Quý III, thu ngân sách nhà nước tiếp tục giảm mạnh

11:11 | 11/10/2021 Print
Nền kinh tế, doanh nghiệp “ngấm sâu" những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, khiến thu ngân sách nhà nước giảm mạnh.

Các nguồn thu lao dốc

“Thu nội địa do ngành Thuế thực hiện trong 9 tháng đầu năm nay là 907.312 tỷ đồng, đạt 81,2%, bằng 107,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình đáng lo ngại khi số thu các tháng gần đây liên tục giảm. Số thu nội địa trong tháng 9/2021 đạt 60.500 tỷ đồng (trong đó có khoảng 3.000 tỷ đồng thu phát sinh), giảm khoảng hơn 9.000 tỷ đồng so với tháng 8/2021; nếu không tính khoản thu phát sinh, thì số giảm này lên tới 12.000 tỷ đồng...”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách 9 tháng và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, theo Bộ Tài chính.

Quý III, thu ngân sách nhà nước tiếp tục giảm mạnh
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, tình hình thu ngân sách nhà nước đáng lo ngại khi số thu các tháng gần đây liên tục giảm. Ảnh: GDT

Số thu ngân sách tính theo quý từ đầu năm đến nay đang giảm nhanh. Nếu như quý I thu đạt 369.688 tỷ đồng, thì quý II giảm còn 289.717 tỷ đồng và đến quý III giảm mạnh còn gần 246.000 tỷ đồng…

Theo Tổng cục Thuế, triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2021, đến cuối tháng 9/2021, đã có 138.984 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất (trong đó có 119.508 doanh nghiệp và 19.476 hộ, cá nhân kinh doanh); với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn là 78.108 tỷ đồng.

Về nguyên nhân khiến thu ngân sách suy giảm, ông Tuấn cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp từ tháng 4/2021 và lan rộng ra các tỉnh phía Nam từ tháng 7/2021, đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý thuế của ngành, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý nợ. Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, ngành Thuế thực hiện thu hồi 22.000 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng, bằng 73,1% kế hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến số thu nợ giảm mạnh qua từng tháng: tháng 8 thu đạt 2.090 tỷ đồng, tháng 9 chỉ ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm tới trên 1.500 tỷ đồng so với bình quân 7 tháng đầu năm nay.

Không chỉ thu nội địa giảm, mà đáng báo động là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng trong tình cảnh tương tự. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, số thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu tháng 9/2021 thấp hơn các tháng 7-8/2021 lần lượt là 11.000 tỷ đồng và 3.900 tỷ đồng…

Kế hoạch thu ngân sách bị thách thức

Tình trạng thu ngân sách liên tục sụt giảm như trên, đang khiến việc hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm nay gặp thách thức lớn. Theo ông Cao Anh Tuấn, dự toán thu ngân sách nhà nước ngành Thuế quản lý trong năm 2021 là 1.167.400 tỷ đồng, nên để hoàn thành kế hoạch này, quý IV/2021 phải thu tối thiểu 260.400 tỷ đồng, nghĩa là bình quân phải thu 86.800 tỷ đồng/tháng. Đây là con số rất thách thức, nên đòi hỏi cơ quan thuế phải tìm nhiều giải pháp đánh giá rõ các khoản thu, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế tiếp tục bám sát diễn biến thu ngân sách theo từng khoản thu, sắc thuế, tích cực đôn đốc các tổ chức nộp khoản thuế đã hết thời gian gia hạn (khoảng 42.300 tỷ đồng); tăng cường đơn đốc thu hồi nợ thuế. Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đôn đốc thu các khoản thuộc ngân sách trung ương như: tiền sử dụng đất; thu phí, lệ phí trung ương; thu cổ tức, lợi nhuận còn lại….

Để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước qua hoạt động xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Cẩn, cho hay, những tháng cuối năm, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện các giải pháp chống gian lận thương mại và chống thất thu; thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước được giao.

Quý III, thu ngân sách nhà nước tiếp tục giảm mạnh
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tập trung quản lý thu ngân sách, tránh thất thu. Ảnh: MOF

Nhìn nhận 9 tháng đầu năm nay ngành Tài chính cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu tới đây, các đơn vị cần tập trung quản lý thu ngân sách, tránh thất thu; chi ngân sách đảm bảo triệt để tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo kịp thời kinh phí chống dịch; triển khai kịp thời các gói chính sách kích cầu, tăng trưởng kinh tế. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của ngành cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ mang tính mũi nhọn, thúc đẩy phát triển.

“Đề nghị các đơn vị cần chủ động rà soát công việc, qua quá trình chỉ đạo, điều hành kịp thời dự báo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ phát hiện những lỗ hổng trong quản lý để có các biện pháp quản lý phù hợp hơn…”, ông Phớc yêu cầu./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư