Xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội

22:52 | 27/10/2021 Print
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ mối quan tâm của đại biểu Quốc hội về xây dựng cơ chế đặc thù phát triển các địa phương…

“Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về các chính sách đặc thù đối với một số địa phương phải đặt trong sự phát triển, quy hoạch chung của vùng, cũng như quy hoạch trong tỉnh...”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế diễn ra hôm ngày 27/10, theo Văn phòng Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc thu ngân sách nhà nước và các địa phương, nên cần có lộ trình thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố phù hợp; phải có đề án và chương trình cụ thể để đảm bảo hiệu quả khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết; các cơ chế, chính sách cho các tỉnh phải tạo được sự lan tỏa. Có đại biểu Quốc hội đề xuất cần có sự đánh giá về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, cũng như có biện pháp giám sát việc thực hiện...

Xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay, các chính sách đầu tư ngoài ngân sách hầu hết đã được phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Ảnh: Quốc hội

“Những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội rất xác đáng, sẽ được Bộ tiếp thu tối đa, nghiên cứu, giải trình để hoàn thiện các Nghị quyết, cũng như trong sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về phân cấp thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là chỉ phân 1 cấp. Theo đó, những công việc, nhiệm vụ nào của Quốc hội thì sẽ phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những công việc, nhiệm vụ của Chính phủ thì phân cấp cho địa phương. Hướng phân cấp này nhằm thực hiện giám sát việc triển khai cơ chế, chính sách cho các địa phương được minh bạch.

Về chính sách dư nợ vay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xác định dư nợ vay phải phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển của từng địa phương, cũng như khả năng triển khai vốn, trả nợ của từng địa phương. Do đó, mức dư nợ vay của các địa phương là khác nhau. Việc tăng mức dư nợ vay của các địa phương sẽ được kiểm soát trong giới hạn bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công của cả nước, được Quốc hội xem xét, quyết định hàng năm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các cơ quan của Chính phủ sẽ phối với chặt chẽ với Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với vấn đề tổ chức bộ máy và biên chế, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố nghiên cứu, bổ sung một số chính sách trên cơ sở diện tích, quy mô dân số nhằm thực hiện lại việc tổ chức bộ máy, biên chế của các địa phương sao cho phù hợp với đặc thù, yêu cầu từ hực tiễn và sự phát triển của các địa phương…

Liên quan đến một số nội dung khác như khu thương mại tự do ở Thành phố Hải Phòng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là một vấn đề mới và đang ở ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Thành phố Hải Phòng nghiên cứu đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương để trình Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư