Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 6-6,5% vào năm 2022

17:59 | 12/10/2021 Print
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu GDP đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%...

Năm 2021 vẫn đảm bảo các cân đối lớn

Trong phiên họp thứ 4 đang diễn ra, hôm nay (ngày 12/10) Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, theo Văn phòng Quốc hội.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng chúng ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng đầu năm nay tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao (khoảng 4%). Thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán (4% GDP)...

Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 6-6,5% vào năm 2022
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2021 dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng chúng ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh các kết quả đạt được, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. 9 tháng đầu năm nay GDP chỉ đạt 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm được khắc phục. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống…

Liên quan đến dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, trong đó tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%…

Phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn để phục hồi kinh tế

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhưng đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề như: việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; đánh giá rõ hơn công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, những hạn chế lớn...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, mục tiêu quan trọng đầu tiên là phải ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an sinh xã hội, nên có thể trình Quốc hội xem xét quyết định một số văn bản như kế hoạch phát triển phục hồi kinh tế sau dịch, xử lý nợ xấu...

“Đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá làm rõ hơn nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt, đặc biệt với chỉ tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP cả năm; việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022; tiến độ một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; tăng trưởng tín dụng, kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng...”, ông Thanh đề cập.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước, nên cần phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy đầu tư xã hội…

Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 6-6,5% vào năm 2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp. Ảnh: Quốc hội

Gợi mở giải pháp thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, năm 2022 cần làm rõ chuyển hướng trong phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với trọng tâm thích ứng an toàn với dịch bệnh, nên kế hoạch, chiến lược phòng chống dịch cần được tích hợp, tính toán bảo bảm tối ưu và cân bằng giữa yếu tố y tế và kinh tế - xã hội; quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, tính toán thời điểm nơi lỏng có kiểm soát, tránh tư tưởng nóng vội, không chủ quan; thống nhất cần có chương trình tổng thể để phục hồi phát triển kinh tế và có đề xuất về tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, khôi phục các hoạt động xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội…/.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư