e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Cần chính sách ứng xử bình đẳng để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh

15:58 | 20/10/2021 Print
Báo cáo “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố trong khuôn khổ Chương trình Australia Hỗ trợ Cải cách Kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Báo cáo của CIEM cho thấy khu vực kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng và đã góp phần tạo vị thế, diện mạo mới cho Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa được tạo điều kiện phát triển tương xứng với vai trò và tiềm năng, do đó rất cần có những chính sách mang tính động lực để tạo đà phát triển bật lên.

Doanh nghiệp tư nhân có “lớn” nhưng chưa mạnh

Cùng với quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt các phiên bản Luật Doanh nghiệp và những quyết sách trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp biến các cơ hội kinh doanh thành sự phát triển thực sự, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020 với hơn 735 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (trung bình 122,5 nghìn doanh nghiệp/ năm). Trong 9 tháng đầu năm 2021 mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có 85.483 doanh nghiệp thành lập mới.

Cần chính sách ứng xử bình đẳng để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong nền kinh tế

Trình bày tại Hội thảo công bố báo cáo ngày 19/10, TS Nguyễn Thị Luyến - Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết kinh tế tư nhân đóng góp tới 40% GDP, đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều hơn cả khu vực DNNN và khu vực FDI. Năng lực của khu vực kinh tế tư nhân đã được cải thiện trong thời gian qua. Khu vực kinh tế tư nhân có số lượng chủ thể và quy mô ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân trong TOP 10, TOP 50, TOP 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng qua các năm; trình độ công nghệ, trình độ tổ chức quản lý được cải thiện; nhiều doanh nghiệp đã liên kết, hợp tác với nhau tạo sức mạnh tổng hợp góp phần bảo vệ thương hiệu Việt, thị trường nội địa, có những doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; đã có những doanh nghiệp, doanh nhân vươn tầm thế giới, khu vực. Hiệu quả hoạt động cải thiện với tổng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tư nhân đã tăng đáng kể; chỉ số hiệu suất sinh lời của các doanh nghiệp tư nhân lớn tăng mạnh, thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã kịp thời thích ứng, nắm bắt cơ hội để tìm hướng đi mới, ứng dụng các giải pháp công nghệ, cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm và đứng vững trong đại dịch Covid-19.

Cần chính sách ứng xử bình đẳng để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh
Hội thảo công bố báo cáo của CIEM

Tuy nhiên, bà Luyến chỉ ra rằng năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế. Năng lực cạnh tranh thấp với năng lực nội tại yếu, chậm được cải thiện. Khu vực kinh tế tư nhân đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; trình độ công nghệ, trình độ quản trị không cao, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh hạn chế, năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu; hiệu quả hoạt động còn thấp và chưa đồng đều. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự tương ứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Năng lực chống chịu trước “cú sốc” đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến.

Vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử

Chỉ ra nguyên nhân khiến khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, bà Luyến cho rằng có cả nguyên nhân nội tại và nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. “Thực tế, những yếu kém trong nội tại vừa là hạn chế vừa là nguyên nhân cản trở quá trình nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Đáng chú ý, vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra”, bà Luyến cho biết.

Thực tế bị phân biệt đối xử là tình trạng được khá nhiều doanh nghiệp và chuyên gia thừa nhận, đặc biệt là vẫn chưa có được sự bình đẳng so với khu vực DNNN và khu vực FDI khi 2 khu vực này vẫn có được nhiều ưu tiên ưu đãi hơn. Nói về tình trạng này, PGS.TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã thẳng thắn nhận xét dù đã lớn và trưởng thành, song khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thể vượt qua cái “bóng” khổng lồ của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Phân tích cụ thể hơn tình trạng này, ông Thiên cho rằng, chính sách vẫn có sự không nâng đỡ khu vực tư nhân đúng mức. Có rất nhiều chính sách rất mạnh hỗ trợ khối các doanh nghiệp FDI, thì doanh nghiệp tư nhân lại không có. Khu vực FDI nhận được nhiều ưu đãi, nhận được chính sách cở mở trong khi tiềm lực của họ đã mạnh hơn doanh nghiệp Việt rất nhiều. “Doanh nghiệp tư nhân không cần hơn, chỉ cần nhận được những chính sách tương tự dành cho DN FDI, là họ đã có thể bứt lên được và phát triển vượt bậc hơn hiện nay rất nhiều”, PGS.TS.Trần Đình Thiên nói.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, để tạo đà cho khu vực tư nhân phát triển, vấn đề cần giải quyết vẫn là phải có chính sách, tạo môi trường để kinh tế tư nhân Việt Nam lớn mạnh, phải quan tâm tới việc lực lượng tập đoàn tư nhân Việt Nam bứt lên thế nào. “Đến nay kinh tế tư nhân đã sang thế hệ thứ 3 rồi, đây là thế hệ khởi nghiệp, thời đại khởi nghiệp. Phải có được môi trường công khai minh bạch và chế độ giải trình mạnh mẽ hơn nữa. Dù có sửa chính sách mà trong môi trường kém công khai, không minh bạch thì cũng khó hiệu quả”, ông Thiên phân tích.

Tương tự, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng của CIEM cũng cho rằng, rất cần có sự ứng xử công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các khu vực. “Đáng buồn là đến nay vẫn có tâm lý không để doanh nghiệp tư nhân lớn. Cứ nhìn với con mắt nhỏ, nhìn ở tầm vừa và nhỏ nên bản thân chính doanh nghiệp cũng sợ lớn. Phải có tư duy làm lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn, phát triển nhiều tập đoàn mạnh hơn thì đất nước mới phát triển được. Phân biệt đối xử là căn bệnh tồn tại cần phải chữa tận gốc. Phải có chế tài mạnh với những cơ quan đơn vị nào còn phân biệt đối xử”, ông Bá nhấn mạnh.

Cần có chính sách nâng đỡ để tập đoàn tư nhân phát triển thành sếu đầu đàn

Để có lực lượng doanh nghiệp Việt, ông Thiên đề nghị có chính sách để các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển, và người làm giỏi phải được thưởng. “Vấn đề này CIEM đã đề cập lâu rồi nhưng phải hiện thực hóa được vào thực tiễn”, ông Thiên nhấn mạnh. Cùng quan điểm, báo cáo của CIEM đặc biệt khuyến nghị cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, trở thành sếu đầu đàn để dẫn dắt và lan tỏa tác động

Theo phân tích của các chuyên gia CIEM, trong giai đoạn tới, trọng tâm thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều chủ trương quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân, thực hiện các cam kết quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ và những tác động lâu dài của đại dịch Covid-19, cơ hội và thách thức đối với khu vực kinh tế tư nhân là rất lớn. Cơ hội rõ nhất là dư địa phát triển khu vực kinh tế tư nhân và có tiềm năng tăng trưởng. Hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn lực phát triển từ bên ngoài. Đại dịch Covid-19 mở ra nhiều cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân điều chỉnh mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng, đặc biệt ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn, đó là những thách thức tạo ra do tác động của đại dịch Covid-19 như sự gián đoạn cung ứng lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, nguy cơ đình trệ, khó khôi phục sản xuất trong thời gian ngắn, nhu cầu giảm, v.v. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ hội nhập quốc tế, trên cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Sự phát triển mạnh của khoa học và công nghệ cũng buộc khu vực kinh tế tư nhân phải ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng trong khi nguồn lực hạn chế.

Để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, CIEM đề xuất trước mắt tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động; kết nối lao động; đảm bảo điều kiện để “sống chung” với đại dịch; tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trong trung và dài hạn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; khuyến khích, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; thực hiện đào tạo, đào tạo lại để người lao động thích ứng với bối cảnh mới; thực hiện chính sách bình đẳng giới, thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển, trao quyền kinh tế cho nữ giới.

Đối với bản thân các chủ thể khu vực kinh tế tư nhân, để tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những hạn chế, cần chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô để đảm đủ lớn về quy mô, đáp ứng yêu cầu chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt. Các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau, tập hợp các doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng chia sẻ cơ hội, khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định như thiên tai, dịch bệnh./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư