e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Giá giấy tăng phi mã ở tất cả các phân khúc

11:48 | 04/10/2021 Print
Tại châu Âu, giấy đang tăng giá phi mã ở tất cả các phân khúc: giấy in báo in sách, giấy carton bao bì, bột giấy, và ngay cả giấy vụn báo cũ cũng đang tăng mạnh.

Châu Âu: giá giấy tăng phi mã ở tất cả các phân khúc

Nhu cầu giấy carton làm bao bì tăng mạnh, trong lúc chi phí sản xuất tăng cao, đã tạo nên sốt giá chưa từng thấy. Đài truyền hình Việt Nam vừa ghi nhận diễn biến này.

Tại Italia, hai trang Kinh tế của tờ Corriere della Sera phát hành tại đây khi phân tích đà tăng của các nguyên liệu, đã ngạc nhiên nhận thấy, giấy là sản phẩm mà châu Âu không hề lệ thuộc vào nhập khẩu, ấy vậy mà giá vẫn tăng vọt. “Giá giấy và carton tăng 70%”, như đầu đề đoạn báo. Chỉ “trong 6 tháng đầu năm nay, bột giấy để sản xuất giấy in và bìa cứng đã lên giá từ 60% đến 70% tuỳ loại”. “Giá giấy báo cũ và carton tái chế cũng tăng kỷ lục, gần gấp rưỡi, một tấn giấy vụn nay có giá 155 euro, bìa cứng thu gom cũng bán được với giá 170 euro/tấn”.

Giá giấy tăng phi mã ở tất cả các phân khúc
Hãng Amazon của Mỹ đã mua gom hầu như toàn bộ lượng bìa carton mà châu Âu xuất khẩu
Nhu cầu về giấy của châu Á và Mỹ tăng mạnh, đặc biệt là bìa carton làm bao bì, do mua sắm qua mạng tăng đột biến kể từ khi có đại dịch.

Châu Âu có công nghiệp sản xuất giấy rất phát triển, bây giờ thì giấy chưa tới mức khan hiếm, nhưng giá vẫn cao theo thị trường thế giới. VTV ghi nhận từ tờ Kurier ra tại Áo cho biết, một số nguyên nhân tạo nên cơn sốt giá hiện nay. Trước hết là “thiếu nguồn giấy cũ, giấy vụn thu gom”. Trong suốt hơn một năm qua, do đại dịch, cho nên các doanh nghiệp không cần in ấn quảng cáo, lượng báo in bán ra sạp cũng giảm mạnh. “Giấy cũ giấy vụn suy giảm dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy giấy”, bởi vì 3/4 nguyên liệu làm giấy là từ giấy cũ tái chế. Cùng lúc, “nhu cầu về giấy của châu Á và Mỹ tăng mạnh”, đặc biệt là bìa carton làm bao bì, do mua sắm qua mạng tăng đột biến kể từ khi có đại dịch. Hãng Amazon của Mỹ đã mua gom hầu như toàn bộ lượng bìa carton mà châu Âu xuất khẩu. Lý do cuối cùng là “mua hoá chất, trả tiền điện, tất cả chi phí sản xuất giấy đều tăng”.

Tại Đức, trong các nguyên nhân trên thì thiếu nguyên liệu là chủ yếu, theo tờ báo Đức Markische Oderzeitung. Bài trên báo này viết: “Ngành công nghiệp của Đức sản xuất giấy văn phòng và bìa carton đang phải hoạt động cầm chừng”. “Nước Đức thậm chí đã buộc phải nhập khẩu giấy phế liệu”. Từ năm ngoái, các nhà máy giấy lao vào sản xuất carton bao bì, bởi vì lợi nhuận từ bìa cứng cao hơn hẳn, và đồng thời giảm sản lượng giấy in văn phòng. Phát ngôn viên của Hiệp hội các nhà xuất bản Đức nói với tờ báo rằng “áp lực giá đang đè nặng” lên giấy in sách báo.

Tại Séc, Một số nhà xuất bản đã buộc phải hoãn ra sách, do không chịu nổi giá giấy in. Nhật báo Lidové noviny viết rằng, tập đoàn xuất bản lớn nhất của Cộng hoà Séc cũng “đang phải đối mặt với công suất bị hạn chế do giá giấy in tăng cao, không thể theo kịp thời hạn giao hàng”.

Việt Nam: Nhà nước nên mở cơ chế phát triển ngành bột giấy

Tại Việt Nam, chia sẻ với báo chí mới đây, Hiệp hội giấy bao bì Việt Nam cho biết, tình hình nguyên liệu hiện đang rất căng thẳng và nhiều DN đang rơi vào tình trạng kinh doanh khó khăn, thua lỗ. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì chủ yếu là các loại giấy nhưng trong 3 tháng gần đây giá giấy đã tăng rất mạnh. Trung bình giá nguyên liệu trong nước như giấy kiện đã tăng đến 40-50%, còn giấy ngoại nhập cũng tăng từ 20-40%.

Điều đáng lo hơn, giá giấy tăng cao nhưng không có hàng để mà mua, khó khăn và khan hiếm nguồn cung giấy nguyên liệu đang là tình trạng chung của nhiều nước. Giá hiện đã lên cao nhưng muốn mua cũng không có, các nước ASEAN khi nhận được đặt hàng đều không thể đáp ứng do nhu cầu trong nước họ tăng cao và chính sách hạn chế xuất khẩu để bảo vệ môi trường. Trong khi đó, nguồn nhập khẩu từ Nhật là khả dĩ nhưng thuế nhập khẩu quá cao đến 25%. Nguồn hàng trong nước hiện nay không đủ cung cấp do chúng ta có quá ít cơ sở sản xuất giấy phục vụ cho sản xuất bao bì.

Nếu kéo dài tình trạng này thì các DN bao bì sẽ phá sản. Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ còn cách là DN và Nhà nước cùng nhau chia sẻ. Do giá đầu vào tăng, DN nào cũng khó khăn thì cùng nhau chia sẻ để qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, trong tình giá giấy tăng, Nhà nước nên tính đến việc giảm thuế nhập khẩu giấy tạm thời. Việc giảm thuế sẽ giúp DN dễ dàng nhập khẩu giải quyết vấn đề khan hiếm nguyên liệu và giảm chi phí giá thành. Nếu không, DN bao bì gặp khó, các nhà sản xuất và xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng do giá thành sản phẩm xuất khẩu sẽ tăng lên.

Theo nhiều ý kiến, việc đầu tư một nhà máy bột giấy, sản xuất giấy quy mô... tuy cần nhiều vốn nhưng các DN trong nước hoàn toàn có thể hợp sức để làm. Vấn đề cần thiết là một chính sách cụ thể của Nhà nước để hỗ trợ phát triển ngành này, vì việc phát triển liên quan đến các chính sách về trồng và khai thác nguyên liệu, bảo vệ phát triển rừng... mà điều này nằm ngoài khả năng của các DN.

Thực tế, sản xuất và xuất khẩu càng phát triển thì nhu cầu bao bì càng lớn, ngành sản xuất bao bì có cơ hội phát triển tốt trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xin giấy phép đầu tư vào sản xuất giấy vì nhận thấy tiềm năng về tiêu thụ cũng như khả năng phát triển và cung cấp nguyên liệu của Việt Nam. Trong khi đó, DN trong nước cũng có nhu cầu và có khả năng thì nên có chính sách tạo điều kiện để phát triển./.

Thiên Phúc

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư