e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Khẩn trương xây dựng chương trình phục hồi kinh tế

10:47 | 13/10/2021 Print
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất cần đánh giá rõ vai trò trụ đỡ của nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp như thế nào trong thời gian tới...

Lưu ý các nội dung thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá theo từng khu vực kinh tế, lĩnh vực để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung mà Hội nghị Trung ương 3 đã đề cập.

“Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng trong quý III/2021 và đóng góp vào tăng trưởng chung 0,35%. Do đó, cần đánh giá rõ vai trò trụ đỡ của nông nghiệp và đẩy mạnh nông nghiệp như thế nào trong thời gian tới...”, ông Vương Đình Huệ đề xuất tại phiên họp thứ 4, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, theo Văn phòng Quốc hội.

Khẩn trương xây dựng chương trình phục hồi kinh tế
Theo Chủ tịch Quốc hội, khu vực dịch vụ, lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất và để phục hồi lại là không đơn giản. Ảnh: Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, một số ngành có mức tăng trưởng khá và hưởng lợi trong bối cảnh dịch bệnh như: thông tin truyền thông, viễn thông, khoa hoc công nghệ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế… Đây là những lĩnh vực cần phân tích cụ thể, để có giải pháp cho từng lĩnh vực, không thể chung chung…

Dự báo tình hình năm 2022 còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ thực hiện chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh, có kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh, để có kịch bản điều hành kinh tế - xã hội, tài khóa, tiền tệ, không để xảy ra tình trạng bị động, mất kiểm soát kinh tế...

Cũng liên quan đến định hướng điều hành phát triển kinh tế trong năm tới, theo ông Nguyễn Đức Hải, cần thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, trì hoãn những nhiệm vụ có thể trì hoãn để tập trung nguồn lực phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục kinh tế. Tính toán để nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với liều lượng phù hợp trên cơ sở đánh giá kỹ và kiểm soát được kết quả; sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối với các nguồn lực. Rà soát dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 để tăng dự phòng, chủ động nguồn cho phòng chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế.

Khẩn trương xây dựng chương trình phục hồi kinh tế
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cần đánh giá dư địa của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để làm căn cứ điều hành và phối hợp chính sách. Ảnh: Quốc hội

Đề cập cụ thể các giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới, kết luận nội dung thảo luận, ông Nguyễn Đức Hải lưu ý tập trung thực hiện các giải pháp như: đảm bảo đủ nguồn cung vắc-xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nâng cao năng lực điều trị bệnh Covid-19; có lộ trình phù hợp cho việc mở cửa lại nền kinh tế, xây dựng phương án đón khách du lịch khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thí điểm áp dụng thẻ xanh vắc-xin; tăng cường giải ngân đầu tư công.

“Khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế có phân chia theo giai đoạn phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Xây dựng các phương án, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương. Quan tâm đến y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh...”, ông Hải nhấn mạnh./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư