e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Chính sách

AAI: Chính sách cắt giảm lương công của IMF có giúp tăng trưởng kinh tế quốc gia?

22:17 | 16/10/2021 Print
Nghiên cứu thực hiện mới đây của Liên đoàn ActionAid Quốc tế (AAI), Tổ chức Dịch vụ Công Quốc tế (PSI) và Tổ chức Giáo dục Quốc tế (EI) vừa được công bố đã đưa ra cảnh báo rằng các yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm cắt giảm chi phí cho nhân viên khu vực công làm suy yếu tiến bộ về y tế, giáo dục và bình đẳng giới.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng dù đang áp dụng chương trình cải cách tiền lương trên diện rộng theo Nghị quyết số 86/2019/QH14, các ngành dịch vụ công của Việt Nam - nơi phụ nữ chiếm tỷ lệ việc làm cao hơn - có thể bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu này.

AAI: Chính sách cắt giảm lương công của IMF có giúp tăng trưởng kinh tế quốc gia?
Báo cáo “The Public vs Austerity” (Người dân với Chính sách thắt lưng buộc bụng) vừa được công bố

Lời khuyên của IMF về việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ trên toàn cầu đã xóa sổ gần 10 tỷ đô la Mỹ từ quỹ lương của khu vực công trên 15 quốc gia - tương đương với việc cắt giảm hơn ba triệu việc làm thiết yếu, như giáo viên, y tá và bác sĩ, bất chấp nhu cầu thực tế cho những công việc này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp. Báo cáo, “The Public vs Austerity” (Người dân với Chính sách thắt lưng buộc bụng) cho thấy trong khi IMF tuyên bố việc cắt giảm tiền lương là một biện pháp tạm thời, tất cả 15 quốc gia tham gia nghiên cứu đều được khuyến cáo cắt giảm hoặc đóng băng quỹ lương công trong 3 năm trở lên và hầu hết trong ít nhất 5 năm.

AAI: Chính sách cắt giảm lương công của IMF có giúp tăng trưởng kinh tế quốc gia?

Ông David Archer, Trưởng phòng Dịch vụ Công và Vận động Công dân , Trưởng ban Phát triển Chương trình của Liên đoàn ActionAid Quốc tế (AAI) khai mạc buổi ra mắt báo cáo tại Việt Nam

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đề xuất cắt giảm lương công của IMF không dựa trên bất kỳ đánh giá về tình trạng thiếu hụt lao động chủ chốt trong lĩnh vực y tế và giáo dục nào, và IMF cũng không dự báo được tác động của chính sách. Một cuộc phục hồi công bằng, xanh và bình quyền khỏi COVID-19 đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào khu vực công để tạo ra việc làm xanh và tốt, đặc biệt là cho những phụ nữ phải chịu gánh nặng của đại dịch, suy giảm kinh tế và khủng hoảng khí hậu.” Bà Julia Sánchez, Tổng thư ký của Liên đoàn ActionAid Quốc tế cho biết.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn để cải thiện sức khỏe người dân trong vài năm gần đây nhờ những cải tiến không ngừng của các dịch vụ y tế công cộng, được Chính phủ đầu tư nhất quán và lực lượng nhân lực y tế công hỗ trợ mạnh mẽ. Tuy nhiên, những nỗ lực của Chính phủ vẫn chưa theo kịp nhu cầu và mức sống tăng cao của người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Hồ Chí Minh. Thù lao dịch vụ công cũng không cạnh tranh với mức lương tư nhân - có thể cao gấp đôi so với mức lương công. Dữ liệu từ ActionAid Việt Nam gần đây chỉ ra rằng chưa đến 1/4 nhân viên y tế có mức thu nhập đủ chi trả hàng ngày.

Trong tháng 9, 10/2021, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế (iHEAT) đã thực hiện nghiên cứu về “Mức lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19”, nêu bật một cuộc tranh luận đang diễn ra khác về hỗ trợ và bồi thường cho cán bộ tuyến đầu. Hỗ trợ tài chính cho nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19 liên tục được nhắc đến, cùng với các hình thức hỗ trợ khác bao gồm hỗ trợ sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em, chỗ ở và đưa đón miễn phí.

AAI: Chính sách cắt giảm lương công của IMF có giúp tăng trưởng kinh tế quốc gia?
PGS, TS. Trần Xuân Bách - Chuyên gia Kinh tế, điều tra viên chính của nghiên cứu chia sẻ về báo cáo

PGS, TS. Trần Xuân Bách - Chuyên gia Kinh tế y tế hàng đầu và điều tra viên chính của nghiên cứu AAV chia sẻ “Trong khi tài liệu Điều IV trước đây dành cho Việt Nam đã đưa ra lời khuyên về việc cắt giảm tiền lương thì tài liệu tham vấn Điều IV năm 2020 gần đây nhất, được công bố vào ngày 1/3/2021, không đưa ra bất kỳ khuyến nghị cụ thể nào. Về ngắn hạn, IMF đề xuất tăng chi tiêu cho y tế trong bối cảnh đại dịch. Về trung hạn, Việt Nam được gợi ý thiết lập các ưu tiên, hợp lý hóa dự luật tiền lương và cho phép tự chủ tài chính. Phương án của Chính phủ nước ta hiện nay có thể nhận định là phù hợp với những khuyến nghị của IMF.”

Chính sách thắt lưng buộc bụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Trong bốn mươi năm qua, các chính sách thắt lưng buộc bụng dẫn đến việc cắt giảm lực lượng lao động trong khu vực công, đã làm suy yếu khả năng của các chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công chất lượng. Một trong những chính sách thắt lưng buộc bụng có tác động sâu sắc nhất đến các dịch vụ công là việc áp đặt các ràng buộc về tiền lương của khu vực công ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ công đáp ứng giới. Các chính sách này dẫn đến hai hệ quả trực tiếp là Ngăn chặn việc tuyển dụng giáo viên mới, y tá và những người lao động cần thiết khác; Giới hạn nghiêm ngặt đối với mức lương vốn đã thấp của những người lao động hiện nay trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác

Liên quan báo cáo “Mức lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19” của ActionAid Việt Nam

Các báo cáo của Liên đoàn ActionAid Quốc tế 2020 đã chỉ ra hành động như thế nào về công bằng thuế, cuộc khủng hoảng nợ mới và chống lại sự thắt lưng buộc bụng đều rất quan trọng nhằm cung cấp tài chính cho các dịch vụ công đáp ứng giới trong thời kỳ hậu COVID-19 (Báo cáo “Ai quan tâm cho tương lai”, tháng 6/2020 và Báo cáo “Đại dịch và Khu vực công” tháng 10/2020). ActionAid Việt Nam, thành viên của Liên đoàn ActionAid Quốc tế, thực hiện nghiên cứu về những ràng buộc trong dự luật tiền lương trong khu vực công đối với nhân viên y tế ở Việt Nam, tìm hiểu những nguyên nhân đằng sau vấn đề này và đề xuất những thay đổi chính sách phù hợp. Nghiên cứu cũng cho thấy tác động của COVID-19 đối với tính bền vững của lực lượng lao động y tế, giá trị nghề nghiệp và ý định thay đổi công việc của nhân viên y tế. Báo cáo “Mức lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19” dự kiến ra mắt vào tháng 11 năm 2021./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư