e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Tái cơ cấu kinh tế phải theo hướng xanh hơn và số hóa

10:10 | 13/10/2021 Print
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng…

Tạo thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo chiều sâu

“Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy, có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Kế hoạch này diễn ra chiều ngày 12/10, theo Văn phòng Quốc hội.

Tái cơ cấu kinh tế phải theo hướng xanh hơn và số hóa
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp. Ảnh: QH

Đạt được kết quả như trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.

Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn đó một số hạn chế như: cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu Kế hoạch; hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA; còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước; nợ đọng thuế còn cao; việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập, gây lãng phí, thất thoát…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, bối cảnh nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đặt ra mục tiêu là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững…

Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, Kế hoạch đã bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Kế hoạch cũng đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Tái cơ cấu cần gắn với chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tác động của đại dịch có thể còn kéo dài, nên cần điều chỉnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, dài hạn, tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội một cách đúng hướng, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng...

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cần được làm rõ nguyên nhân. Việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước. Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới khó khả thi và nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp; bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công…

Tái cơ cấu kinh tế phải theo hướng xanh hơn và số hóa
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã giúp nền tảng vĩ mô được ổn định; cơ cấu lại nợ xấu, nợ công đạt kết quả nổi bật; tín nhiệm quốc gia tăng; chất lượng, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế có cải thiện rõ rệt... Ảnh: QH

Liên quan đến hướng tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần gắn với Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, đồng thời cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn và thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động; tập trung cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, phân bổ và giải ngân đầu tư công, quản trị dự án đầu tư, giải quyết dự án treo, dự án chậm tiến độ gắn với quy hoạch...

“Tái cơ cấu kinh tế lần này không phải là phục hồi lại như cũ, mà phải theo hướng xanh hơn, số hóa, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo. Do đó, cần phải có quyết tâm và giải pháp tổng thể, phù hợp, giải quyết dứt điểm, thực chất những vấn đề còn tồn tại…”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư