thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên, có một số người kiếm sống chính bằng các công việc này. Nhóm này bao gồm các chuyên gia có tay nghề cao, hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác nhau. Họ cũng có thể là những người có gia đình cần phải chăm sóc và họ không có lựa chọn nào khác để kiếm sống.

Trong vài năm qua, các báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau đã công bố những thông tin trái ngược nhau về kinh tế GIG. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, trong năm 2018, lao động làm việc trong nền kinh tế GIG chỉ chiếm 6,9% trong toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, một số tổ chức lại cho rằng, người lao động trong nền kinh tế GIG được cho là đã đóng góp 1,4 ngàn tỷ USD vào GDP của nước Mỹ năm 2018 (Phạm Hoài Nhân, 2020). Những mâu thuẫn này có thể bắt nguồn từ việc ai được coi là một phần của nền kinh tế GIG và ai không thuộc nền kinh tế này.

Hai là, nền kinh tế GIG khiến cho sự an toàn của một công việc có lương thưởng ổn định bị xóa bỏ. Người lao động phải gánh chịu nhiều hơn rủi ro thị trường khi xảy ra những thăng trầm kinh tế, hoặc đơn giản là thay đổi sở thích của người tiêu dùng. Chẳng hạn, với những người tài xế Grab, việc giảm nhu cầu đi lại của người sử dụng dịch vụ chỉ trong một đêm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền mà một người sẽ kiếm được trong một ngày.

Ba là, mối quan hệ lâu dài giữa người lao động, người sử dụng lao động, khách hàng và nhà cung cấp bị xói mòn do tính chất lỏng lẻo của các giao dịch và mối quan hệ kinh tế. Điều này làm mất đi lợi ích từ việc xây dựng niềm tin lâu dài, thông lệ, sự quen thuộc với khách hàng và nhà tuyển dụng. Trong nền kinh tế GIG, lao động hợp đồng không được coi là người lao động cho bất kỳ một công ty nào. Những người này phải tự đóng thuế, tự tìm và trả tiền bảo hiểm y tế, thậm chí tự tiết kiệm để nghỉ hưu. Sự kết hợp của tất cả các yếu tố này tạo thêm gánh nặng cho những người lao động. Trong khi đó, nếu làm việc trong nền kinh tế truyền thống, họ thường không phải bận tâm đến những vấn đề này. Sự thiếu an toàn trong quá trình làm việc và quyền của người lao động là những vấn đề nghiêm trọng nhất có thể nảy sinh khi tham gia vào nền kinh tế GIG. Việc bóc lột nhân viên hợp đồng có thể là một vấn đề tiềm ẩn, bởi vì, không giống như nhân viên truyền thống, ở hầu hết các nơi, nhân viên hợp đồng không có quyền thành lập công đoàn và thương lượng tập thể theo luật lao động. Nếu một nền tảng trung gian nào đó có thể phát triển “sức mạnh độc quyền” (nghĩa là, nếu nó trở nên thống trị đến mức không bị cạnh tranh trên thị trường lao động), thì đây sẽ là một mối lo ngại nghiêm trọng.

Việc Grab thôn tính Uber vào năm 2018 trước khi GoViet hay Bee xuất hiện ở Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của tài xế Grab. Tuy nhiên, hiện tại, sự xuất hiện của các nền tảng công nghệ mới đã giúp cho tạo ra sự cạnh tranh sôi động đối với những người lao động này và nhiều người trong số họ đang hoạt động trên nhiều nền tảng. Chẳng hạn, nhiều tài xế Grab cũng lái xe cho GoViet và Bee.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có số liệu điều tra cụ thể về nền kinh tế GIG, nhưng các nhà quản lý, lập pháp và người sử dụng lao động đều cần có cách tiếp cận toàn diện để quản lý những vấn đề phát sinh khi nền kinh tế GIG phát triển và trở nên quan trọng.

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có số liệu điều tra cụ thể về nền kinh tế GIG. Tuy vậy, có thể thấy rõ là lực lượng lao động tham gia nền kinh tế GIG đang ngày một đông đảo. Hơn nữa, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế GIG tại Việt Nam một cách mạnh mẽ. Nhất là việc giãn cách xã hội và khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất đã làm gia tăng đáng kể số lượng các lao động tự do tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ vận tải (taxi, xe ôm, vận chuyển hàng, giao đồ ăn...) của Grab, Gojek, Lalamove, Ahamove, Bee... Do đó, tác giả nêu lên một số đề xuất đối với các cơ quan quản lý nhà nước và người lao động trong nền kinh tế GIG như sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra chính sách mới để điều chỉnh và quản lý kinh tế GIG. Như vậy, khi nền kinh tế GIG càng phát triển, tức là khi ngày càng có nhiều người lao động chuyển đổi sang nền kinh tế GIG, Chính phủ càng cần phải sớm có những phản ứng phù hợp để đảm bảo những người lao động dễ bị tổn thương được bảo vệ.

Sự gia tăng lực lượng lao động hợp đồng đòi hỏi lợi ích cho những người lao động này phải tương đương với những lợi ích được cung cấp cho những nhân viên truyền thống. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra các chính sách để làm cho lợi ích linh hoạt hơn, cho phép người lao động bảo lưu lợi ích và sử dụng những lợi ích này khi tham gia vào công việc hợp đồng. Điều này có thể nâng cao tính linh hoạt của thị trường lao động.

Một vấn đề gây tranh cãi về chính sách đối với lao động hợp đồng là chủ đề phân loại người lao động xem họ thuộc lực lượng lao động truyền thống hay lao động hợp đồng. Việc kiện tụng liên quan đến việc phân loại sai lao động rất phức tạp và cần phân tích cẩn thận. Vấn đề đáng lo ngại là khả năng những doanh nghiệp sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh của họ để tránh khả năng những người lao động hợp đồng có thể được phân loại là nhân viên truyền thống. Chẳng hạn, Grab hay GoViet có thể giới hạn số lượng chuyến xe mà tài xế có thể thực hiện trong một tuần để hạn chế khả năng họ có thể được coi là nhân viên truyền thống để được hưởng đầy đủ quyền lợi của nhân viên. Về mặt nguyên tắc, nếu các thị trường lao động là cạnh tranh thì mức lương thưởng nên được điều chỉnh để những người lao động cho dù là hợp đồng hay truyền thống được trả mức lương như nhau cho dù họ được phân loại như thế nào. Vì vậy, các nhà quản lý, lập pháp và người sử dụng lao động đều sẽ cần phải có cách tiếp cận toàn diện để quản lý những vấn đề này và các vấn đề khác sẽ phát sinh khi nền kinh tế GIG tiếp tục phát triển và trở nên quan trọng.

Đối với người lao động trong nền kinh tế GIG

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, khả năng làm việc trực tuyến ngày càng thuận tiện hơn chắc chắn cũng sẽ dẫn đến nhiều người tham gia làm việc theo phương thức này, đồng nghĩa với việc tham gia nền kinh tế GIG. Tuy nhiên, như đã chỉ ra, nền kinh tế GIG có những mặt trái và nhiều rủi ro. Người lao động tham gia vào nền kinh tế GIG cũng phải cân đối lợi ích đạt được và những rủi ro có thể gặp phải. Họ dễ bị tổn thương trên ít nhất ba mặt: rủi ro vật lý, rủi ro pháp lý và rủi ro nền tảng. Những người lao động trong nền kinh tế GIG có thể gặp nguy hiểm về thể chất, bị tấn công hoặc bị quấy rối tình dục mà hoàn toàn không được bảo vệ.

Trong nền kinh tế GIG, bối cảnh thương mại toàn cầu hóa và tự động hóa, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc trở thành yếu tố bắt buộc. Ngoài ra, để tránh khỏi nguy cơ bị đào thải bởi: trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính và Robot…, thì người lao động cần trang bị các kỹ năng quan trọng, bao gồm: kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, hợp tác, giao tiếp, tự hoàn thiện bản thân và kiến thức công nghệ. Đây được xem là định hướng đào tạo quan trọng trong tương lai, giúp người lao động có tâm thế tự tin, sẵn sàng ứng phó trước mọi khó khăn và thách thức./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Hoài Nhân (2020). Nền kinh tế Gig Phải chăng là xu thế làm việc mới?, truy cập từ http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202002/nen-kinh-te-gig-phai-chang-la-xu-the-lam-viec-moi-2988275/

2. Iona (2019). Problems within the GIG economy, access to https://www.ionajournal.ca/exchange/2019/2/25/problems-within-the-gig-economy

3. Megan Breen (2020). Protecting workers in the gig economy, access to https://www.intheblack.com/articles/2020/10/01/protecting-workers-gig-economy

4. Paul Oyer (2017). Labor and Employment Issues in the Gig Economy: Q&A with Professor Paul Oyer, access to https://www.analysisgroup.com/labor-and-employment-issues-in-the-gig-economy/

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư