e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Tích cực “hồi sinh” nền kinh tế

10:53 | 22/10/2021 Print
Trong năm 2022, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cần tích cực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả...

Cần phòng, chống dịch hiệu quả trong tình hình mới

”Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid -19 năm 2022 trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị tập trung vào tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa...”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, khi trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Tích cực “hồi sinh” nền kinh tế
Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ảnh: Quốc hội

Một nhóm giải pháp nữa mà Chính phủ cần tập trung thực hiện trong năm 2022, theo ông Thanh là triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế; xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu vắc-xin; nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid -19...

Cũng với đó là tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; kịp thời ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách, bảo đảm tương xứng, điều kiện, tiêu chuẩn khả thi, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; cân đối và phân bổ nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra. Tăng cường hỗ trợ, trợ giúp xã hội, nhất là với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em mồ côi do cha mẹ, người thân vừa mất do đại dịch; người khuyết tật, người cao tuổi...; bảo đảm quyền được học tập, bảo vệ sức khỏe của trẻ em, quyền được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế của các đối tượng yếu thế...

Tích cực phục hồi phát triển kinh tế

Liên quan đến các giải pháp trọng tâm điều hành phát triển kinh tế trong năm 2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ; phối hợp chặt chẽ, cân bằng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Tích cực “hồi sinh” nền kinh tế
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cần phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt chẽ tình hình phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Ảnh: Quốc hội
Chính phủ cần tích cực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, duy trì chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường của các đối tác; xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, các mô hình phát triển bền vững; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, viễn thông, năng lượng tái tạo...

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, giữ nghiêm kỷ luật tài chính; quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thu, thu hồi nợ thuế. Nghiên cứu, đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng tỷ lệ nợ công phù hợp nhưng phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, bội chi không quá 4% GDP. Tăng cường giải ngân đầu tư công gắn với các dự án hạ tầng chiến lược, phân bổ hạn mức vốn đầu tư công trung hạn kịp thời, cùng với thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giao vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Cũng theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cần tập trung xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn; khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc; sử dụng hiệu quả, phát huy vai trò của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Một nhóm giải pháp nữa Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đề nghị Chính phủ tập trung triển khai là ưu tiên cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nằm trong chương trình xây dựng và ban hành. Tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách để góp phần phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; các sản phẩm, dịch vụ áp dụng công nghệ mới. Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia trong năm 2022…/.

.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư