Ngành KHĐT triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua giai đoạn 2021-2025

17:57 | 17/09/2021 Print
Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua ngành Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2021-2025 nhằm cụ thể hóa và phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025.

Ngày 17/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua Ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị.

Ngành KHĐT triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua giai đoạn 2021-2025
Toàn cảnh Hội nghị triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua Ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025

9 nội dung lớn trong Chương trình hành động của ngành Kế hoạch và Đầu tư

Tại Hội nghị, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, Chương trình hành động và kế hoạch thi đua ngành Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2021-2025 nhằm cụ thể hóa và phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

Chương trình hành động của ngành Kế hoạch và Đầu tư nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

Chương trình hành động ngành Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, theo đó có 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.

Thứ nhất, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KTXH.

Thứ hai, về xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Các đơn vị chủ động, tích cực rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực được giao phụ trách, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và kịp thời; gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thực hiện với kiểm tra, giám sát hiệu quả thi hành pháp luật”, ông Trung cho biết.

Trong đó, đẩy mạnh rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc, nhất là về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu... để tháo gỡ những "điểm nghẽn" và giải quyết những vấn đề tồn đọng, gây thất thoát, lãng phí, giải phóng nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.

Nâng cao chất lượng phân tích, dự báo, cảnh báo; hoàn thiện hệ thống thông tin, thống kê. Theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ tư, về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Có giải pháp thu hút tối đa, đa dạng hóa hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Kiểm kê, đánh giá, thống kê, hạch toán đầy đủ các nguồn lực của nền kinh tế. Ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia.

Thứ năm, tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thực hiện đột phá chiến lược phát triển KTXH đất nước.

Thứ sáu, tăng cường liên kết mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối với các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới chuyên gia người Việt Nam trong và ngoài nước. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Thứ bảy, tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức cán bộ của các cơ quan, đơn vị trong Ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, trong sạch, đoàn kết, vững mạnh. Nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.

Thứ tám, xây dựng Đảng bộ và các cơ sở đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và cán bộ. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của bí thư cấp ủy, người đứng đầu, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, học hỏi, nói đi đôi với làm.

Thứ chín, thực hiện tốt công tác dân vận, quy chế dân chủ cơ sở, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Thực hiện nghiêm quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Củng cố tổ chức, bộ máy, cán bộ, đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan báo chí ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Cùng với 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động đã giao cụ thể 63 chương trình/đề án/nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện.

Ngành KHĐT triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua giai đoạn 2021-2025
Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân báo cáo về Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua ngành Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Đức Trung

3 nội dung chủ yếu của Kế hoạch thi đua

Ông Đỗ Thành Trung cũng cho biết, kế hoạch thi đua ngành Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2021-2025 gồm các nội dung triển khai đồng bộ, nhằm phấn đấu thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ tại Chương trình hành động và các nhiệm vụ khác được giao.

Ông Trung nêu rõ 3 nội dung chủ yếu của Kế hoạch thi đua gồm:

Một là, các đơn vị phải thường xuyên, liên tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ, ngành Kế hoạch và Đầu tư về công tác thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH hàng năm và Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua nghiêm túc, đồng bộ, xuyên suốt, sâu rộng với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng đơn vị, từng địa bàn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo thành phong trào, hành động cách mạng, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc.

Hai là, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong đó trọng tâm là thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH của kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội và các phong trào thi đua khác như: Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, phong trào thi đua đặc biệt “Phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” và các phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động như “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch và Đầu tư thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”, “Cán bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Ba là, đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong gương mẫu của Bí thư cấp ủy và người đứng đầu các đơn vị trong toàn Ngành. Khen thưởng phải bám sát thi đua thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của từng đơn vị, địa phương gắn với việc giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc của đời sống xã hội, những việc làm tốt, những sáng kiến mang lại hiệu quả cao.

“Đặc biệt cần quan tâm chú trọng tuyên truyền các mô hình hay, hiệu quả, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho các thế hệ trong Ngành, nhằm khơi dậy niềm tự hào, học hỏi, tiếp nối của các thế hệ trong Ngành, đặc biệt là thế hệ trẻ”, ông Trung nhấn mạnh.

Ngành KHĐT triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua giai đoạn 2021-2025
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Đức Trung

Tiên phong gương mẫu, đồng lòng thực hiện Kế hoạch thi đua

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chủ đề phong trào giai đoạn 2021-2025 là “Toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư đoàn kết, tiên phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo, đồng hành cùng Chính phủ chủ động chiến thắng dịch bệnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng đề nghị toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành thực hiện 3 nội dung.

Một là, hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Hai là, hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt theo phát động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ba là, huy động sức mạnh, trí tuệ tập thể; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, đoàn kết đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; cam kết quyết tâm hành động hiệu quả các nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra với phương châm “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trước dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách”.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, kể từ năm 2020 đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực liên tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm gia tăng khó khăn cho hoạt động kinh tế trên bình diện toàn cầu.

Ngành KHĐT triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua giai đoạn 2021-2025

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trở thành một hình mẫu về tham mưu cải cách thể chế kinh tế ở khu vực, được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tín nhiệm, ủng hộ giữ vị trí Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự mở rộng APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025".

- Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương-

Đối với nền kinh tế Việt Nam, dịch bệnh COVID cũng đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sàng lọc doanh nghiệp, sụt giảm của khu vực dịch vụ… Nhìn lại những khó khăn, bất định ấy để thấy những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta thời gian qua là thực sự có ý nghĩa. “Những kết quả có được một phần quan trọng từ sự đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội”, bà Minh phát biểu.

Bà Minh chỉ rõ 2 điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của Bộ thời gian vừa qua. Thứ nhất, Bộ đã giữ được sự bao quát, quyết liệt và khoa học để có những đánh giá, kiến nghị, chuẩn bị các kịch bản điều hành và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, kịp thời, dù bối cảnh trong nước và quốc tế thay đổi khá nhanh và phức tạp. Thứ hai, Bộ không ngừng nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để có những tham mưu cho Chính phủ giữ đà cải cách thể chế kinh tế ngay cả trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

“Qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trở thành một hình mẫu về tham mưu cải cách thể chế kinh tế ở khu vực, được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tín nhiệm, ủng hộ giữ vị trí Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự mở rộng APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Chương trình này đã được Hội nghị Bộ trưởng Cải cách cơ cấu APEC thông qua vào tháng 6 vừa qua”, bà Minh cho biết.

Hướng tới một giai đoạn cải cách và phát triển mới, Chương trình hành động của ngành Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện rõ ràng, sắc nét những trọng tâm công tác phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

“Để đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Ngành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng các đơn vị trong Bộ sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất những chính sách mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước hướng tới một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường”, bà Minh khẳng định.

Tin tưởng rằng Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua của ngành Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và sự quyết tâm thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành, sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực, bà Minh khẳng định: “Chúng ta sẽ cùng đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục là hình mẫu về thúc đẩy cải cách và phát triển”.

Bày tỏ sự nhất trí cao với Quyết định số 1274/QĐ-BKHĐT ngày 13/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua ngành kế hoạch và đầu tư giai đoạn 2021-2025, ông Vương Đình Thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang khẳng định, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tiếp tục phát huy truyền thống tiên phong trong công tác đổi mới, sáng tạo, cải cách hành chính, tham mưu, đề xuất xây dựng Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước về đầu tư công cũng như tham mưu xây dựng thể chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, ông Vương Đình Thảo khẳng định sẽ sớm hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, thay mặt ngành Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở cam kết nghiêm túc triển khai phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng phát động. Đại diện cán bộ, công chức, người lao động Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Trưởng ban Bùi Minh Trí cũng khẳng định, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan, đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy tính tiên phong gương mẫu, đổi mới sáng tạo trong tham mưu đề xuất xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước về Khu công nghiệp; tham gia góp ý xây dựng thể chế, chính sách, chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Công Thạnh, quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng cho biết, hàng năm, Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành tốt kế hoạch công tác do Tổng cục Thống kê giao và đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương. "Thực hiện Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua ngành Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể là 9 nhiệm vụ, nội dung Chương trình hành động chủ yếu và 5 nội dung Kế hoạch thi đua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng cam kết triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua giai đoạn năm 2021 - 2025", ông Thạnh khẳng định./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư