e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Vì sao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp?

08:53 | 23/09/2021 Print
“Kết quả của Đoàn giám sát phải lý giải rõ vì sao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu.

Tập trung giám sát 4 nhóm vấn đề

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

Vì sao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp?
Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, nội dung giám sát được tập trung vào 4 nhóm nội dung chính. Ảnh: Quốc hội

Theo Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Dương Thanh Bình, nội dung giám sát được tập trung vào 4 nhóm nội dung chính.

Thứ nhất, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của cơ quan, người có thẩm quyền.

Thứ hai, tình hình, kết quả thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ ba, đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong thực hiện các nội dung thứ nhất và thứ hai nêu trên.

Thứ tư, các giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các Bộ luật tố tụng: dân sự, hình sự, hành chính và các quy định của pháp luật chuyên ngành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…; kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.

Cũng theo ông Bình, Đoàn giám sát đã xây dựng 9 dự thảo Đề cương báo cáo. Trong đó, dự thảo đề nghị các cơ quan tập trung báo cáo các nội dung như: kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; giải pháp, kiến nghị...

Chỉ rõ nơi nào còn yếu

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH cơ bản tán thành với Báo cáo về nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là một trong những chuyên đề giám sát quan trọng của UBTVQH. Nội dung của Đoàn giám sát liên quan đến nhiều cơ quan của Quốc hội, cơ quan tư pháp, cơ quan của Chính phủ, do đó cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đoàn giám sát và các cơ quan có liên quan.

Vì sao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, qua giám sát phải chỉ ra được những nơi nào còn yếu kém. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, kết quả của Đoàn giám sát phải trả lời, cũng như lý giải rõ vì sao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài… Lý giải nguyên nhân chủ quan, khách quan, mặc dù đã có quy định pháp luật nhưng công tác tiếp công dân vẫn chưa đi vào nề nếp? Thông qua Đoàn giám sát lần này, phải hình thành được dữ liệu ban đầu cho việc cung cấp cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo sau này; có sự phân loại theo từng lĩnh vực, địa bàn, mức độ quan trọng của từng vụ việc… Đồng thời, qua giám sát cũng phải chỉ ra được những nơi làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nơi nào còn yếu kém.

“Kết quả của cuộc giám sát phải kiến nghị được cho UBTVQH, Quốc hội rõ vấn đề ràng buộc trách nhiệm, thời hạn giải quyết những vụ việc cụ thể. Đối với một số vụ việc phức tạp phải chọn ra để các cơ quan liên ngành giải quyết, không để tồn đọng các vụ việc kéo dài. Phải có những kiến nghị, đề xuất hết sức cụ thể, tạo chuyển biến căn bản, bước đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo….”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là chuyên đề giám sát quan trọng, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, liên quan đến nhiều cơ quan, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp… Do đó, việc xác định rõ mục đích, yêu cầu là cơ sở để Đoàn giám sát đảm bảo đạt mục tiêu đề ra./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư