Giữ an toàn thanh toán trên TTCK: Xây quy định mới về 3 quỹ tại VSD

16:59 | 27/10/2021 Print
Thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) dự kiến sẽ thực hiện mức góp quỹ mới để giữ an toàn cho các hoạt động thanh toán sau giao dịch. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố bản thảo Thông tư hướng dẫn về vấn đề này và lấy ý kiến công chúng trong vòng 60 ngày, kể từ ngày 26/10/2021.

Quỹ hỗ trợ thanh toán: góp tối đa 2,5 tỷ đồng/năm

Theo dự thảo, Quỹ hỗ trợ thanh toán được hình thành từ khoản đóng góp bằng tiền của thành viên lưu ký theo mức đóng góp cố định ban đầu, mức đóng góp hàng năm và mức đóng góp tối đa.

Mức đóng góp vào quỹ hỗ trợ thanh toán như sau:

+ Mức đóng góp cố định ban đầu là 120 triệu đồng;

+ Mức đóng góp hàng năm bằng 0,01% giá trị giao dịch môi giới được thanh toán của cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (ngoại trừ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ), chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán của từng thành viên lưu ký trong năm liền trước, tối đa không quá 2,5 tỷ đồng/năm;

+ Mức đóng góp tối đa là 15 tỷ đồng đối với thành viên lưu ký là công ty chứng khoán có nghiệp vụ môi giới, ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 20 tỷ đồng đối với thành viên lưu ký là công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh và môi giới.

Tiền đóng góp vào quỹ hỗ trợ thanh toán được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sử dụng để thanh toán thay cho thành viên lưu ký trong trường hợp thành viên lưu ký tạm thời mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán.

Lãi phát sinh từ tiền đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán được phân bổ cho thành viên lưu ký phù hợp với số tiền và thời gian đóng góp của từng thành viên lưu ký sau khi trừ chi phí quản lý tài khoản tiền gửi quỹ hỗ trợ thanh toán tại ngân hàng thanh toán (nếu có).

Quỹ bù trừ: đóng góp từ 20-30 tỷ đồng/thành viên

Giữ an toàn thanh toán trên TTCK: Xây quy định mới về 3 quỹ tại VSD
Trụ sở VSD tại Hà Nội

Sau 12 tháng kể từ ngày Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chính thức triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, thành viên bù trừ có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ bù trừ theo mức đóng góp tối thiểu ban đầu, đóng góp định kỳ do đánh giá lại và đóng góp bổ sung bất thường.

Mức đóng góp vào quỹ bù trừ dự kiến tối thiểu ban đầu là 20 tỷ đồng đối với thành viên bù trừ trực tiếp và 30 tỷ đồng đối với thành viên bù trừ chung. Định kỳ hàng tháng, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đánh giá lại quy mô quỹ bù trừ và xác định nghĩa vụ đóng góp quỹ bù trừ của từng thành viên bù trừ căn cứ vào quy mô giá trị thanh toán, mức biến động của thị trường, mức độ rủi ro và các tiêu chí khác;

Thành viên bù trừ phải duy trì số dư đóng góp quỹ bù trừ đảm bảo không thấp hơn mức đóng góp tối thiểu ban đầu. Trường hợp số dư đóng góp quỹ bù trừ lớn hơn nghĩa vụ phải đóng góp, thành viên bù trừ được rút phần chênh lệch; trường hợp số dư đóng góp quỹ bù trừ nhỏ hơn nghĩa vụ phải đóng góp, thành viên bù trừ phải đóng góp bổ sung phần chênh lệch.

Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ

Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trích lập để xử lý rủi ro trong quá trình xử lý các nghiệp vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Nguồn hình thành quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ bao gồm: Số dư quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ và quỹ phòng ngừa rủi ro thanh toán chứng khoán phái sinh của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chuyển sang theo quy định; Trích 5% doanh thu hàng năm từ hoạt động nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; Số tiền quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ đã sử dụng để bù đắp các khoản thiệt hại tài chính cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam nhưng sau đó thu hồi lại được và một số nguồn khác.

Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ thuộc sở hữu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Hội đồng thành viên Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chịu trách nhiệm lựa chọn ngân hàng thương mại để mở tài khoản tiền gửi của quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ.

Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sử dụng quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ để đảm bảo thanh toán tiền giao dịch chứng khoán.

Trường hợp có nhiều thành viên đồng thời mất khả năng thanh toán với tổng số tiền thiếu hụt lớn hơn số dư quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ tại thời điểm sử dụng, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ phân bổ số tiền quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ sử dụng theo tỷ lệ giữa số tiền thiếu hụt của mỗi thành viên và tổng số tiền thiếu hụt của các thành viên.

Liên quan đến hoàn trả quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ, dự thảo Thông tư quy định, trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sử dụng quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ để thanh toán thay thành viên mất khả năng thanh toán, thành viên có trách nhiệm hoàn trả cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam số tiền đã thanh toán thay, các chi phí phát sinh liên quan (nếu có) và tiền lãi.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, nhiều thành viên đánh giá cao nỗ lực của VSD khi thanh toán trở lại cho thành viên khoản lãi tiền gửi phát sinh từ nguồn quỹ chưa sử dụng. Tuy nhiên, do quy định về các hoạt động thanh toán giao dịch trên TTCK rất chặt chẽ, nên nguồn quỹ tại VSD hầu như không phải sử dụng, nên cũng có ý kiến cho rằng, nhà quản lý nên cân nhắc thực tế này để đưa ra các mức đóng quỹ dự phòng hợp lý hơn cho thành viên./.

Thiên Phúc

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư