Liên Bộ Công thương - Tài chính: Sẽ có phương án để tối ưu hóa giá bán lẻ xăng dầu

16:23 | 11/10/2021 Print
Căn cứ tình hình thực tế của Quỹ BOG tại thời điểm hiện nay, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính cho biết, chắc chắn sẽ tính đến phương án tối ưu nhất để đảm bảo giá bán lẻ trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Giá dầu thế giới tăng mạnh tác động đến giá xăng dầu thành phẩm

Hôm nay (ngày 11/10), giá dầu WTI đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang làm rung chuyển thị trường.

Giá nhiên liệu như than đá và khí đốt tự nhiên đang tăng vọt ở châu Âu và châu Á, thúc đẩy sự chuyển đổi sang các sản phẩm dầu như dầu diesel và dầu hỏa.

Giá dầu WTI đã tăng gần 30% kể từ giữa tháng 8 khi cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng. Saudi Aramco ước tính, tình trạng thiếu khí đốt đã làm tăng nhu cầu dầu khoảng 500.000 thùng/ngày, trong khi Goldman Sachs dự báo, mức tiêu thụ thậm chí còn tăng cao hơn. Lo ngại càng gia tăng sau khi Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, họ không có kế hoạch khai thác nguồn dự trữ dầu của quốc gia "vào thời điểm này".

Bên cạnh đó, quyết định vào tuần trước của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) nhằm bám sát kế hoạch chỉ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 11 đã khiến thị trường dầu càng thắt chặt.

Nhiều nhà phân tích trước đó đã dự đoán, OPEC+ sẽ tăng thêm sản lượng ra thị trường do khủng hoảng năng lượng.

Liên Bộ Công thương - Tài chính: Sẽ có phương án để tối ưu hóa giá bán lẻ xăng dầu
Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021

Kể từ đầu năm 2021, giá dầu thô đã tăng gần 58% từ khoảng 51,8 USD/thùng lên khoảng 81 USD vào cuối ngày 06/10. Mức tăng mạnh trong sáu tuần qua, từ 65 USD/thùng vào ngày 20/8. Theo các nhà phân tích, giá nhiên liệu đang gần mức cao nhất trung bình là 86 USD/thùng. Xung quanh mức này, một số dự kiến ​​sẽ giảm nhiệt mặc dù xu hướng rộng hơn vẫn tăng.

Khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau Covid-19, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã tăng lên vào năm 2021 được cho là dẫn đến giá cả tăng mạnh. Một lý do khác khiến giá dầu quốc tế tăng mạnh là do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) duy trì các hạn chế về nguồn cung. Do đại dịch, các nền kinh tế sản xuất dầu này tiếp tục tăng sản lượng chậm dẫn đến giá dầu và khí đốt tăng. Hiện tại, tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu và châu Á đã thúc đẩy nhu cầu dầu cho sản xuất điện.

Thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng do kinh tế các nước trên thế giới đang dần hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại khi nhiều nước đã chọn phương án sống chung, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19; nhu cầu năng lượng (trong đó có xăng dầu) cũng tăng do chuẩn bị nguồn năng lượng cho mùa Đông trong khi giá khí đốt tăng mạnh, bên cạnh đó, OPEC+ quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch...

Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Giá dầu thô ngày 10/10/2021 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 07 năm trở lại đây. Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2021 cụ thể như sau: 88,156 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,863 USD/thùng, tương đương tăng 7,13% so với kỳ trước); 90,246 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,025 USD/thùng, tương đương tăng 7,15% so với kỳ trước); 87,756 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 8,269 USD/thùng, tương đương tăng 10,40% so với kỳ trước); 88,052 USD/thùng dầu hỏa (tăng 8,240 USD/thùng, tương đương tăng 10,33% so với kỳ trước); 429,615 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 21,654 USD/tấn, tương đương tăng 4,60% so với kỳ trước) (Biểu đồ 1).

Liên Bộ Công thương - Tài chính: Sẽ có phương án để tối ưu hóa giá bán lẻ xăng dầu

Biểu đồ 1: Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2021

Giá bán lẻ trong nước chịu tác động mạnh

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước đang dần được kiểm soát, số ca nhiễm mới tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… đang giảm mạnh và giảm liên tục trong những ngày gần đây. Nhiều địa phương bắt đầu áp dụng các biện pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích ứng với tình hình mới. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao.

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này (chiều ngày 11/10/2021), nếu không chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức cao, giá xăng E5RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng trên 1.000 đồng/lít so với giá hiện hành.

Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, sử dụng công cụ Quỹ BOG linh hoạt, hiệu quả, có tính đến việc tạo dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng, căn cứ tình hình thực tế của Quỹ BOG tại thời điểm hiện nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính chắc chắn sẽ tính đến phương án tối ưu nhất để đảm bảo giá bán lẻ trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cũng khẳng định, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư