e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Việt Nam cần có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

12:15 | 29/10/2021 Print
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam cần có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh…

“Với quá trình hội nhập với quốc tế sâu rộng, nên hiện 80% thị phần của rạp chiếu phim là do nước ngoài quản lý và hoạt động, vì nhiều phim do các hãng chiếu phim, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, Việt Nam chỉ giữ được 20% thị phần…”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi giải trình đại biểu Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật, ông Hùng cho biết, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về chính sách chung cho điện ảnh như: chính sách dành cho ngành văn hóa nghệ thuật, công nghiệp điện ảnh. Trong đó, về công nghiệp điện ảnh, dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp điện ảnh; phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với sản phẩm, dịch vụ và du lịch và những biện pháp khuyến khích về mặt pháp lý, khuyến khích phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm; bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; xây dựng hệ thống dữ liệu và thúc đẩy các vấn đề phát triển. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư và tạo môi trường bình đẳng để tất cả mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện ảnh.

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét…”, ông Hùng giải trình.

Việt Nam cần có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc bỏ thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác, sử dụng phim hợp tác liên doanh với nước ngoài là vấn đề khó. Ảnh: Quốc hội
Về sản xuất phim theo ngân sách nhà nước đặt hàng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên tổ chức đấu thầu. Ông Hùng cho biết, vấn đề này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước hạn hẹp, trong khi thực hiện đấu thầu thì hầu như không có đơn vị nào tham gia. Vì vậy, Bộ mong muốn Quốc hội xem xét để có giải pháp hiệu quả hơn cho vấn đề này.

Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận là thẩm quyền cấp phép và phân loại phim. Theo quy định tại dự thảo Luật, việc thẩm định và cấp phép cho các loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác, sử dụng phim hợp tác liên doanh với nước ngoài. Theo ông Hùng, trong thực tế đang xảy ra một vấn đề là có hãng phim liên kết, liên doanh với nước ngoài không tuân thủ và vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

“Các phim hợp tác với nước ngoài thường không phổ biến tại Việt Nam, nên nếu như không có thẩm định thì không kiểm soát được tính chính xác của phim so với thực tế lịch sử của Việt Nam. Đây là một vấn đề khó mà cơ quan soạn thảo đang cân nhắc, tính toán để đưa vào dự án Luật…”, ông Hùng cho hay.

Về phân loại phim, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất trong dự án Luật là phải có sự kết hợp về phân loại phim. Các cơ quan phát hành phim phải chịu trách nhiệm phân loại và sản xuất phim. Theo đó, các cơ quan phát hành phim phải chịu trách nhiệm cung cấp các nội dung thiết kế theo hướng hậu kiểm trước, sau đó xem xét để phổ biến phim trên không gian mạng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây là việc rất khó bởi trong thực tiễn Việt Nam mới kiểm soát được phần âm thanh, còn toàn bộ phần hình ảnh chưa có đủ công nghệ để kiểm soát nhằm không bị lọt những bộ phim có những nội dung không đúng với Việt Nam, vi phạm các quy định của pháp luật…

“Ở nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển đều xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Cơ quan soạn thảo dự án Luật cho rằng, Việt Nam cũng cần có Quỹ này, thì mới có điều kiện để hỗ trợ các đối tượng hưởng Quỹ...”, ông Hùng giải trình./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư