Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phấn đấu tăng 3%-4%

10:18 | 01/10/2021 Print
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm, khi đó, dự đoán, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3%-4% so với năm 2020 (chỉ tiêu của ngành tăng 8%).

9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ

Trong tháng 9, dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 6,5% so với tháng trước và giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa… đã ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chung của cả nước (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các địa phương này chiếm tỷ trọng khoảng 50% - 60% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước).

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phấn đấu tăng 3%-4%
Nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội trong tháng 9/2021, nên các hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ… bị hạn chế

Nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chị thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, xúc tiến thương mại… bị hạn chế.

Doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống đều giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu chủ yếu chỉ tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.

Vì vậy, 9 tháng năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 2779,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,54% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và giảm 3,38% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 279,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng mức và giảm 22,14% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,63 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,14% tổng mức và giảm 63,95% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 303,97 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,03% tổng mức và giảm 19,37% so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ vọng nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa

Thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm mục tiêu trong mọi hoàn cảnh không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.

Tuy nhiên, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị.

Do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương có khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.

Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã có các văn bản đề nghị các địa phương rà soát, tuân thủ và thực hiện thống nhất, xuyên suốt theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ không đặt ra bất kỳ điều kiện nào của riêng mình làm cản trở lưu thông vật tư, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Bộ Công Thương cho biết, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm.

Cùng với đó, là việc triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”... thì phấn đấu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3%-4% so với năm 2020 (chỉ tiêu của ngành tăng 8%)./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư