Tăng cường quản lý đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc

10:47 | 28/10/2021 Print
Tính đến ngày 15/9/2021, có 404 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc còn hiệu lực. Các dự án sau khi được cấp phép luôn được Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đẩy mạnh. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuyên suốt cả một vòng đời của dự án, giúp cho nhà đầu tư có niềm tin vững chắc về một môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả.

Hỗ trợ hiệu quả cho các dự án đầu tư

Nhà máy trong KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc
Nhà máy trong KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc
Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh. Các lĩnh vực công tác được khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, trong đó công tác quản lý các dự án sau cấp phép đầu tư đã và đang được tăng cường đẩy mạnh.

Tính đến ngày 15/9/2021, có 404 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19.428,61 tỷ đồng và 5.378,43 triệu USD (bao gồm 75 dự án đầu tư DDI và 329 dự án FDI).

Được biết, thời gian qua Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh. Các lĩnh vực công tác luôn được các phòng chức năng trực thuộc Ban Quản lý triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, trong đó công tác quản lý các dự án sau cấp phép đầu tư đã và đang được tăng cường đẩy mạnh.

Trong quá trình nhà đầu tư triển khai dự án, Ban Quản lý chú trọng kiểm tra chặt chẽ công tác hậu kiểm, định kỳ rà soát, phân loại dự án để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật (đặc biệt đối với các dự án thuộc các nhóm: có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác...).

Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động trong KCN được Ban Quản lý tiến hành thường xuyên, liên tục. Đồng thời làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thanh, kiểm tra trong nhiều lĩnh vực công tác (môi trường; đất đai; phòng chống dịch; xuất, nhập cảnh; quản lý, sử dụng người lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp KCN…..).

Đặc biệt trong 9 tháng năm 2021, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các KCN đã được quan tâm chú trọng và mang lại nhiều kết quả tích cực. Ban đã tham gia các tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra về nghiệp về công tác phòng chống dịch tại 100% các doanh nghiệp trong KCN (đợt 1); kiểm tra 116 doanh công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên bản đồ antoancovid.vn (đợt 2); kiểm tra 83 doanh nghiệp (đợt 3) trong việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2021. Các doanh nghiệp trong KCN đã kịp thời nắm đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Chính phủ, của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh và hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Với những cố gắng trên, đến nay Vĩnh Phúc chưa có ca mắc Covid-19 (F0) nào trong KCN.

Công tác quản lý lao động tại các doanh nghiệp KCN được quan tâm sát sao, đi đôi với việc phát triển tổ chức công đoàn cơ sở và phát huy hiệu quả hoạt động công đoàn đã đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động; góp phần giảm thiểu đình công, lãn công và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Tỉnh.

Trong 09 tháng đầu năm 2021, Ban thực hiện cấp/cấp lại cho 687 Giấy phép lao động; chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 201 lượt doanh nghiệp; tiếp nhận 96 nội quy lao động, 33 thỏa ước lao động tập thể và 25 hồ sơ thẩm định làm thêm giờ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động và tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Lao động, Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Tỉnh ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Quản lý và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ… Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, Ban Quản lý đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai tốt công tác phòng chống bệnh dịch Covid-19, nhằm đảm bảo duy trì chuỗi sản xuất thông suốt, vận hành được an toàn và hiệu quả.

Trước tình hình khó khăn về cơ sở hạ tầng phục vụ người lao động trong các KCN (nhà ở, các khu vui chơi, giải trí, nhà trẻ, mẫu giáo..), Ban Quản lý đã huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng khu nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân tại các KCN, góp phần bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người lao động.

Công tác quản lý môi trường tại các KCN tiếp tục được triển khai hiệu quả. Ban thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp trong KCN quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng chống dịch bệnh Covid -19 và nâng cao ý thức trách nhiệm về giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Ban đã tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động Môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường cho 01 dự án; tham gia Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động Môi trường của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho 38 dự án; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 231/UBND-NN4 ngày 13/01/2021 của UBND Tỉnh; đề xuất UBND Tỉnh xem xét ngành nghề dự kiến đầu tư, hạn chế doanh nghiệp tái chế phế liệu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đầu vào.

Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự tại các KCN cơ bản được đảm bảo, trong các KCN trên địa bàn không xảy ra tình trạng đình công, lãn công, nghỉ việc tập thể. Công tác phòng cháy chữa cháy tại các KCN cũng luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối, tại các KCN trên địa bàn không xảy ra hiện tượng cháy nổ, các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy.

Song hành cùng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, Ban Quản lý đã tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án sau cấp phép đầu tư và khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần tạo môi trường đầu tư hiệu quả và thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư mới.

Tiếp tục triển khai toàn diện công tác quản lý các dự án đầu tư

Tăng cường quản lý đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Nhà máy sản xuất xe Piaggio tại KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Với những cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý, trong 09 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 34 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.848,51 tỷ đồng và 840,91 triệu USD; đồng thời điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 21 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm là 166,9 tỷ đồng và 88,08 triệu USD.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước ổn định trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Các chỉ tiêu kinh tế của các dự án FDI đều tăng 3-7% so với cùng kỳ năm 2020. Các dự án mới đi vào hoạt động thu hút thêm 11.604 lao động làm việc trong các KCN.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý các dự án sau cấp phép đầu tư, trong 03 tháng cuối năm 2021 Ban Quản lý cho biết sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, giám sát chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các dự án sau cấp phép; tổng hợp, rà soát, phân loại để theo dõi, kiên quyết thu hồi các dự án không có khả năng triển khai để giao cho các dự án khác. Phối hợp với Cục thuế tỉnh kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, đôn đốc các dự án đầu tư khẩn trương triển khai và giải ngân theo đúng tiến độ; theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, biến động của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, có giá trị và đóng góp lớn cho ngân sách.

Đối với những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết, tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết cho doanh nghiệp.

Thứ ba, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chính sách, văn bản, pháp luật; thường xuyên đổi mới cách thức quản lý lao động để đạt hiệu quả tốt nhất, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.

Thứ sáu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường tại các KCN trên địa bàn Tỉnh; phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh, các đơn vị có liên quan giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến hóa chất tại các KCN, nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường./.

Cẩm Ly

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư