e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu SDGs vào năm 2030

18:52 | 21/10/2021 Print
Các mục tiêu này bao gồm: mục tiêu 1 về xóa nghèo; mục tiêu 2 về xóa đói; mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng; mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu; mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu.

Với sự hỗ trợ của UNDP và Viện Hanns Seidel, Cộng hòa Liên bang Đức, sáng ngày 21/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia năm 2020: Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020).

THỨ HẠNG CỦA VIỆT NAM VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC SDGS LIÊN TỤC TĂNG

Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017. Kế hoạch hành động quốc gia đưa ra 17 SDGs với 115 mục tiêu cụ thể trên cơ sở quốc gia hóa các SDGs toàn cầu để phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam. Kế hoạch hành động quốc gia nhấn mạnh vai trò của tất cả các bên liên quan từ các bộ, ngành, địa phương đến các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong việc tham gia, đóng góp vào việc thực hiện các SDGs của Việt Nam đến năm 2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan chủ trì, điều phối và phối hợp với các bên liên quan để triển khai Kế hoạch hành động quan trọng này.

Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu SDGs vào năm 2030
Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện các SDGs
Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện các SDGs liên tục tăng trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, năm 2020, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49/166 nước về chỉ số SDGs, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2019.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020.

Báo cáo được xây dựng trên cơ sở số liệu thống kê chính thức đến hết năm 2019, tức là trước khi Đại dịch Covid-19 xảy ra. Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện các SDGs.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng nhóm xây dựng báo cáo, Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 SDGs vào năm 2030 (bao gồm: mục tiêu 1 về xóa nghèo; mục tiêu 2 về xóa đói; mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng; mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu; mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu).

Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện các SDGs liên tục tăng lên trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, năm 2020, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49/166 nước về chỉ số SDGs, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2019.

Có được những kết quả trên là nhờ sự tham gia, đóng góp của tất cả các bên liên quan. Điều này được khẳng định thông qua việc phát triển bền vững luôn là chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong các chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam. Quốc hội, Chính phủ luôn đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách gắn liền với việc thực hiện các SDGs, trong đó quan tâm, chú trọng đến các nhóm yếu thế để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay thực hiện các SDGs. Cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các đối tác phát triển đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện các SDGs.

2 MỤC TIÊU SẼ RẤT KHÓ ĐẠT VÀO NĂM 2030

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong duy trì thành quả đã đạt được và hướng tới việc hoàn thành các SDGs vào năm 2030.

Báo cáo cho biết, có tới 10 SDGs sẽ gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành (bao gồm: mục tiêu 3 về sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; mục tiêu 5 về bình đẳng giới; mục tiêu 6 về nước sạch và vệ sinh; mục tiêu 7 về năng lượng sạch và giá cả hợp lý; mục tiêu 8 về tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; mục tiêu 9 về công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng; mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng; mục tiêu 11 về thành phố và cộng đồng bền vững; mục tiêu 15 về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; mục tiêu 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh).

Có 2 mục tiêu sẽ rất khó đạt vào năm 2030 (bao gồm mục tiêu 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững; mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển).

Trong số 115 mục tiêu cụ thể, có 54 mục tiêu cụ thể sẽ hoàn thành (chiếm gần 47%), nhưng còn 48 mục tiêu cụ thể (chiếm 41,7%) sẽ gặp khó khăn, thách thức phía trước và 13 mục tiêu cụ thể (chiếm 11,3%) rất khó đạt vào năm 2030

Ông Lê Việt Anh chỉ ra, nguyên nhân xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, như: tăng trưởng chững lại; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế; sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, hệ thống văn bản chính sách còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao. Việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cho thực hiện các SDGs hiện nay và trong những năm tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 tác động toàn diện trên phạm vi toàn cầu.

BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI

Để tiếp tục gặt hái thành công và tiến tới đạt được các SDGs đã đặt ra, báo cáo nhấn mạnh, trong 5 năm tới, Việt Nam cần chú trọng thực hiện những định hướng chính sách sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Cần hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng đảm bảo sự đóng góp và hưởng lợi công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương.

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách theo hướng: (i) Tăng cường năng lực của cơ quan hoạch định chính sách và tăng cường sự tham gia của các đối tượng chịu tác động của chính sách trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách; (ii) Thực hiện ưu tiên trong phân bổ nguồn lực để thực thi một số chính sách liên quan đến lợi ích và cuộc sống của nhiều người dân, có tác động lan tỏa hoặc động lực cho sự phát triển bền vững; (iii) Tăng cường sự tương tác và phối hợp giữa các cơ quan liên quan và giữa cơ quan thực thi chính sách với đối tượng của chính sách. Tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và các chiến lược, chính sách ngành, địa phương chính là công việc cốt lõi để đạt được các SDGs vào năm 2030.

Thứ hai, tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các SDGs. Bảo đảm thực hiện các SDGs không chỉ là công việc của Chính phủ mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan. Phát huy vai trò của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh và các cơ chế liên ngành khác trong việc kết nối và thúc đẩy sự phối hợp trong việc triển khai thực hiện các SDGs. Triển khai thực hiện các SDGs ở tất cả các cấp chính quyền, địa phương hóa các SDGs một cách hiệu quả trong quá trình lập và thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch; Tăng cường năng lực của hệ thống thống kê quốc gia và địa phương về phát triển bền vững nhằm hỗ trợ công tác giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các SDGs. Đề cao vai trò và trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội trong việc chủ động thực hiện các sáng kiến nhằm góp phần thực hiện SDGs đến năm 2030.

Thứ ba, huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển về quy mô, nâng cao trình độ quản lý, kết nối thị trường, đổi mới sáng tạo. Tạo ra sân chơi bình đẳng và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả ở cả hai khu vực tư nhân và nhà nước trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Ưu tiên huy động nguồn vốn nước ngoài vào các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, bảo đảm các dự án đầu tư công có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển bền vững. Kế hoạch đầu tư công cần có sự lồng ghép với các SDGs để bảo đảm nguồn vốn được phân bổ có trọng tâm và tập trung hơn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Đa dạng hoá phương thức đào tạo gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường công tác giáo dục và đào tạo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thúc đẩy phát triển mạnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tích cực thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Thứ năm, tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro bất định từ biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Chú trọng nâng cao năng lực quốc gia trong phòng chống, ứng phó với các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; nâng cấp cơ sở dữ liệu, bản đồ rủi ro về thiên tai, khí hậu và dịch bệnh, từ đó xây dựng các kịch bản ứng phó và chống chịu tương ứng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong ứng phó với rủi ro; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm các rủi ro về khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; cải thiện hệ thống quản lý rủi ro hiện hành nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương và tăng mức độ sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai và dịch bệnh của mọi tầng lớp xã hội; triển khai các giải pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn liên quan đến các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai; phát triển và nhân rộng các mô hình tốt trong chống chịu và ứng phó với các rủi ro về thiên tai, khí hậu và dịch bệnh dựa vào cộng đồng.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò, vị thế quốc gia. Tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững; tích cực tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các SDGs tại Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc. Đồng bộ hóa các ưu tiên chung của khu vực trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách về phát triển bền vững, nhằm tạo môi trường pháp lý phù hợp để tranh thủ các cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt, xây dựng năng lực và huy động nguồn lực phục vụ các SDGs quốc gia…/.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư